Vay thêm 500 triệu USD xây tuyến tàu điện ngầm tại TPHCM
(Dân trí) - Nối tiếp khoản vay thứ nhất 40 triệu USD đã được ký kết năm 2010, ADB đã hoàn thành ký kết cho vay 540 triệu USD để TPHCM triển khai xây dựng 11,3 km tuyến tàu điện ngầm tổng mức đầu tư gần 1,4 tỷ USD.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ngày 4/7/2013 đã ký với Chính phủ Việt Nam hiệp định vay vốn trị giá 500 triệu USD cho gói thứ hai của Chương trình Đầu tư tuyến vận chuyển hành khách số lượng lớn tốc độ nhanh trong đô thị thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) Tuyến số 2 (MRT2) nhằm giải quyết nhu cầu dài hạn về giao thông đô thị.
Gói vay vốn này xây dựng 11,3 km tuyến chính của tuyến MRT2 chạy từ khu vực Bến Thành, trung tâm của TPHCM, qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đến Tham Lương, bao gồm cả các nhà ga.
Trước đó, khoản vay thứ nhất 40 triệu USD cho dự án đã được ký kết tại Hà Nội vào năm 2010.
TPHCM sắp có tàu điện ngầm (ảnh minh hoạ).
Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 (dài 11,3 km) từ Bến Thành đến Tham Lương, giai đoạn 2 từ Bến Thành đến Thủ Thiêm và từ Tham Lương đến Bến xe Tây Ninh.
Dự án giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 1.375,4 triệu USD, trong đó vốn vay từ ADB là 540 triệu USD, Cơ quan Phát triển Đức (KfW) 313 triệu USD, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) 195 triệu USD và vốn đối ứng trong nước là 326,5 triệu USD. Đến nay, các Hiệp định tài trợ cho dự án đều đã được ký kết, tạo điều kiện pháp lý và cơ sở để bắt đầu triển khai dự án.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Tomoyuki Kimura cho biết, tổ chức này cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ Chính phủ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp nhằm đảm bảo tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước nói chung cũng như của TPHCM nói riêng.
Theo đó, dự án MRT2 sẽ không chỉ giảm đáng kể ùn tắc giao thông và tai nạn mà còn thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện vận chuyển nhanh số lượng lớn ít phát thải khí các-bon và cải thiện một cách bền vững chất lượng không khí và điều kiện sống của một TPHCM đang phát triển nhanh chóng.
Theo đánh giá của ADB, các phương tiện giao thông cá nhân đang chi phối hệ thống giao thông của Việt Nam trong khi các cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ dần đạt đến điểm bão hòa.
Tại TPHCM, nơi có sự bùng nổ về số lượng các phương tiện giao thông cá nhân, ùn tắc và tai nạn giao thông là những mối quan ngại chính. Số lượng các phương tiện giao thông tăng lên cũng dẫn đến suy thoái chất lượng không khí và vấn đề càng trầm trọng hơn khi đi cùng với ùn tắc giao thông.
Hiện tại, TPHCM đang hướng đến đầu tư đáng kể cho hệ thống giao thông công cộng nhằm chuyên chở một số lượng lớn hành khách, với tỷ lệ chuyên chở từ 5% tại thời điểm hiện tại sẽ lên đến trên 40% vào năm 2030, từ đó giải quyết một cách căn bản mối quan ngại kéo dài về tình trạng giao thông.
Dự án MRT được kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực trong vấn đề giải quyết một cách chủ động vấn đề biến đối khí hậu thông qua việc áp dụng những phương tiện giao thông ít phát thải khí carbon. Hệ thống này sẽ tạo thêm các cơ hội kinh doanh, giảm tắc nghẽn và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bích Diệp