VCCI vạch rõ “khuyết tật” của Dự thảo Thông tư mới quản ô tô nhập khẩu

(Dân trí) - Trong một diễn biến đáng chú ý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản phản biện khá gay gắt nhiều quy định tại Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng xe cơ giới nhập khẩu mà Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra lấy ý kiến dư luận trước khi ban hành nhằm mục đích thay thế Thông tư 20 của Bộ Công Thương.

Theo VCCI, nội dung quy định các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xe phải có bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng là gây khó cho các DN và không khác gì “bình mới, rượu cũ” của giấy ủy quyền tại Thông tư 20 đã và đang gấy nhiều phản ứng của chuyên gia, giới luật sư và cộng đồng DN trong ngành.

Việc quản lý thị trường ô tô nhập khẩu tại Việt Nam đã và đang có nhiều ý kiến trái chiều giữa các bên liên quan
Việc quản lý thị trường ô tô nhập khẩu tại Việt Nam đã và đang có nhiều ý kiến trái chiều giữa các bên liên quan

Chính sách thị trường nên người Việt mua ô tô đắt nhất thế giới

Trước đó, Thông tư 20 ban hành năm 2011 quy định các DN nhập khẩu xe phải có giấy ủy quyền chính hãng mới được kinh doanh và phân phối, đồng thời phải có cơ sở bảo hành đạt tiêu chuẩn của Bộ GTVT. Sau khi hết thời hạn hiệu lực vào ngày 1/7/2016, nhiều chuyên gia, cộng đồng DN kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành liên quan bãi bỏ vì sai Luật và trái tinh thần mở cửa kinh doanh của Chính phủ. Mới đây, phát biểu tại buổi làm việc với các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị xem xét bỏ Thông tư 20 nhưng thay bằng biện pháp quản lý tốt hơn.

Một diễn biến khác, giữa tháng 8/2016, Bộ GTVT đã ban hành Dự thảo Thông tư nêu trên, nhằm lấy ý kiến dư luận trước khi ban hành. VCCI là cơ quan có tiếng nói sớm nhất cho Dự thảo trên.

Cụ thể, VCCI cho hay, quy định tại Điều 5.1.f tại Dự thảo Thông tư trên của Bộ GTVT yêu cầu thêm Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với mọi phương thức kiểm tra gây khó khăn cho DN.

“Theo phản ánh của các DN, chỉ xe nhập trực tiếp từ nhà máy sản xuất mới có thể có bản chính giấy tờ này đưa về Việt Nam, còn các xe nhập khẩu qua bên phân phối trung gian thì không thể có. Nhà phân phối buộc phải giữ lại bản chính của giấy tờ trên nhằm mục đích hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu. Do đó, quy định tại Điều 5.1.f của Dự thảo sẽ chỉ cho các DN nhập từ các nhà sản xuất mà loại bỏ các DN nhập xe qua nhà phân phối”, VCCI lập luận.

Như vậy, quy trình này tác động không khác gì so với quy định Giấy ủy quyền chính hãng của nhà sản xuất như Thông tư 20 được kiến nghị bãi bỏ và gây ra nhiều phản ứng trong dư luận thời gian qua.

Bên cạnh đó, VCCI nêu thực tế nhiều tập đoàn xuyên quốc gia đã và đang kiếm lợi lớn từ chính sách phân biệt thị trường do chính sách thương mại và phân phối. VCCI cho biết: "Đối với nhà sản xuất, việc quyết định giá bán của sản phẩm có sự khác biệt ở các vùng, các nước có thể mang lại lợi nhuận lớn. Cùng một dòng xe có thể bán nơi này cao, nơi kia thấp nhằm thu lợi nhuận”.

Cơ quan này ví dụ: "Dòng xe A đang bán chậm hoặc chờ thanh lý tại thị trường X nên nhà sản xuất quyết định giảm giá thật sâu, trong khi cũng chính dòng xe A ở thị trường Y lại được ưa chuộng, nên nhà sản xuất sẽ nâng giá cao lên. Khi nhìn thấy sự chênh lệch giá đó, sẽ có những thương nhân nhỏ mang hàng từ thị trường X bán tại thị trường Y, gọi là nhập khẩu song song. Các nhà sản xuất không thích điều này và tìm mọi cách ngăn cản”.

Theo quy định tại Điều 125 của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nhập khẩu song song mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và hạn chế độc quyền. Do đó, nhập khẩu song song được coi là vũ khí Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước chống lại việc thu lợi bằng cách quyết định giá chênh lệch cho từng thị trường của các tập đoàn đa quốc gia.

Với lý lẽ trên, VCCI khẳng định: "Việc đặt ra các quy định như Giấy ủy quyền (Thông tư 20) hay Giấy chứng nhận chất lượng hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất (dự thảo Thông tư của Bộ GTVT) đã trao quyền quá lớn cho các tập đoàn đa quốc gia mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam. VCCI đề nghị bỏ quy định trên tại Dự thảo Thông tư của Bộ GTVT.

Nhiều đất cho kiểm tra, dễ phát sinh tiêu cực

Về công tác hậu kiểm, theo VCC, quy định tại Điều 7 của Dự thảo hiện còn quá chung chung và trao quá nhiều quyền cho cơ quan kiểm tra. Điều này có thể tạo nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực, bất bình đẳng trong áp dụng luật giữa các đơn vị khác nhau. Do đó, cơ quan này đề nghị làm rõ một số nội dung sau: Trường hợp nào được tiến hành hậu kiểm? Hiện dự thảo mới chỉ quy định “Căn cứ vào kế hoạch và diễn biến chất lượng trong từng giai đoạn”...

“Quy định này quá chung chung và thiếu minh bạch, có thể dẫn đến việc đặt ra nhiều câu hỏi như: Kế hoạch có được công khai không? Căn cứ nào để cơ quan quản lý theo dõi diễn biến chất lượng? Có dựa vào phản ánh người tiêu dùng không…”, văn bản VCCI nêu rõ.

Về quy trình lấy mẫu kiểm tra, VCCI cho hay, quy định kiểm tra lấy mẫu ngẫu nhiên 1 xe trong lô xe nhập khẩu như quy định của Dự thảo Thông tư nêu trên là bất hợp lý. “Mỗi lô xe lại có một số lượng xe, kiểu loại khác nhau. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng số lượng xe phải tương ứng với tỷ lệ % của số xe của lô, của kiểu loại hoặc của nhà nhập khẩu…” VCCI nêu rõ.

Tại quy định, xử lý trường hợp kiểm tra phát hiện sai phạm, Dự thảo trên quy định: “Trên cơ sở kiểm tra, thử nghiệm, Cơ quan kiểm tra sẽ phân tích nguyên nhân để đưa ra quyết định như: thu hồi giấy chứng nhận hoặc yêu cầu người nhập khẩu khắc phục hoặc triệu hồi. Những trường hợp này, Cơ quan kiểm tra xem xét để đưa ra biện pháp cụ thể đối với xe cơ giới nhập khẩu tiếp theo”. Với quy định này, VCCI cho rằng "trao quá nhiều quyền cho cơ quan kiểm tra và thực sự không rõ ràng. Rất nhiều câu hỏi có thể đặt ra: Trường hợp nào bị thu hồi giấy chứng nhận, trường hợp nào thì phải khắc phục, triệu hồi? Thẩm quyền quyết định thuộc về cơ quan kiểm tra hay Bộ GTVT?”.

Nguyễn Tuyền