Về đâu, sếu đầu đỏ Air Mekong?
Trong danh sách những loài chim được liệt vào sách đỏ, có tên loài sếu đầu đỏ, loài chim đã được lựa chọn làm biểu tượng cho đội bay non trẻ của hãng hàng không Air Mekong chào đời cách đây vài năm.
Khá nhiều câu hỏi đặt ra với Air Mekong về lựa chọn này, đại khái vì sao không chọn một hình ảnh khác mà lại chọn một loài chim có nguy cơ tuyệt chủng?
Air Mekong có cách giải thích riêng của mình, rằng con sếu đầu đỏ trên biểu tượng của hãng là động vật quý hiếm, xuất hiện ở đồng bằng sông Cửu Long và được bảo vệ, và rằng hãng bay thuần Việt này sẽ hoạt động sôi động ở trong nước và được nhiều người bảo vệ như loài sếu đầu đỏ.
Cách giải thích này đã được chấp nhận khi mà Air Mekong đã làm như nói, gia nhập thị trường một cách mạnh mẽ và đầy tự tin. Nhưng giờ đây, với thông báo “tạm ngừng bay” kể từ ngày 28/2 tới, hẳn nhiều người sẽ nhớ lại câu chuyện chọn biểu tượng của Air Mekong. Về đâu, con sếu đầu đỏ Air Mekong đã mang lại cho thị trường hàng không một nguồn cảm hứng thú vị trong thời gian qua?
Kinh doanh là kinh doanh
Sự phát triển của nền kinh tế đã mang lại những cơ hội kinh doanh lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua. Đặc biệt, với những lĩnh vực mà trước đó còn trong vòng vây độc quyền, mỗi bước mở về chính sách là một lần các doanh nghiệp có thêm cơ hội.
Lý thuyết là vậy, nhưng hàng không là một lĩnh vực không dễ chơi chút nào. Sau khoảng thời gian hơn 5 năm qua, thị trường chứng kiến sự xuất hiện và rút lui của một loạt hãng hàng không nhỏ.
Trong bối cảnh đó, Air Mekong như “cánh sếu đầu đàn”, một mình lặng lẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh nho nhỏ với người khổng lồ Vietnam Airlines, có trong tay hàng loạt ưu thế của một kẻ độc quyền trước đó.
Những chiếc máy bay Bombardier CJ900 khá mới mẻ và sạch sẽ, dẫu chỉ là máy bay thuê, cùng cách thức kinh doanh khá chuyên nghiệp của Air Mekong, đã đem lại cho thị trường kỳ vọng về một cuộc cạnh tranh đầy đủ trong tương lai, để tấm vé máy bay không còn là xa xỉ, để chứng kiến một phiên bản mới của câu chuyện mở cửa thị trường viễn thông.
Đáng tiếc, những đặc thù của ngành này đã làm cho bài toán kinh doanh không như kỳ vọng của nhà đầu tư. Những thông tin chưa kiểm chứng được cho thấy Air Mekong vẫn thu không đủ bù chi trong thời gian qua, và chưa nhìn thấy khả năng cải thiện tình hình trong thời gian tới.
Trong khi bản thân Air Mekong chưa có thông báo chính thức nào về kế hoạch hoạt động sắp tới, thật khó để biết việc “dừng bay” là do yếu tố kỹ thuật hay tài chính. Song một điều khá chắc chắn là Air Mekong đang gặp những khó khăn về tài chính để có thể tiếp tục cuộc chơi tốn kém đang dang dở.
Khi chưa thể tự nuôi mình, Air Mekong đã và đang phải dựa vào sự hậu thuẫn của tập đoàn mẹ là BIM. Nhưng bối cảnh hiện nay không còn chỗ cho những ý tưởng lãng mạn nữa. Chính vì vậy, những đồn đoán của thị trường về việc Air Mekong không chỉ “tạm ngừng bay” là có cơ sở.
Thời điểm mới bắt đầu bay, trong cuộc trả lời phỏng vấn của VnEconomy bằng e-mail, ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Air Mekong đã nói rằng hàng không là một lĩnh vực mới nên sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng khó khăn lớn nhất chính là “phải định vị được vị trí của mình trong thị trường mới. Đây là một thách thức lớn, đặc biệt trong lĩnh vực như hàng không, khi mà trên thị trường đã có Vietnam Airlines là “anh cả” kinh doanh hàng không truyền thống, còn Jetstar hoạt động trong phân khúc giá rẻ”.
