1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bình Định:

Vì sao Cảng Quy Nhơn muốn tăng vốn khi cổ phần hóa có vấn đề

(Dân trí) - Công ty CP Cảng Quy Nhơn dự định tăng vốn điều lệ từ 404,099 tỷ đồng lên 538,79 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty cho rằng việc này để thực hiện dự án mở rộng cảng chứ không phải “làm khó” việc chuyển giao 75,1% vốn về cho Nhà nước.

Tăng vốn để… mở rộng cảng

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa có văn bản đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu dừng kế hoạch tăng vốn điều lệ của Cảng Quy Nhơn (Bình Định) tại Đại hội cổ đông thường niên sẽ diễn ra vào ngày 10/4 tới đây, để không “gây khó” việc chuyển giao 75,1% vốn về cho Nhà nước.

Vì sao Cảng Quy Nhơn muốn tăng vốn khi cổ phần hóa có vấn đề - 1
Đến nay việc chuyển nhượng cổ phần hóa để thu hồi Cảng Quy Nhơn về Nhà nước quản lý vẫn chưa thực hiện xong.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cảng Quy Nhơn khẳng định rằng việc tăng vốn điều lệ là kế hoạch đã có từ trước đó và được thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 nhằm thực hiện quy hoạch mở rộng cảng. Đây không phải để “làm khó” tiến trình chuyển giao 75,1% vốn về cho Nhà nước theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó TGĐ thường trực Cảng Quy Nhơn, lẽ ra kế hoạch tăng vốn điều lệ để mở rộng Cảng Quy Nhơn theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Bình Định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2014, đã được thực hiện vào năm 2018. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện bởi theo quy định thì cảng tổng hợp phải cách cảng xăng dầu tối thiểu 500m.

Trong khi đó, Cảng xăng dầu Petrolimex lại nằm ngay trong lòng Cảng Quy Nhơn, nên việc mở rộng cảng không thể thực hiện, chờ khi UBND tỉnh Bình Định di dời được cảng xăng dầu đi nơi khác và tiến hành cấp đất thì dự án mở rộng Cảng Quy Nhơn mới được triển khai.

Ông Phúc cho biết, hiện Cảng Quy Nhơn chỉ có 824m cầu cảng, trong khi lưu lượng hàng hóa thông qua cảng đến hơn 8 triệu tấn/năm thì Cảng Quy Nhơn đang bị quá tải gấp 3 lần.

“Trước đây, để giải phóng 1 tàu 5 vạn tấn hàng phải mất 5 - 6 ngày. Sau khi đầu tư gần 200 tỷ đồng để trang bị giàn cẩu, hệ thống băng chuyền thì thời gian giải phóng 1 tàu hàng 5 vạn tấn chỉ mất có 2,5 ngày. Sau khi cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn đến nay thì lợi nhuận tăng từng năm từ 10 - 15%. Nếu như năm 2014 Cảng Quy Nhơn đạt lợi nhuận chỉ gần 50 tỷ đồng thì trong năm 2018 vừa qua mức lợi nhuận đã tăng đến 120 tỷ đồng”, ông Phúc cho hay.

Không phải “làm khó” việc chuyển giao

Theo Tờ trình số 221/TTr-QNP ngày 29/3/2019 của Cảng Quy Nhơn về việc tăng vốn điều lệ từ 404,09 tỷ đồng lên 538,79 tỷ đồng gửi cho đại hội đồng cổ đông Cty CP Cảng Quy Nhơn, nêu rõ: Thời điểm chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ sẽ được thực hiện sau khi phương án đầu tư được các cấp thẩm quyền phê duyệt; mục đích sử dụng vốn tăng thêm là để mở rộng cảng chứ không phải để thực hiện việc kinh doanh hiện hữu; việc tăng vốn chỉ thực hiện với những chủ sở hữu hiện có với tỷ lệ 1 - 3, nghĩa là người đang có 3 cổ phần hiện hữu thì được mua 1 cổ phần mới, nếu ai không mua thì không có quyền chuyển cho người khác.

Vì sao Cảng Quy Nhơn muốn tăng vốn khi cổ phần hóa có vấn đề - 2
Cảng Quy Nhơn đầu tư nhiều máy móc, thiết bị sau khi cổ phần hóa.

“Chủ trương tăng vốn điều lệ đã được thông qua xuyên suốt từ những đại hội trước chứ không phải lần này mới đưa ra. Tuy nhiên, khi nào UBND tỉnh Bình Định di dời được Cảng xăng dầu Petrolimex và giao đất thì mới thực hiện được dự án mở rộng cảng. Đến lúc đó, Cảng Quy Nhơn mới tính tới chuyện tăng vốn điều lệ”, ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, quan điểm của nhà đầu tư (Cty Hợp Thành) là không làm điều gì gây khó cho việc chuyển giao. Hiện nhà đầu tư đang hợp tác rất tốt với Tổng Cty Hàng Hải Việt Nam để thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Dù mục đích tăng vốn điều lệ của Cảng Quy Nhơn không phải là để “làm khó” tiến trình chuyển giao. Tuy nhiên, Vinalines đã có văn bản đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu dừng kế hoạch tăng vốn điều lệ của Cảng Quy Nhơn.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm