Nóng vụ xuất khẩu gạo: Bộ Công Thương hỏa tốc lập đoàn kiểm tra liên ngành

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa có quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng...

Nóng vụ xuất khẩu gạo: Bộ Công Thương hỏa tốc lập đoàn kiểm tra liên ngành - 1
Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng là ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra liên ngành với hải quan, công an

Theo Quyết định thành lập đoàn kiểm tra vừa được ký, Trưởng đoàn kiểm tra là ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương. Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương là Phó Trưởng đoàn Kiểm tra.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra bao gồm các thành viên: ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - Thành viên; 1 đại diện lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thành viên; 1 đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đáng chú ý, đoàn kiểm tra cũng sẽ có đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, đại diện lãnh đạo Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ làm việc với cơ quan hải quan và một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng, trên cơ sở đó, xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xuất khẩu gạo tháng 4 năm 2020 và phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5 năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian làm việc từ ngày 20-24/4. Đoàn kiểm tra sẽ tự giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ.

Liên quan đến việc điều hành xuất khẩu gạo, thời gian qua, doanh nghiệp gạo đã phản ánh nhiều bất thường trong thủ tục xuất khẩu 400.000 tấn gạo từ phía Tổng cục Hải quan như không thống báo thời gian, mở tờ khai lúc nửa đêm...

Nóng vụ xuất khẩu gạo: Bộ Công Thương hỏa tốc lập đoàn kiểm tra liên ngành - 2
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan đến vụ xuất khẩu gạo trước ngày 18/4/2020.

Trừ những doanh nghiệp mừng rỡ vì đẩy được hàng đi, số đông còn lại tỏ ra bức xúc vì không thể làm thủ tục. Hàng hóa tiếp tục tồn đọng, ùn ứ ở cảng, phát sinh hàng loạt chi phí.

Trong khi đó theo lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ ngày 24/3 - 10/4, hải quan nắm rõ có hàng trăm nghìn tấn gạo của nhiều thương nhân đã lên đến các cảng, sẵn sàng cho xuất khẩu và chưa thể đăng ký tờ khai hải quan cũng như thông quan được do lệnh tạm dừng.

Những bất cập xung quanh việc điều hành xuất khẩu gạo

Về phía Tổng cục Hải quan, lãnh đạo cơ quan này cho biết tiếp thu đề xuất nên thông báo trước giờ mở mạng tiếp nhận tờ khai xuất khẩu gạo và khẳng định không có lợi ích nhóm.

Đến ngày 17/4, Tổng cục Hải quan cho biết con số thống kê về doanh nghiệp mở tờ khai hôm 12/4. Cụ thể, trong thời gian từ 0h – 6h15 ngày 12/4/2020 đã có 38 doanh nghiệp đăng ký 519 tờ khai xuất khẩu, với số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu 399.989,43 tấn.

Trong đó có 1 doanh nghiệp đã đăng ký xuất khẩu 102 tờ khai, với 96.234 tấn; hạn ngạch xuất khẩu gạo chỉ còn 10,57 tấn, vì vậy, các doanh nghiệp tiếp tục đăng ký tờ khai xuất khẩu với số lượng lớn hơn 10,57 tấn thì không được hệ thống tiếp nhận.

Sau thời điểm 6h15 ngày 12/4/2020 đã có 2 doanh nghiệp (trong đó có 01 doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai thời điểm trước đó) đăng ký 02 tờ khai với số lượng ít hơn 10,57 tấn thì được hệ thống tiếp nhận (15h10 đăng ký xuất 9 tấn và 19h34 đăng ký xuất 1,2 tấn).

Trước đó, ngày 10/4, Bộ Tài chính cũng đã có công văn cho biết nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu nhưng có văn bản từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng với số lượng 160.300 tấn.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị chỉ cho phép xuất khẩu gạo đối với những doanh nghiệp đã trúng thầu với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và phải ký hợp đồng giao hàng xong. Chỉ thực hiện xuất khẩu gạo sau ngày 15/6/2020.

Đồng thời không được ký hợp đồng xuất khẩu gạo tẻ thường mới (kể cả phụ lục hợp đồng làm thay đổi số lượng gạo xuất khẩu), tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường đến hết 15/6/2020.

Tại công văn này, Bộ Tài chính cũng nêu rõ: Theo phương án điều hành nêu trong dự thảo của Bộ Công Thương cho thấy doanh nghiệp rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng được xuất. Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất 02 phương án:

Phương án 1: Giao Hiệp hội lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu giữa các doanh nghiệp có sự giám sát của Bộ Công Thương.

Phương án 2: Giao Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

“Tuy nhiên, các ý kiến nêu trên không được Bộ Công Thương tiếp thu”, công văn của Bộ Tài chính nêu rõ.

Nguyễn Mạnh