Trải nghiệm thị trường hai năm qua có lẽ đã cho ông Việt thấy định vị được mình trên thị trường là khó khăn thế nào, cho dù về phía khách hàng, bằng cả cảm tính và lý tính, đều đánh giá cao những nỗ lực của Air Mekong.
Những câu hỏi bỏ ngỏ
Tuy nhiên, ngay cả khi tiếc nuối không còn được nhìn thấy những cánh sếu đầu đỏ trên bầu trời, nhiều người cũng có thể đặt câu hỏi về quyết tâm thực sự của Air Mekong, một điều cũng từng được giả định ngay từ khi hãng mới chào đời.
Cũng trong cuộc phỏng vấn riêng của VnEconomy, ông Việt nói rằng ông không phải là người làm việc theo kiểu “bốc đồng” mà là người ưa thích sự mạo hiểm, nhưng sự mạo hiểm đó nằm trong khả năng của mình.
“Khi quyết định mở hướng sang hàng không, tôi đã xây dựng Air Mekong với những bước đi phù hợp với sự phát triển của thị trường và phù hợp với sức lực của mình. Chúng tôi là một tập đoàn đã chuyển giao công nghệ thành công trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như: thủy sản, nông nghiệp, hạ tầng, du lịch, y tế… trong nhiều năm qua. Chúng tôi muốn thử sức mình trong một lĩnh vực phức tạp hơn những lĩnh vực mình đang làm”, ông Việt nói.
Những phát biểu khi đó được nhìn nhận như là một sự khiêm tốn, biết mình biết người của vị doanh nhân dạn dày kinh nghiệm. Nhưng từ thời điểm này nhìn lại, phải chăng doanh nhân này đã mở trước cho mình một lối ra bằng từ “thử sức”?
Không phải không có những đồn thổi dạng như Air Mekong sẽ được gầy dựng để một ngày đẹp trời được bán đi. Tương tự, cũng có những câu hỏi phải chăng ông Việt chỉ coi Air Mekong như một thể nghiệm kinh doanh ở một lĩnh vực mà chính ông nhận là mới mẻ nhưng lôi cuốn... Trong khi chờ một câu trả lời, thật tiếc nuối khi nghĩ về một biểu tượng của cạnh tranh có thể sẽ bay xa mãi mãi!
Air Mekong có cách giải thích riêng của mình, rằng con sếu đầu đỏ trên biểu tượng của hãng là động vật quý hiếm, xuất hiện ở đồng bằng sông Cửu Long và được bảo vệ, và rằng hãng bay thuần Việt này sẽ hoạt động sôi động ở trong nước và được nhiều người bảo vệ như loài sếu đầu đỏ.
Cách giải thích này đã được chấp nhận khi mà Air Mekong đã làm như nói, gia nhập thị trường một cách mạnh mẽ và đầy tự tin. Nhưng giờ đây, với thông báo “tạm ngừng bay” kể từ ngày 28/2 tới, hẳn nhiều người sẽ nhớ lại câu chuyện chọn biểu tượng của Air Mekong. Về đâu, con sếu đầu đỏ Air Mekong đã mang lại cho thị trường hàng không một nguồn cảm hứng thú vị trong thời gian qua?
Kinh doanh là kinh doanh
Sự phát triển của nền kinh tế đã mang lại những cơ hội kinh doanh lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua. Đặc biệt, với những lĩnh vực mà trước đó còn trong vòng vây độc quyền, mỗi bước mở về chính sách là một lần các doanh nghiệp có thêm cơ hội.
Lý thuyết là vậy, nhưng hàng không là một lĩnh vực không dễ chơi chút nào. Sau khoảng thời gian hơn 5 năm qua, thị trường chứng kiến sự xuất hiện và rút lui của một loạt hãng hàng không nhỏ.
Trong bối cảnh đó, Air Mekong như “cánh sếu đầu đàn”, một mình lặng lẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh nho nhỏ với người khổng lồ Vietnam Airlines, có trong tay hàng loạt ưu thế của một kẻ độc quyền trước đó.
Những chiếc máy bay Bombardier CJ900 khá mới mẻ và sạch sẽ, dẫu chỉ là máy bay thuê, cùng cách thức kinh doanh khá chuyên nghiệp của Air Mekong, đã đem lại cho thị trường kỳ vọng về một cuộc cạnh tranh đầy đủ trong tương lai, để tấm vé máy bay không còn là xa xỉ, để chứng kiến một phiên bản mới của câu chuyện mở cửa thị trường viễn thông.
Đáng tiếc, những đặc thù của ngành này đã làm cho bài toán kinh doanh không như kỳ vọng của nhà đầu tư. Những thông tin chưa kiểm chứng được cho thấy Air Mekong vẫn thu không đủ bù chi trong thời gian qua, và chưa nhìn thấy khả năng cải thiện tình hình trong thời gian tới.
Trong khi bản thân Air Mekong chưa có thông báo chính thức nào về kế hoạch hoạt động sắp tới, thật khó để biết việc “dừng bay” là do yếu tố kỹ thuật hay tài chính. Song một điều khá chắc chắn là Air Mekong đang gặp những khó khăn về tài chính để có thể tiếp tục cuộc chơi tốn kém đang dang dở.
Khi chưa thể tự nuôi mình, Air Mekong đã và đang phải dựa vào sự hậu thuẫn của tập đoàn mẹ là BIM. Nhưng bối cảnh hiện nay không còn chỗ cho những ý tưởng lãng mạn nữa. Chính vì vậy, những đồn đoán của thị trường về việc Air Mekong không chỉ “tạm ngừng bay” là có cơ sở.
Thời điểm mới bắt đầu bay, trong cuộc trả lời phỏng vấn của VnEconomy bằng e-mail, ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Air Mekong đã nói rằng hàng không là một lĩnh vực mới nên sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng khó khăn lớn nhất chính là “phải định vị được vị trí của mình trong thị trường mới. Đây là một thách thức lớn, đặc biệt trong lĩnh vực như hàng không, khi mà trên thị trường đã có Vietnam Airlines là “anh cả” kinh doanh hàng không truyền thống, còn Jetstar hoạt động trong phân khúc giá rẻ”.
Trải nghiệm thị trường hai năm qua có lẽ đã cho ông Việt thấy định vị được mình trên thị trường là khó khăn thế nào, cho dù về phía khách hàng, bằng cả cảm tính và lý tính, đều đánh giá cao những nỗ lực của Air Mekong.
Những câu hỏi bỏ ngỏ
Tuy nhiên, ngay cả khi tiếc nuối không còn được nhìn thấy những cánh sếu đầu đỏ trên bầu trời, nhiều người cũng có thể đặt câu hỏi về quyết tâm thực sự của Air Mekong, một điều cũng từng được giả định ngay từ khi hãng mới chào đời.
Cũng trong cuộc phỏng vấn riêng của VnEconomy, ông Việt nói rằng ông không phải là người làm việc theo kiểu “bốc đồng” mà là người ưa thích sự mạo hiểm, nhưng sự mạo hiểm đó nằm trong khả năng của mình.
“Khi quyết định mở hướng sang hàng không, tôi đã xây dựng Air Mekong với những bước đi phù hợp với sự phát triển của thị trường và phù hợp với sức lực của mình. Chúng tôi là một tập đoàn đã chuyển giao công nghệ thành công trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như: thủy sản, nông nghiệp, hạ tầng, du lịch, y tế… trong nhiều năm qua. Chúng tôi muốn thử sức mình trong một lĩnh vực phức tạp hơn những lĩnh vực mình đang làm”, ông Việt nói.
Những phát biểu khi đó được nhìn nhận như là một sự khiêm tốn, biết mình biết người của vị doanh nhân dạn dày kinh nghiệm. Nhưng từ thời điểm này nhìn lại, phải chăng doanh nhân này đã mở trước cho mình một lối ra bằng từ “thử sức”?
Không phải không có những đồn thổi dạng như Air Mekong sẽ được gầy dựng để một ngày đẹp trời được bán đi. Tương tự, cũng có những câu hỏi phải chăng ông Việt chỉ coi Air Mekong như một thể nghiệm kinh doanh ở một lĩnh vực mà chính ông nhận là mới mẻ nhưng lôi cuốn... Trong khi chờ một câu trả lời, thật tiếc nuối khi nghĩ về một biểu tượng của cạnh tranh có thể sẽ bay xa mãi mãi!
Theo Anh Minh
VnEconomy