Vì sao biết phải bù lỗ mà vẫn làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông?
(Dân trí) - Đầu tư dự án đường sắt nói chung không thể thu hồi vốn. Với dự án đường sắt đô thị, chức năng của nó là để phục vụ cho địa phương phát triển vận tải công cộng, vì thế mục tiêu thu hồi vốn không phải là ưu tiên hàng đầu khi triển khai dự án.
Chiều 27/9, tại họp báo thường kỳ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã cho biết như vậy khi trả lời kết luận của Kiểm toán Nhà nước về đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông xác định phải bù lỗ ngay từ khi lập dự án đầu tư.
“Thu hồi vốn chỉ có những dự án có tính chất thương mại nhiều, dự án vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị không đặt ra mục tiêu thu hồi vốn. Đường sắt đô thị đóng góp của dự án đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của quốc gia. Khi lập dự án đã tính toán tới hiệu quả phát triển kinh tế như thế nào và đã được báo cáo cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.” - Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, không chỉ đường sắt đô thị mà dự án đường sắt nói chung cũng không thể thu hồi được vốn. Không riêng ở Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng khẳng định việc này, bởi đường sắt không phải là dự án có hiệu quả thương mại cao.
Về nhận định dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không khả thi về tài chính mà vẫn làm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Bộ GTVT đã giải thích với Kiểm toán Nhà nước hiệu quả về kinh tế của dự án này là trên 12% lúc lập dự án. Còn hiệu quả tài chính trên dưới 2%.
“Đây không phải là ngoại lệ về đường sắt và đường sắt đô thị trên thế giới. Đường sắt chi phí gấp 3-4 lần đường bộ, trong khi dự án BOT đường bộ Nhà nước đã hỗ trợ 40-50% tổng mức đầu tư nhằm khả thi về phương án tài chính để thu hồi phần vốn nhà đầu tư bỏ ra” - Thứ trưởng GTVT thông tin.
Việc hoàn vốn đường sắt rất khó nên trên thế giới chỉ kêu gọi tư nhân đầu tư đầu máy toa xe vào khai thác thay vì đầu tư hạ tầng đường sắt. Với dự án giao thông công cộng không thể thu hồi vốn đầu tư nên không có hiệu quả tài chính nhưng phục vụ nhu cầu giao thông của cả thành phố để quyết định đầu tư hay không.
Dẫn chứng thêm về phương tiện vận tải hành khách công cộng xe, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: Hiện nay Nhà nước vẫn phải bù lỗ. Nếu không bù lỗ, không trợ giá xe buýt thì không đơn vị nào có thể duy trì khai thác được với loại hình vận tải công cộng này.
Trước đó, trong kết luận kiểm toán Dự án từ tháng 9/2018 đến tháng 11/2018, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tổng mức đầu tư điều chỉnh từ 8.769 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư chưa chứng minh về hiệu quả tài chính, kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại. Chi phí dự phòng điều chỉnh theo quyết định của Bộ GTVT chưa xem xét yếu tố trượt giá có xu hướng giảm của 3 năm liền kề.
Phân tích hiệu quả tài chính của dự án cho thấy, tỷ suất nội hoàn 2,44% vẫn thấp hơn lãi suất vay, giá trị hiện tại ròng âm, nên xét trên góc độ tài chính dự án sẽ phải bù lỗ. Tuy nhiên, các đơn vị có liên quan chưa thẩm tra, đánh giá nội dung này.
“Khi phân tích hiệu quả kinh tế của dự án, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác, dẫn đến kết luận dự án hiệu quả về mặt kinh tế là chính xác. Phương án tài chính của dự án ngay từ khi lập đã phải bù lỗ nhưng các bên có liên quan chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả” - Kiểm toán Nhà nước kết luận.
Châu Như Quỳnh