1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì sao khách hàng nên cẩn trọng với “cái bẫy” cho vay tiêu dùng, mua hàng trả góp?

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, trả góp là phương án thanh toán linh hoạt được nhiều người lựa chọn.

Thế nhưng, choáng ngợp bao nhiêu vì những thủ tục mua bán dễ dàng và được sở hữu món đồ ưa thích một cách nhanh chóng, nhiều người cũng sững sờ bấy nhiêu khi trả mãi mà chưa hết số tiền nợ trả góp.
 
Vì sao khách hàng nên cẩn trọng với “cái bẫy” cho vay tiêu dùng, mua hàng trả góp?

“Cho vay trả góp” đang trở thành một “chiêu” kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. (Ảnh minh họa)

Giá cho sự tiện lợi không rẻ

Anh Nhật ở Bình Dương kể cho phóng viên nghe câu chuyện của mình: “Tôi mua một chiếc xe máy giá trên hóa đơn là 33 triệu đồng, nhưng giá thực tế tôi phải trả nếu trả 1 lần là 37,5 triệu đồng. Vì không có nhiều tiền, cũng không muốn tạo sức ép lên kinh tế gia đình, tôi chấp nhận mua trả góp, với thời gian là 9 tháng. Số tiền ban đầu tôi phải trả là 15 triệu đồng, hằng tháng tôi phải trả 3,303 đồng. Tính ra, tổng số tiền cho chiếc xe máy tôi phải trả là 44,727 triệu đồng. Nghĩa là, tôi chỉ vay thêm có 22,500 triệu đồng mà phải trả lãi 7,227 triệu đồng trong 9 tháng, tương đương là 3,57% một tháng”.

Một đồng nghiệp của anh Nhật, chị Lệ A. cũng phát nản khi mua trả góp một chiếc xe Nouvo giá 37 triệu đồng. “Tôi trả trước 18 triệu đồng, số còn lại thanh toán theo phương thức trả góp mỗi tháng 1,492 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 7 tháng, khi đã thanh toán được 10,444 triệu đồng, tôi muốn trả hết nợ để lấy giấy tờ xe thì thấy rằng, hóa ra số nợ của tôi cơ bản chưa ít hơn là bao so với ban đầu, với 19,3 triệu đồng. Giải đáp thắc mắc của tôi , nhân viên công ty cho vay tài chính trả nợ góp cho hay, nợ gốc vẫn còn cao là do lãi suất khoản nợ của tôi là 4,82%/tháng, tức là khoảng 58% mỗi năm” – chị Lệ A. nói – “Tính ra, nếu góp đủ số tiền đến cuối kỳ thì tôi phải trả khoảng 35 triệu đồng. Tôi quyết định chấp nhận trả phạt, chấm dứt hợp đồng trước kỳ hạn, coi như khoản tiền mất đi là học phí cho kinh nghiệm thị trường của mình, cũng cho lòng đỡ ấm ức”.

Đa phần khách hàng mua trả góp thường chỉ quan tâm số tiền phải trả ban đầu là bao nhiêu và số tiền phải góp hằng tháng là bao nhiêu, không mấy người tính được chi phí tổng thể, và nhất là chẳng mấy ai hỏi nhân viên tư vấn cụ thể về các khoản phạt nếu khách hàng trả chậm so với kỳ trả nợ mỗi tháng hay trả trước kỳ hạn thỏa thuận.

Hệ thống cửa hàng điện máy – điện tử Thế giới di động (thegiodidong.com và dienmay.com) kết hợp với Công ty tài chính ACS đang thực hiện chương trình trả góp 0% lãi suất trong 6 tháng, và theo lời tư vấn của nhân viên tư vấn công ty ACS, thì “khách hàng trả trước tối thiểu 30% giá trị món hàng, phần còn lại chia đều cho 6 tháng, không thêm một khoản phí nào”. Thế nhưng, đây là một trong những chương trình hiếm hoi mua hàng trả góp không lãi suất, vì theo chính lời nhân viên này, mức trả góp bình thường hiện nay công ty đang thực hiện với khách hàng Thế giới di động là khách hàng trả trước 20 – 70%, còn lại trả góp hàng tháng, lãi suất 2,2%/tháng, tương đương 26,4%/năm.

