Vé máy bay Tết: Chặng nhỏ khan hiếm, đường dài vô tư

Cận tết, vé máy bay từ TP.HCM đi một số chặng bay đã hết, song các chặng đường dài vẫn còn. Tuy nhiên, nhiều đại lý vé máy bay nhân cơ hội này đã báo hết vé nhằm tạo tình trạng khan hiếm ảo để nâng giá.

Ở các phòng vé chính của hãng hàng không, đại lý cấp một, hành khách sẽ được thông tin công khai các chuyến bay, giá vé và phụ thu thêm 30.000-50.000 đồng phí phục vụ. Trong khi đó, tại một số đại lý, mức phí các loại được kê lên vài trăm ngàn đồng.
Vé máy bay Tết: Chặng nhỏ khan hiếm, đường dài vô tư
Một đại lý vé máy bay trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM đặt cùng địa điểm của văn phòng luật sư nhưng không treo giấy chứng nhận đại lý ủy quyền của các hãng máy bay.

 

Kê giá

 

Tại phòng vé máy bay - tàu hỏa của một công ty có chức năng thiết kế xây dựng - dịch vụ - thương mại N trên đường Cộng Hòa (P.15, Q.Tân Bình), khi chúng tôi đặt mua ba vé máy bay chặng TP.HCM - Vinh trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến 5/2 (23 đến 25 tháng chạp), cô nhân viên đon đả mời ngồi và nhấc điện thoại liên hệ đâu đó.

 

Sau một hồi tất tả, cô cho biết không còn vé từ bất cứ hãng hàng không nội địa nào mà “chỉ còn vé đi ngày 29 và 30/1 của Vietnam Airlines (VNA) giá 3,02 triệu đồng/vé (chưa kể phí phục vụ và thuế), nhưng phải 2-3 ngày nữa mới biết có chỗ hay không”. Cô thông báo thêm khách phải trả 200.000 đồng/vé phí đặt chỗ và 600.000 đồng tiền xin chỗ của VNA.

 

Chúng tôi đổi phương án bay, đi chặng TP.HCM - Hà Nội cũng khoảng thời gian đó, rồi từ Hà Nội sẽ đi xe về TP Vinh. Cô nhân viên tiếp tục nhấc điện thoại, xem máy tính và thông báo: còn vé của hai hãng hàng không giá rẻ VietJet Air và Jetstar Pacific lần lượt là 3,02 triệu và 3,047 triệu đồng/vé (chưa thuế và phí). “Vé VNA là 3,05 triệu đồng/vé nhưng phải bay đêm từ 0g đến 5g. Muốn bay ngày giá vé là 3,6 triệu đồng chưa kể phí đặt chỗ và tiền xin chỗ của VNA” - cô nói. Chúng tôi đồng ý và hỏi chuyến bay cụ thể thì cô lắc đầu: “Mạng rớt không kiểm tra được, cứ đặt cọc ngày mai quay lại sẽ có chỗ”.

 

Chúng tôi tiếp tục đến đại lý ĐB ở đường Âu Cơ (P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú). Đưa ra yêu cầu tương tự thì cô nhân viên ở đây cho biết có khá nhiều chỗ chặng TP.HCM - Vinh trên cả bốn chuyến bay của VNA trong ngày 3-2, giá 3,1 triệu đồng (chưa kể phí và thuế). Ngay cả chuyến bay TP.HCM - Đồng Hới ngày 4/2 cũng có vé nhưng giá là 3,8 triệu đồng (trong khi trước đó chúng tôi đã kiểm tra với VNA thì được biết ngày 4/2, đường bay Đồng Hới không còn chỗ). Chúng tôi ngần ngừ vì giá quá cao, cô nhân viên tư vấn “cứ đăng ký đặt chỗ, 1-2 ngày nữa quay lại trả tiền cũng được”.

 

Sau đó, chúng tôi gọi điện thoại cho tổng đài đặt vé của VNA (38320320) để kiểm tra, cô nhân viên cho biết đúng là không còn chỗ hạng phổ thông đi TP.HCM - Vinh ngày 3 đến 5/2 nhưng còn vé hạng thương gia. Ngày 29/1 vẫn còn chỗ trong cả bốn chuyến bay với giá thấp nhất 2,84 triệu đồng (không phải mất phí đặt chỗ như cô nhân viên kia nói). Vé bay từ TP.HCM - Hà Nội trong thời gian từ ngày 3 đến 5/2 chuyến bay ban ngày lúc nào cũng có, giá vé 3,047 triệu (thêm 50.000 đồng phí xuất vé). Nghĩa là chênh lệch từ VNA với các phòng vé “không chính thức” trên dưới 500.000 đồng/vé cho chặng TP.HCM - Hà Nội.

