"Vênh" con số và chuyện lúc 0h gây "loạn" nhịp xuất khẩu gạo

Dòng chảy xuất khẩu gạo bỗng trở nên loạn nhịp. Những lùm xùm sau đó đều xuất phát từ việc chưa chuẩn bị kỹ cho tình huống bất thường này.

Kể từ sau khi Bộ Công Thương đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo, thị trường gạo bắt đầu bước vào “ma trận” thông tin về xuất khẩu. Đó là thời điểm 0h ngày 24/3. Từ đó về sau, mốc 0h này trở thành nỗi ám ảnh của không ít doanh nghiệp, thương nhân.

Trong văn bản yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì lập đoàn kiểm tra liên ngành tình hình sản xuất, cung ứng, xuất khẩu, dự trữ gạo, Thủ tướng đã lưu ý: "Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua”.

Sở dĩ, Thủ tướng phải chú ý các Bộ điều này bởi những tham mưu đề xuất vội vã, thiếu cơ sở dữ liệu đã khiến những quyết định đưa ra chưa phản ánh hết được dòng chảy của thị trường cung - cầu, dự trữ gạo. Mà như lãnh đạo Bộ Công thương cho biết là có sự 'vênh số liệu'

Tuy nhiên, sau những điều lưu ý ấy, việc phối hợp giữa các bộ trong công tác điều hành mặt hàng nhạy cảm như gạo cũng vẫn chưa được thông suốt.

Vênh con số và chuyện lúc 0h gây loạn nhịp xuất khẩu gạo - 1

"Vênh" con số và chuyện lúc 0h gây "loạn" nhịp xuất khẩu gạo (ảnh: Nguyễn Mạnh)

Sau khi lập đoàn kiểm tra liên ngành, ngày 6/4, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng đề nghị cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng, trong đó lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 là 400.000 tấn. Kiến nghị này được Thủ tướng đồng ý vào ngày 10/4.

Trong ngày hôm đó, Bộ Công Thương ngay lập tức ban hành quyết định hạn ngạch xuất khẩu gạo là 400 nghìn tấn từ 0h ngày 11/4.

Quyết định “xuất khẩu có kiểm soát được đưa ra”. Nhưng không rõ đoàn kiểm tra liên ngành đã phối hợp thế nào, để rồi ngay trong ngày Bộ Công Thương ra quyết định về hạn ngạch xuất khẩu gạo (ngày 10/4), Bộ Tài chính lại phát đi một văn bản hỏa tốc gửi Bộ Công Thương đề nghị chỉ cho xuất gạo nếp, không cho xuất khẩu gạo tẻ đến hết 15/6.

Một lý do quan trọng được Bộ Tài chính đưa ra là chưa mua đủ lượng gạo dự trữ quốc gia năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa thường. Lý do, các doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia (đến ngày 4/3 đã trúng thầu 178.000/190.000 tấn kế hoạch) không chịu ký hợp đồng cung cấp gạo.

Văn bản đó cũng không quên phản ánh về hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành được Bộ Công Thương thành lập, trong đó có cả thành viên là Bộ Tài chính. Bộ Tài chính cho rằng Bộ Công Thương chỉ thực hiện một cuộc họp nửa ngày, theo đánh giá, “thực chất chưa phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Và thực hiện văn bản của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan đã cho mở tờ khai đăng ký từ 0h ngày 12/4, chậm 1 ngày do phải “thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan”.

Chỉ vài tiếng sau, hạn ngạch 400 nghìn tấn gạo gần như hết vèo. Nhiều doanh nghiệp “chậm chân” không kịp đăng ký đã khiến hải quan chịu nhiều chỉ trích vì việc mở tờ khai lúc nửa đêm không thông báo, bất chấp những giải thích rằng hệ thống thông quan tự động do Chính phủ Nhật tài trợ là “tự động”, “không có sự can thiệp của công chức hải quan”.

Những câu chuyện rắc rối liên quan xuất khẩu gạo kể trên đang để lại nhiều bài học trong công tác điều hành xuất khẩu gạo, giữa sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương với nhau.

Nếu như các cơ quan tham mưu làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, thì sẽ không khó có được số liệu đầy đủ về cung - cầu gạo để ra một quyết định hợp lý hơn, tránh tình trạng gần 20 ngày “đóng băng” xuất khẩu gạo, khiến nhiều doanh nghiệp đã đưa hàng ra cảng đành ngậm ngùi chờ xem được xuất hay không.

Nếu như quyết định về hạn ngạch xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương và Bộ Tài chính bàn bạc thêm, thì không có chuyện ngành tài chính phải “đau đầu” vì chưa kịp mua đủ lượng gạo dự trữ quốc gia. Trong khi đó, 4 doanh nghiệp “xù” kết quả đấu thầu cấp gạo dự trữ quốc gia như Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Công ty TNHH Phát Tài, Công ty cổ phần Vĩnh Tường và Công ty CP XNK Thuận Ninh lại nghiễm nhiên đăng ký được tờ khai xuất khẩu gạo

Đến nay, Bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình lên phương án xuất khẩu gạo cho tháng 5 và các tháng tiếp theo. Những bài học vừa qua hy vọng sẽ được nhìn nhận thấu đáo để từ đó có chính sách nhất quán, ổn định hơn, đỡ gây “sốc” cho hàng trăm doanh nghiệp và hàng triệu nông dân “một nắng hai sương” làm ra hạt gạo.

Theo Lương Bằng

Vietnamnet