Trên hệ thống này, nếu muốn mua máy tính bảng Galaxy Tab, giá niêm yết 9.999.000 đồng, với thời hạn 12 tháng, khách hàng trả trước 20% (tương đương 1.998.000 đồng), trả góp 873.000/tháng. Như vậy, tổng giá trị món hàng này là 12.474.000 đồng, cao hơn giá niêm yết là 2.484.000 đồng. Nếu vay với thời hạn 24 tháng, khách trả 540.000 đồng/tháng, tổng giá trị là 14.958.000 đồng, cao hơn giá niêm yết là 4.968.000 đồng.

Khách mua hàng trả góp đa phần là học sinh sinh viên, người lao động có điều kiện tài chính hạn chế nhưng lại có nhu cầu bức thiết về tiện nghi. Chính vì thế, các công ty tài chính đã “đánh trúng” tâm lý phân khúc khách hàng này khi đưa ra những điều kiện về hồ sơ rất đơn giản. Tuy nhiên, với chi phí khá “chát” của mỗi hợp đồng so với giá trị món hàng, tính ra, giá mua sự tiện lợi không hề rẻ.

Lãi suất vô tội vạ

Khi đặt vấn đề vay khoản tiền 50 – 70 triệu đồng, nhân viên tư vấn Công ty tài chính Prudential Finance cho phóng viên biết, báo Pháp luật Việt Nam thuộc Bộ Tư pháp là đơn vị thuộc “nhóm doanh nghiệp ưu tiên”. Nếu thu nhập của phóng viên từ 12 triệu trở lên nên mức lãi suất phóng viên được hưởng là 2,2%/tháng (nếu doanh nghiệp không được ưu tiên, lãi suất khách hàng phải trả là 3,2%/tháng).

Như vậy, tương đương khoản vay 70 triệu đồng, khách hàng trả 3,824 triệu đồng/tháng cho khoản vay 24 tháng. Mức lãi suất sẽ là 2,6%/tháng nếu thu nhập của phóng viên từ khoảng 8 – 12 triệu đồng/tháng, và thu nhập dưới mức đó thì lãi suất là 2,9%/tháng. Phân vân về thời hạn vay 24 tháng khá lâu, nhân viên tư vấn cho hay khoản vay của khách hàng lớn nên thời hạn vay phải là 24 tháng trở lên (?). Nếu khách hàng trả trước hạn trong năm đầu tiên, sẽ bị phạt 4% tổng dư nợ còn lại, trả trước hạn trong năm thứ 2: phạt 3% trên dư nợ còn lại, nếu trả trước hạn trong 2 năm cuối phạt: 2% trên dư nợ còn lại. Như vậy, nếu theo đúng quy định của công ty, khách hàng sẽ phải kẽo kẹt trả góp với lãi suất không nhỏ cho khoản nợ của mình.

Nhiều khách hàng, sau một thời gian “thấm đòn” lãi suất, bắt đầu bức xúc về số tiền quá cao phải bỏ ra mua hàng trong khi nơm nớp tâm lý mang nợ, đã cố gắng gom tiền đến trả một lần cho dứt. Thế nhưng, khi đó, họ sẽ càng sững sờ hơn khi nhân viên tài chính tính ra cho họ thấy rằng, một khi đã trót ký hợp đồng vay, giờ có trả trước hạn thì họ vẫn mua hàng đắt như thường do các khoản phí phạt.

Lợi dụng nguyên tắc lãi suất cho vay căn cứ trên thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay, không bị khống chế mức trần, các công ty tài chính đã đưa ra mức lãi suất ngất ngưởng, đúng vào lúc người tiêu dùng cần tiền nhất. Đằng sau sự linh hoạt của phương thức thanh toán, những món tiền trả góp tưởng là sự sẻ chia áp lực tài chính nhiều khi lại trở thành một gánh nặng tài chính không hề nhỏ. Bởi vậy, sự cẩn trọng của người tiêu dùng đối với với phương thức mua hàng này không bao giờ là thừa.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Phú Yên đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức thanh tra trên phạm vi toàn quốc đối với dịch vụ cho vay mua bán trả góp của Công ty TNHH MTV Tài chính PPF Việt Nam (PPF) và các dịch vụ tương tự của các doanh nghiệp khác, do có hiện tượng chênh lệch quá lớn giữa lãi suất niêm yết và lãi suất cho vay thực tế, thậm chí lên đến 5,67%/tháng, tương đương 68,04%/năm.

Theo Bách Nguyễn - Mai Hoa
Pháp luật Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm