Vì sao Hà Nội vẫn "vô địch" cả nước về nhập siêu?

(Dân trí) - Mặc dù là một trong hai đầu tàu kinh tế cả nước nhưng nhiều năm qua, kinh tế Hà Nội luôn ở trong tình trạng nhập siêu, đáng nói tình trạng nhập siêu ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.

Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế Hà Nội nhập siêu hơn 8,5 tỷ USD, (trong đó nhập khẩu 14 tỷ USD, xuất khẩu 5,5 tỷ USD), đứng đầu trong các địa phương có số nhập khẩu lớn nhất trong cả nước.

Nhập siêu Hà Nội ngày càng gia tăng, trong đó nhập khẩu phần lớn không phải là nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu (ảnh minh hoạ)
Nhập siêu Hà Nội ngày càng gia tăng, trong đó nhập khẩu phần lớn không phải là nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu (ảnh minh hoạ)

Đáng nói, nhập siêu 6 tháng qua đã tăng gần 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016 và tăng hơn 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù không có sự có mặt của các doanh nghiệp nhập khẩu lớn như Samsung, LG nhưng Hà Nội luôn đứng đầu các địa phương nhập khẩu, nhập siêu.

Sở dĩ mức nhập siêu cao là do xuất khẩu của Hà Nội vẫn chỉ ở mức trung bình so với cả nước. 6 tháng qua xuất khẩu của Hà Nội chỉ bằng 1/3 so với kim ngạch nhập khẩu.

Trong khi đó, TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương và Thái Nguyên, nhập khẩu cao nhưng xuất khẩu lớn.

Cụ thể, Bắc Ninh nhập khẩu hơn 13,5 tỷ USD, xuất khẩu cũng đạt trên 12 tỷ USD; Bình Dương nhập khẩu gần 8 tỷ USD, xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD; TP.HCM nhập khẩu 20 tỷ USD, xuất khẩu đạt 17 tỷ USD, nhập siêu hơn 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với Hà Nội.

Nhập nhiều xuất ít, rõ ràng việc nhập khẩu này không phải phục vụ cho khu vực sản xuất, gia công của các DN trong và ngoài nước, đây là hoạt động nhập khẩu hàng tiêu dùng và là minh chứng cho việc Hà Nội trở thành thị trường tiêu dùng cho hàng hoá nhập khẩu.

Ngoài hoạt động xuất nhập khẩu, 6 tháng qua tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Nội chứng kiến sự suy giảm khi chỉ thu hút được hơn 800 triệu USD, đứng sau cả Kiên Giang, Nam Định và Thanh Hoá.

Thành tích này đã suy giảm 50% so với cùng kỳ năm 2016, khi Hà Nội thu hút được 1,6 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 2 chỉ sau Hải Phòng về thành tích thu hút FDI.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), việc suy giảm FDI vào Hà Nội có liên quan trực tiếp đến môi trường đầu tư, đất đai và hiện trạng cơ sở vật chất, trong đó đặc biệt logistics, giao thông của Hà Nội. Mặc dù là trung tâm, đầu tàu kinh tế cả nước song Hà Nội kém cạnh tranh về mặt chính sách và hạ tầng cơ sở vật chất so với các địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng hay sự nổi lên gần đây là Quảng Ninh, Bắc Ninh.

Nguyễn Tuyền