 

Khảo sát thêm ở các đại lý vé máy bay chính hãng thì thấy vé máy bay tuyến TP.HCM đi Huế, Đồng Hới, Vinh... rất hiếm, nếu còn chỉ vài chỗ với ngày bay vào cuối tháng 1 hoặc 1-2 ngày đầu tháng 2 và giá rất cao. VNA khuyến cáo: với các chặng bay về ga nhỏ, tốt nhất phải kiểm tra thông tin từ VNA để được xác nhận chính xác.

 

Coi chừng “đại lý ma”

 

Chúng tôi hỏi người chịu trách nhiệm ở VNA: tại sao tổng đài khẳng định một số chặng (thường là chặng ga nhỏ) hết vé nhưng đại lý thì còn? Câu trả lời: VNA từng giải quyết rất nhiều trường hợp tương tự như thế này: sau khi khách đã đặt vé và trả tiền, khách vẫn nhận được vé máy bay nhưng vài hôm sau đại lý thông báo “VNA đã hủy chuyến bay” hay đại loại thông tin gì đó. Lúc này, đại lý sẽ thuyết phục khách bay TP.HCM - Hà Nội, sau đó... đi xe về Vinh, Thanh Hóa. Lúc này, khách đã ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, thường chấp nhận đi và đi với giá rất cao, cộng thêm phí đổi tên, đổi chuyến...

 

“Có hay không tình trạng đại lý găm vé tạo sốt giả?”. Đại diện các hãng hàng không nhận định: khó có tình trạng này! Thông thường các hãng hàng không sẽ yêu cầu khách trong vòng 24 giờ sau khi đặt vé phải đến phòng vé, đại lý hoặc ngân hàng để trả tiền. Nếu khách chưa thanh toán tiền trong thời gian này, vé trên hệ thống sẽ tự động bị xóa.

 

Đại diện VNA cho biết khó có trường hợp đại lý “đặt chỗ trước gom vé” sau đó đổi tên hành khách khác, vì muốn đổi tên hành khách ngoài việc phải trả 600.000 đồng phí đổi tên, khách phải hoàn vé và đặt mua vé mới. Đại diện VNA khuyến cáo hành khách có thể gọi điện thoại trực tiếp đến các phòng vé của VNA, kiểm tra giá vé trên website của hãng để biết có vé hay không và giá bao nhiêu để tránh bị các đại lý làm giá bằng cách đặt chỗ hạng thấp cho khách nhưng lại lấy giá vé hạng cao.

 

Các hãng hàng không giá rẻ như VietJet Air (VJA), Jetstar Pacific Airlines (JPA) thì phí đổi tên rẻ hơn (VJA là 250.000 đồng, JPA là 300.000 đồng) nhưng tùy thuộc hạng chỗ của chuyến bay. Nếu không còn loại vé cùng giá thì hành khách phải trả thêm phần chênh lệch của hai hạng vé.

 

Các hãng hàng không cũng khuyến cáo trong thời gian cao điểm như cận tết sẽ có nhiều trường hợp khách đã mua vé hợp lệ nhưng đến ngày bay lại... không thể làm thủ tục lên máy bay vì mua phải vé của “đại lý ma”: khi bán vé cho khách, “đại lý” vẫn xuất vé đầy đủ, khách cẩn thận có gọi đến tổng đài của của hãng để kiểm tra (tên, mã xác nhận, số hiệu chuyến bay...) vẫn được xác nhận thông tin chính xác (vì vé đã được mua). Tuy nhiên khi gần tới ngày đi, các “đại lý” này lặng lẽ làm thủ tục hoàn vé, lấy lại tiền và... biến.

 

Các hãng hàng không lưu ý khách hàng: các phòng vé, đại lý chính thức của hãng đều có bảng hiệu và giấy chứng nhận đại lý chính thức nằm ngay trong tầm nhìn để khách hàng nhận biết; trên giấy chứng nhận, địa chỉ phải trùng khớp với địa chỉ bên ngoài phòng vé. Khi các “đại lý” không có hình thức như thế này, rất có thể là “đại lý ma”.

 

Theo Lê Nam

Tuổi trẻ