1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vì sao có quá nhiều sếp tồi?

(Dân trí) - Không phải nhà quản lý nào cũng giỏi về… quản lý. Có 7 lý do chính dẫn tới sự xuất hiện của nhiều vị sếp tồi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Trong mắt giới nhân viên, sếp tồi là những người không biết điều hành công việc tốt, không biết cách nhận xét cấp dưới, và là những nhân vật… hết sức ngớ ngẩn. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao lại có nhiều sếp tồi như thế? Tại sao các công ty vẫn thuê những vị sếp đó và tại sao sếp tồi vẫn giữ được công việc?

Dưới đây là 7 nguyên nhân thường gặp nhất mà các chuyên gia đã đúc rút ra để lý giải cho sự “nhan nhản khắp nơi” của sếp tồi:

1. Nhà quản lý được cất nhắc lên vai trò sếp vì họ giỏi ở một phương diện nào đó, không hẳn là về quản lý

Từ một nhân viên được cất nhắc lên vai trò quản lý, anh A/chị B chẳng qua đã gây ấn tượng một phương diện nào đó như về chuyên môn công việc, có mối quan hệ tốt… Trong khi đó, vai trò quản lý là một thứ hoàn toàn mới mẻ đối với họ, kinh nghiệm của họ chỉ là con số “0” tròn trĩnh. Quản lý thường là nấc thang cao hơn trên cái thang sự nghiệp của mỗi người, nhưng các kỹ năng để đạt tới thành công trong quản lý rất khác so với những kỹ năng đưa họ đến với vai trò sếp. Kết quả là, bạn sẽ thấy những người thông minh, tài năng, độc lập trong công việc chuyên môn lại hết sức lúng túng khi làm nhiệm vụ quản lý người khác.

2. Họ không được đào tạo, hoặc đào tạo ít về quản lý

Các nhà quản lý mới thường được đưa vào công việc trong khi chưa được hướng dẫn về vai trò mới. Họ làm việc dò dẫm và chỉ có thể dần dần rút ra kinh nghiệm trong quá trình đó. Một số người may mắn hơn có thể được tham gia vào những khóa đào tạo vài ngày, nhưng những khóa học ngắn ngủi như vậy chưa đủ để đưa họ trở thành những nhà quản lý có tay nghề ngay lập tức.

3. Làm sếp giỏi rất khó

Làm quản lý giỏi đòi hỏi sự hiểu biết đối với những trách nhiệm tương đối khó: làm thế nào để đặt ra những mục tiêu phù hợp với cả thực tiễn và tham vọng; làm thế nào để đưa ra được những phản hồi vừa rõ ràng, vừa cụ thể lại khuyến khích được hành động; làm thế nào để vẫn theo sát được nhân viên mà tỏ ra không giám sát họ quá nhiều; làm thế nào để áp dụng những tiêu chuẩn cao mà nhân viên không xem mình là một “nhà độc tài”; làm thế nào để điều chỉnh phong cách quản lý của mình cho phù hợp với các dạng nhân viên khác nhau… Những việc này hoàn toàn không dễ, và không có gì là ngạc nhiên khi các nhà quản lý không được đào tạo và chỉ bảo về việc làm sếp dễ bị lúng túng.

4. Khi làm sếp, yếu điểm dễ lộ ra hơn khi làm nhân viên


Khi bạn làm sếp, những yếu điêm của bạn hiện ra rõ hơn khi bạn nắm giữ các vai trò khác. Một nhân viên không giỏi công việc được giao, đồng nghiệp của anh/cô ấy có thể hoặc không chú ý đến chuyện đó. Tuy nhiên, khi sếp yếu kém một vấn đề nào đó, tất cả nhân viên cùng trông vào, bởi chuyện thành công. Thất bại của sếp có thể liên quan tới sự thành bại, miếng cơm manh áo của cả một tập thể. Ngoài ra, nhân viên thường có xu hướng kỳ vọng sếp “siêu” hơn mình. Bởi vậy, nếu là một sếp tồi, bạn sẽ bị “soi” nhiều hơn là một nhân viên kém cỏi.

5. Sếp lớn của vị sếp tồi có thể không biết đánh giá thế nào là quản lý giỏi hoặc không biết nhận diện một vị sếp tồi dưới quyền mình

Trong môi trường công sở, chưa có một thước đo cụ thể nào về việc như thế nào là một sếp giỏi. Các công ty hiểu rõ về vấn đề này biết rằng, quản lý giỏi là xây dựng được một tập thể tốt, đạt được những kết quả tốt trong dài hạn. Tuy nhiên, khi bạn đi tìm việc làm, khả năng rất cao là bạn sẽ “vớ” được một công ty không dám chắc là mình có những nhà quản lý giỏi. Thậm chí, có công ty thừa biết là đang có sếp tồi, nhưng…

6. Nhiều công ty chần chừ trong vấn đề sa thải nhà quản lý

Các công ty nhận ra họ có một nhà quản lý tồi trong đội ngũ thường có xu hướng chần chừ trong việc giải quyết vấn đề. Cho dù phải đối mặt với sự phàn nàn về vị sếp tồi từ phía nhân viên, điều công ty lo ngại nhất là vị trí quản lý có thể bị bỏ trống trong thời gian đi tìm nhân sự mới, đào tạo, rồi thay thế… đầy phức tạp.

7. Các nhà quản lý thường giỏi một thứ gì đó không phải là quản lý, và các công ty tập trung vào những kỹ năng này

Một vị sếp có thể làm không tốt công tác quản lý nhân viên, nhưng lại cực giỏi về chiến lược, huy động vốn, hoặc có quan hệ tốt với cấp cao hơn. Nếu một công ty quan tâm tới những kỹ năng này hơn là sự thiếu hụt về kỹ năng quản lý, các vị sếp tồi rốt cục vẫn giữ được chức của mình và khiến cấp dưới đôi khi “khốn khổ” vì kỹ năng quản lý “không ra đâu vào đâu” của họ.

Phương Anh
Theo US News
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước