"Vén màn" các vấn đề của kinh tế Việt Nam trước đại dịch lớn nhất 100 năm
(Dân trí) - Việt Nam đứng đầu trong số các quốc gia có đòn bẩy cao ở châu Á khi tỷ lệ tín dụng trên GDP là hơn 130% vào năm 2019. Theo chuyên gia, hiện tại nên tập trung vào đại dịch và khủng hoảng tín dụng.
Theo đánh giá của chuyên gia phân tích tại báo cáo chiến lược tháng 4/2020 của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thế giới đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19, một trong những đại dịch lớn nhất trong 100 năm qua.
“Chúng ta đột nhiên sống trong thế giới với những con số vô cùng lớn, như số trường hợp nhiễm bệnh, quy mô phong tỏa kinh tế toàn cầu, hay các gói kích thích kinh tế chưa từng có tiền lệ. Mô hình kinh tế hiện tại với hai giai đoạn phong tỏa và tái khởi động đang dẫn tới những cú sốc cung-cầu liên tục và kế tiếp nhau. Và đâu đó là dấu vết của cú sốc tài chính” - nhóm chuyên gia nhìn nhận.
Theo VDSC, lịch sử của các cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy Covid-19 hoàn toàn có thể tạo ra một cuộc suy thoái kinh tế trên quy mô lớn.
Tại thời điểm hiện tại, vẫn còn thời gian để hạn chế thiệt hại kinh tế cho đến khi các nhà khoa học tìm ra vắc-xin chữa trị. Điều này kéo dài bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào sự phối hợp giữa các quốc gia trong việc kiềm chế lây lan dịch bệnh, đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế để phá vỡ vòng luẩn quẩn cung-cầu, và quan trọng hơn hết là ổn định kỳ vọng của hộ gia đình và doanh nghiệp.
Trong bốn năm trở lại đây, Việt Nam cơ bản thành công trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, đại dịch lần này đang thách thức trực tiếp các điểm yếu cơ bản của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm phụ thuộc lớn vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ yếu, tỷ lệ nợ cao, và cơ chế truyền dẫn chính sách thiếu hiệu quả.
Những tác động ban đầu của cuộc khủng hoảng Covid-19 đến từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sau thời gian nghỉ lễ Tết.
Tình trạng cách ly xã hội trải dài trong khu vực Châu Á, đặc biệt tại Trung Quốc, đã làm gia tăng lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu cho các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các số liệu thương mại quốc tế cho thấy sự đa dạng hóa nguồn cung từ Nhật Bản, Hàn Quốc, và Mỹ đã phần nào hạn chế tác động từ Trung Quốc.
Tăng giải ngân đầu tư công là cách duy nhất giảm bớt nỗi đau tăng trưởng
Theo VDSC, mặc dù cú sốc cung tạm thời lắng dịu và không còn là mối đe doạ lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng các tác động từ cú sốc cầu đang dần hiện hữu. Thị trường các nước phát triển tại Châu Âu và Bắc Mỹ, chiếm hơn 40% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam, đang trong giai đoạn phong tỏa kinh tế.
Sự suy yếu của tổng cầu là điều tất yếu và tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng. Hiện tại, chúng ta đang sống trong giai đoạn đầu khi Chính phủ các nước đặt nền kinh tế vào tình trạng đóng băng cùng với việc đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế nhằm kiểm soát dịch bệnh. Do đó, thời gian phong tỏa kinh tế sẽ kéo dài bao lâu là biến số quan trọng tại thời điểm này.
Theo quan điểm của chuyên gia VDSC, dịch bệnh đã, đang thay đổi kỳ vọng của người dân và cơ chế tự hồi phục của nền kinh tế không thực sự hiệu quả.
Kinh tế thế giới, đặc biệt các quốc gia đã phát triển, sẽ khó tránh khỏi suy thoái sau đại dịch. Quan trọng hơn, nhóm chuyên gia tin rằng cuộc suy thoái có thể dẫn tới sự mất mát kinh tế không thể bù đắp do quá trình hồi phục chậm chạp.
Sự sụt giảm tổng cầu sẽ kéo theo phản ứng tiêu cực từ phía nguồn cung. Kết quả cuối cùng là tình trạng đình trệ kéo dài. Đặc điểm chính của giai đoạn này gắn với sự sụt giảm kinh niên của nhu cầu trong khi chính sách tiền tệ trở nên kém hiệu quả do chạm ngưỡng 0%.
Dịch Covid-19 đang đẩy nền kinh tế vào giai đoạn giảm tốc. Trong bối cảnh cả ba ngành kinh tế chính đều thu hẹp quy mô, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước tính đạt 5,3% trong năm 2020, thấp hơn mức 7% của năm 2019. Đây là kịch bản dịch bệnh đã được ngăn chặn và các hạn chế ở những nước phát triển được dỡ bỏ vào giữa quý 2, cộng với việc giải ngân đầu tư công lành mạnh.
Theo nhận định của VDSC, năm 2020, tăng giải ngân đầu tư công là cách duy nhất để giảm bớt nỗi đau tăng trưởng kinh tế với kỳ vọng số tiền giải ngân sẽ đạt 500 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.
Ngày càng có nhiều dự án đã hoàn thành các thủ tục pháp lý nhưng bị trì hoãn do không đủ vốn, sẽ khởi động lại nhờ vào các khoản thanh toán tạm ứng của Chính phủ và các khoản vay ngân hàng.
Trong khi đó, Chính phủ sẽ cho phép chuyển đổi các dự án PPP của đường cao tốc Bắc-Nam thành các dự án đầu tư công. Điều đó chắc chắn sẽ thúc đẩy quá trình và các dự án xây dựng sẽ bắt đầu vào quý 3.
Kết quả là, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tăng 16,4% so cùng kỳ trong quý 1/2020, tập trung vào lĩnh vực giao thông (tăng 29,3%) và y tế (tăng 30,7%). Giải ngân vốn từ Chính quyền Trung ương đã hồi phục mạnh mẽ với mức tăng 32,1%. Trong trường hợp hoàn thành 100% kế hoạch hàng năm năm 2020, khoản đầu tư bổ sung này sẽ thêm 0,4% vào tăng trưởng GDP chung.
Vẫn có nguy cơ khủng hoảng tín dụng
Báo cáo của VDSC cũng nhấn mạnh, các cuộc khủng hoảng tài chính thường đi kèm với suy thoái kinh tế.
Ở quy mô toàn cầu, trong khi có nhiều nguyên nhân của khủng hoảng tài chính như ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, mất giá tiền tệ, bong bóng đầu cơ và vỡ nợ quốc gia, thì điều quan trọng nhất là rủi ro khủng hoảng kinh tế rộng như những gì đã xảy ra trong cuộc đại khủng hoảng khi kinh tế trì trệ, kỳ vọng của người dân bị bóp méo và sai lầm chính sách.
Trải qua hai cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, các rủi ro về thanh khoản ngân hàng và phá giá tiền tệ đang được kiểm soát tốt khi tiền “tràn ngập” trong két sắt của các ngân hàng và các nước mới nổi dự trữ một lượng lớn ngoại tệ mạnh.
Tại Việt Nam, dự trữ ngoại hối tăng vọt lên 83 tỷ USD, tương đương 3,7 tháng nhập khẩu. Tuy nhiên, VDSC cho rằng, khủng hoảng tín dụng vẫn có nguy cơ xảy ra nếu thiệt hại kinh tế từ cuộc khủng hoảng Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Việt Nam đứng đầu trong số các quốc gia có đòn bẩy cao ở châu Á khi tỷ lệ tín dụng trên GDP là hơn 130% vào năm 2019. Kể từ thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam, đặc biệt cho vay tiêu dùng, đã tăng lên đáng kể. Bong bóng giá bất động sản đã được hình thành.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng đã chậm lại kể từ năm 2018, VDSC tin rằng, quá trình tháo gỡ đòn bẩy tài chính chưa hoàn tất và mức nợ vẫn còn quá cao.
Tóm lại, VDSC đánh giá, đây đang là trong giai đoạn đầu của suy thoái kinh tế, trong đó các chính phủ, bao gồm cả Việt Nam, đã quyết định đánh đổi tăng trưởng kinh tế để ngăn chặn đại dịch.
“Tại thời điểm này, hãy tập trung vào đại dịch và khủng hoảng tín dụng!” - chuyên gia VDSC kết luận.
Mai Chi