Vì sao chưa bỏ trần lãi suất huy động?

(Dân trí) - Trên thị trường vẫn còn những ngân hàng có tính thanh khoản chưa tốt, nếu Ngân hàng Nhà nước bỏ trần lãi suất huy động thì các ngân hàng khi gặp khó khăn sẽ tăng lãi suất huy động khiến chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ không thực hiện được”.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã cho biết như vậy trước câu hỏi “vì sao chưa bỏ trần lãi suất huy động?” của báo giới tại buổi công bố giảm các mức lãi suất điều hành chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước sáng 10/5.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, qua theo dõi thực tiễn tình hình thị trường thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng có cải thiện, hiện có dư thừa. Đây chính là lý do thời gian qua, các ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi suất huy động xuống dưới mức trần 7,5%/năm.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện còn một số ngân hàng có thanh khoản chưa tốt. Vì vậy, nếu bỏ trần lãi suất, có thể các ngân hàng này khi gặp khó khăn về thanh khoản sẽ tăng lãi suất huy động, kéo lãi suất cho vay tăng theo, gây ảnh hưởng tới chủ trương giảm mặt bằng lãi suất xuống.

“Thời gian qua, thị trường tiền tệ đã được thiết lập lại một cách ổn định và nếu lại xáo trộn thì việc thiết lập trở lại kỷ cương trật tự, ổn định lại thị trường rất khó khăn và làm chậm quá trình thực hiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của Chính phủ”, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Lãi suất sẽ còn giảm sâu? (ảnh minh họa).
Lãi suất sẽ còn giảm sâu? (ảnh minh họa).

Cũng tại buổi công bố điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết chủ trương lần này không điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm VND. Nguyên nhân là do lạm phát tháng 4 giảm không đáng kể nhưng so với cuối năm vẫn tăng 2,41%, so với cùng kỳ là 6,61% - gần sát với mức trần huy động hiện nay.

Mức tăng khá giống năm 2012 kỳ vọng chung đánh giá lạm phát năm 2013 khoảng 6,5%, do đó trần lãi suất 7,5% vẫn phù hợp với kỳ vọng lạm phát và phù hợp với lợi ích của người gửi tiền

Cũng theo khẳng định của bà Hồng, mức trần lãi suất huy động 7,5%/năm hiện nay là phù hợp với mục tiêu lạm phát trong năm 2013, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Đây cũng là mức tối đa, các tổ chức tín dụng sẽ từ đó tự điều chỉnh tùy theo mục tiêu lợi nhuận và chiến lược kinh doanh của ngân hàng mình. Bởi qua trao đổi của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại mức trần lãi suất huy động hiện nay đã trở về thời kỳ năm 2004 - 2005.

Trước đó, trao đổi với báo giới về việc có nên bỏ trần lãi suất hiện nay hay không, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, áp trần lãi suất, dù là huy động hay cho vay đều sẽ gây méo mó thị trường.

Bởi theo ông Thành, bất cứ biện pháp hành chính nào cũng làm “méo mó” thị trường, không chỉ méo mó nguồn lực mà còn méo mó cả đạo đức. Và theo ông Thành Việt Nam cần phải cố gắng để xóa bỏ dần các biện pháp hành chính, trước mắt là bỏ trần lãi suất huy động với tiền đồng, sau đó là bỏ trần lãi suất với USD, với điều kiện chúng ta đã chống được tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Cũng theo ông Thành, nếu công cuộc xử lý nợ xấu được thực hiện tốt, có thể cuối năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ được trần lãi suất huy động.

Trên thị trường tiền tệ, vào đầu tuần này, Vietcombank đã trở thành ngân hàng tiên phong trong việc cắt giảm lãi suất huy động kỳ hạn một tháng xuống còn 6%/năm. Ngay sau đó, 3 ngân hàng “đại gia” khác là BIDV, VietinBank và Agribank cũng đồng loạt giảm lãi suất, trong đó Agribank giảm mạnh nhất lãi suất huy động 1 tháng xuống còn 5%/năm.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Quân đội cũng vừa công bố mức lãi suất huy động mới 7%/năm, tức giảm 0,5% so với trước đây.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố các mức cắt giảm lãi suất điều hành, quỹ đầu tư Dragon Capital cho rằng việc hạ lãi suất chủ chốt là một hướng đi hợp lý. Các chuyên gia của Dragon Capital cũng cho rằng, với mức lạm phát cả năm của Việt Nam dự kiến là 6,3%, thì các mức lãi suất tiền gửi VND hiện vẫn thực dương.

Theo quỹ đầu tư này, Việt Nam là một trong số rất ít các nước đang có chính sách lãi suất thực dương. Do đó, quỹ này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên tạo áp lực để giảm lãi suất tiền gửi USD về mức thấp hơn. Theo tính toán, động thái này đảm bảo việc hạ lãi suất tiền gửi sẽ không gây ảnh hưởng nhiều tới tỷ giá.

Nguyễn Hiền