Vì sao Fed chưa thể tự tin tuyên bố chiến thắng trước lạm phát?
(Dân trí) - Sự bất định của diễn biến lạm phát thời gian tới khiến cho công tác dự báo "đường đi, nước bước" của Fed sau kỳ họp tháng 7 này trở nên khó lường hơn.
Trong kỳ họp tháng 6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không thay đổi lãi suất tham chiếu ở ngưỡng 5-5,25%, lần "đứng yên" đầu tiên sau 10 lần liên tiếp tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022. Tăng lãi suất giúp kéo giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng như các thị trường tài chính khi khiến giá trị tài sản sụt giảm trong khi chi phí vốn tăng cao.
Cũng trong tháng 6, lạm phát suy yếu về ngưỡng thấp nhất hơn 2 năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tròn 1 năm đi xuống từ đỉnh 9,1%. Lạm phát lõi, không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng, cũng ghi nhận mức tăng vắt tháng nhỏ nhất kể từ năm 2021.
Một số thành viên Fed cũng như nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng xu hướng suy yếu áp lực giá cả thời gian qua chỉ diễn ra nhất thời.
Về bề nổi, lạm phát "hạ nhiệt" khi các cú sốc nguồn cung liên quan tới đại dịch Covid-19 dần biến mất. Nhưng họ lo ngại áp lực lạm phát chìm vẫn âm thầm tồn tại, buộc Fed phải tăng và giữ lãi suất ở vùng hạn chế trong một khoảng thời gian dài.
"Diễn biến lạm phát dường như đang đi đúng hướng, nhưng chúng ta mới chỉ ở điểm khởi đầu của một cuộc chiến rất dài", Karen Dynan, nhà kinh tế học tới từ Đại học Harvard, trả lời Wall Street Journal.
Một bộ phận chuyên gia kinh tế cảm thấy quan ngại vì nền kinh tế tiếp tục thể hiện sức chống chọi tốt nhờ vào sức cầu lớn. Điều này làm gia tăng khả năng lạm phát sẽ không sớm trở lại mục tiêu 2% mà Fed đã đặt ra trong một vài năm tới.
Họ không chung quan điểm tích cực với phần đông nhà đầu tư trên thị trường với kỳ vọng lạm phát sẽ thất bại sau cuộc chiến với Ngân hàng trung ương Mỹ trong khi suy thoái không nổ ra, hay nói cách khác là một cuộc "hạ cánh mềm".
Các chuyên gia lo ngại tốc độ tăng trưởng tiền lương vẫn quá mạnh khi cung-cầu thị trường lao động mất cân đối. Nếu suy thoái không nổ ra, hiện tượng này tiếp tục là "bệ phóng" đối với lạm phát lõi vào năm tới.
Biểu hiện đầu tiên khi cầu vượt cung trên thị trường lao động chính là xu hướng tăng mức lương trả cho người lao động. Do đó, các chuyên gia coi tốc độ tăng trưởng tiền lương là thước đo hiệu quả cho áp lực lạm phát chìm.
Trong trường hợp năng suất lao động tăng 1-1,5% mỗi năm, mức tăng trưởng tiền lương 3,5% giữ lạm phát ở ngưỡng 2-2,5%.
3 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tiền lương tại Mỹ đạt 5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Bộ Lao động nước này. Số liệu trong tháng 2 sẽ được công bố vào ngày 28/7 tới.
Câu hỏi lớn đặt ra là liệu người lao động có dễ dàng chấp nhận mức tăng trưởng tiền lương thấp như vậy trong thời gian tới sau một giai đoạn "nhảy vọt" hay không?
Trong khi đó, một loạt phân tích tích cực về lạm phát với kỳ vọng giá ô tô đã qua sử dụng cũng như chi phí thuê nhà "hạ nhiệt" nhanh chóng vẫn chưa chứng minh được tính chính xác.
Hai năm trước, nhiều chuyên gia cũng như nhà đầu tư dự báo đà gia tăng áp lực giá cả mạnh sẽ nhanh chóng đảo chiều khiến họ bỏ qua sức mạnh tiềm tàng của nhu cầu thị trường, Dynan chia sẻ.
"Năm 2021 là lời nhắc nhở đối với những ai quá tập trung vào chi tiết thay vì một bức tranh tổng thể. Xung lực thúc đẩy lạm phát ngày nay vẫn còn rất nhiều", ông trả lời.
Còn theo Seth Carpenter, Kinh tế trưởng toàn cầu của Morgan Stanley, diễn biến giảm giá trong một số nhóm hàng hóa nhất định góp phần xoa dịu áp lực lên thu nhập khả dụng của người dân, qua đó kích thích nhu cầu chi tiêu, tiền thân của áp lực lạm phát.
Tuy nhiên, vẫn còn đó một bộ phận chuyên gia lạc quan về diễn biến tương lai của lạm phát với luận điểm thị trường lao động đang dần "hạ nhiệt".
Thời gian mà người thất nghiệp tìm được công việc mới đang tăng dần. Số lượng giờ làm việc cũng chậm lại cùng với đó là số lượng các công việc trống.
Số lượng việc làm mới trung bình trong các lĩnh vực kinh tế tư nhân giảm xuống còn 215.000 đơn vị trong nửa đầu năm nay, thấp hơn đáng kể so với 317.000 đơn vị so với nửa cuối năm 2022 và 436.000 đơn vị vào cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng nếu số lượng việc làm mới duy trì trên ngưỡng 200.000 đơn vị mỗi tháng, "đó chính là tiền đề để Fed tăng lãi suất cao hơn", Jonathan Pingle, Kinh tế trưởng của UBS, chia sẻ với WSJ.
Trong kỳ họp tháng 6, các quan chức Fed dự báo có thêm hai lần tăng lãi suất 0,25% trong năm 2023. Họ đồng thời dự báo lạm phát sẽ không sụt giảm quá nhanh trong cùng giai đoạn.
"Quan điểm tiếp tục tăng lãi suất dựa trên thực tế đà suy yếu của lạm phát không giống như kỳ vọng", Brian Sack, Chuyên gia kinh tế đồng thời là cựu thành viên Fed New York, trả lời WSJ.
Lạm phát ở thời điểm hiện tại chưa mang lại cho Fed sự yên tâm khi chỉ giúp cơ quan này có thêm chờ đợi điều gì sẽ xảy ra, và minh chứng rõ ràng nhất tới từ quyết định dừng tăng lãi suất vào tháng 6.