VF3 của tỷ phú Vượng bán online chốt đơn kỷ lục, cổ phiếu thế nào?
(Dân trí) - Cổ phiếu Vingroup lầm lũi tăng trong khi VF3 gây chú ý với doanh số kỷ lục và ghi nhận lần đầu tiên tại Việt Nam, ô tô được giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử.
Thị trường diễn biến tích cực phiên 16/5 cả về thanh khoản lẫn điểm số. VN-Index đóng cửa tăng 14,39 điểm tương ứng 1,15% lên 1.268,78 điểm. HNX-Index tăng 1,24 điểm tương ứng 0,52% và UPCoM-Index tăng 0,6 điểm tương ứng 0,65%.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong phiên này phát huy vai trò dẫn dắt. Có tới 24 trong số 30 mã của rổ VN30 tăng giá.
VIC tăng phiên thứ 3 lên 46.750 đồng, mức tăng nhẹ 0,86%. Xét trong một tuần qua, VIC mới chỉ tăng 3% và tổng mức tăng tính từ đầu năm là 4,82%. Hiện tại, VIC vẫn nằm trong top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường, đứng trước CTG, TCB, VHM, GAS nhưng lại thua HPG, ACV, VGI, BID và VCB.
Cổ phiếu Vingroup lầm lũi tăng nhưng không cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ dù sáng nay VinFast công bố đã có 27.649 đơn đăng ký mua xe VF3 chỉ sau 66 giờ mở nhận đặt cọc sớm, đạt kỷ lục chưa từng có trên thị trường ô tô. Điều đáng chú ý là 100% đơn hàng đều không được hoàn hủy hoặc chuyển nhượng.
Bên cạnh doanh số kỷ lục, VF3 cũng trở thành từ khóa đứng đầu các bảng xếp hạng xu hướng và là chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên các nền tảng truyền thông mạng xã hội kể từ khi VinFast công bố nhận cọc.
Lý giải cho doanh số kỷ lục của VinFast VF3, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn cho biết lần đầu tiên tại Việt Nam, sản phẩm ô tô được giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, VinID; chốt đơn thông qua 9 phiên livestream do 15 người có ảnh hưởng với cộng đồng (KOLs) phối hợp thực hiện.
Cuộc cách mạng trong phương thức bán hàng (mô hình kinh doanh O2O - Online 2 Offline) đã đưa VF3 trở thành mẫu xe đầu tiên đạt được lượng đơn đặt hàng trực tuyến vượt 50% tổng số đơn hàng. VF3 dự kiến được bàn giao cho khách hàng từ tháng 8, sẽ có tối thiểu 20.000 xe được bàn giao trong năm nay.
Cổ phiếu ngân hàng khẳng định vai trò "cổ phiếu vua" với phần lớn những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index đều thuộc nhóm ngân hàng. Cụ thể, VCB đóng góp 2,19 điểm; TCB đóng góp 1,55 điểm; BID đóng góp 1,4 điểm; CTG đóng góp 1,12 điểm.
Tất cả cổ phiếu ngân hàng trên HoSE tăng giá, trong đó, LPB tăng trần, trắng bên bán và khớp lệnh đạt 12,6 triệu đơn vị. OCB tăng 4,7%; TCB tăng 3,7%; HDB tăng 3%; CTG tăng 2,6%; MBB tăng 2,2%; SHB tăng 2,2%; TPB tăng 2,2%...
Cổ phiếu ngân hàng cũng dẫn đầu thanh khoản, được giao dịch sôi động nhất trong phiên. SHB khớp lệnh 36,8 triệu đơn vị; MBB khớp 31,4 triệu cổ phiếu; ACB khớp 30,2 triệu cổ phiếu; TCB, VPB khớp gần 21 triệu đơn vị.
Nhiều mã bất động sản cũng hồi phục và mở rộng đà tăng. NVT tăng 5,4% nhưng thanh khoản lại không đáng kể; SIP tăng 4,5%; NLG tăng 3,8%; CKG tăng 2,1%; QCG tăng 2%.
Cổ phiếu xây dựng và vật liệu xuất hiện áp lực chốt lời. DXV thậm chí giảm sàn, trắng bên mua; TCR giảm 3,7%; DC4, CTR, CTD, C32, VGC, FCM điều chỉnh. Một số mã tăng tốt là CIG tăng trần, DPG tăng 4%; PC1 tăng 2%.