Vay 8 triệu đồng trả 200 triệu đồng, bị truy nợ tàn khốc cô gái quyết tự tử

Vay tiền qua app còn tàn khốc hơn cả tín dụng đen ngoài đời, với lãi suất cao phi lý, khiến nhiều người rơi vào thảm cảnh. Vay nhanh, vay dễ, không cần gặp mặt đang gây ra nhiều tiêu cực trong đời sống xã hội.

Khốn đốn vay qua app

Những quảng cáo mời gọi vay tiền qua app với nội dung hấp dẫn xuất hiện nhan nhản đang bủa vây người dùng mạng xã hội. Với vay tiền qua app, chỉ cần tải ứng dụng từ Google Play hoặc Appstore về điện thoại. Sau đó, để hoàn tất hồ sơ, người vay tiền cần cung cấp ảnh, CMND hoặc giấy phép lái xe và sổ hộ khẩu với số tài khoản ngân hàng. Như vậy, hồ sơ vay tiền qua app đã hoàn thành một cách đơn giản.

Sau khi hoàn tất hồ sơ, có thể vay được số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Số tiền vay sẽ được giải ngân vào tài khoản ngân hàng của người vay. Tất cả lịch trả nợ, số tiền phải trả hằng tháng sẽ được thông báo trên điện thoại của người vay qua app.

Các quảng cáo về dịch vụ vay tiền nhanh qua app đều nhấn mạnh rằng đây là dịch vụ cho vay mở. Bất cứ ai có điện thoại cũng có thể tự vay. Ngoài ra không cần bất cứ tài sản thế chấp nào được yêu cầu. Lãi suất phổ biến của cho vay qua app được quảng cáo dao động quanh mức 16%/năm.

Vay 8 triệu đồng trả 200 triệu đồng, bị truy nợ tàn khốc cô gái quyết tự tử - 1

Bất cứ ai có điện thoại cũng có thể tự vay tiền qua app.

Tuy nhiên, đây chỉ là chiêu trò bẫy người vay tiền và lách luật của những kẻ kinh doanh cho vay nặng lãi. Theo quy định, lãi suất cho vay tối đa không vượt quá 20%/năm, vì vậy các đối tượng này thường để mức thấp hơn. Song, ngoài ra họ tính rất nhiều loại phí vào, tổng cộng lãi suất vì thế có thể lên tới trên 1.000%/năm.

Chị Nguyễn Thanh Ngân, ở xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, kể rằng, cách đây 6 tháng, chị tình cờ nhận được tin nhắn cho vay tiền qua ứng dụng trên điện thoại di động, với lời giới thiệu hấp dẫn như: chỉ cần chuyển bản chụp giấy CMND, số tài khoản, không cần thế chấp, nhận tiền nhanh, lãi suất thấp, giao dịch qua điện thoại, nhận và trả tiền qua tài khoản,... nên chị đồng ý vay 5 triệu đồng, thời hạn 1 tháng. Sau khi hoàn tất thủ tục, tiền được chuyển ngay vào tài khoản cho chị. Vay 5 triệu đồng, nhưng khi giải ngân chị chỉ được nhận 3 triệu, 2 triệu đồng bị trừ gồm lãi suất của 1 tháng và phí các loại. Để trả dứt số nợ trong vòng 1 tháng, chị Ngân sẽ phải thanh toán đủ 5 triệu đồng. 

Hết 1 tháng, do chưa có tiền thanh toán, chị Ngân liên tục nhận được điện thoại của "nhân viên tín dụng" truy đòi nợ. Sau đó, các nhân viên này gợi ý chị vay của app khác, lấy tiền trả nợ. Cứ thế chị Ngân bị đưa vào "tròng", tiếp tục vay của các app sau để trả cho khoản vay trước. Tới nay số tiền gốc và "lãi" mà chị còn nợ là 90 triệu đồng dù trước đó chị đã trả được 60 triệu đồng.

Chị Ngân cho biết, khi vay tiền chị phải cho phép ứng dụng truy cập danh bạ, hình ảnh, cuộc gọi,... trong điện thoại của mình. Vì vậy, cứ không trả nợ đúng hẹn thì số điện thoại của chị, người thân trong gia đình, bạn bè liên tục bị khủng bố với những lời lẽ đe dọa, chửi rủa.

Đã có trường hợp phải tự tử để thoát nợ khi vay qua app. Chị Phạm Thị Tuyết Mai (24 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) vay 8 triệu đồng từ app, sau đó phải trả gần 200 triệu đồng, cũng đã bị dụ với hình thức trên. Ban đầu, chị Mai vay 8 triệu đồng từ 4 app khác nhau. Nhưng đến hẹn không có tiền thanh toán, chị được giới thiệu vay các app khác để trả nợ. Từ 4 app vay tiền ban đầu, khoảng 2 tháng sau, chị Mai đã phải vay 64 app khác nhau. Chỉ từ vay 8 triệu đồng ban đầu, chị Mai đã phải vay hơn 200 triệu đồng trả nợ các app nhưng vẫn còn nợ gần 100 triệu đồng. Chịu không nổi với những khoản nợ từ trên trời rơi xuống, ngày 26/8/2019, chị Mai uống thuốc trừ sâu tự tử mong thoát kiếp bị truy đòi nợ nần, nhưng được người nhà phát hiện và đưa đến bệnh viện cứu chữa kịp thời.

Tàn khốc hơn

Nhiều người cần tiền gấp, thấy vay dễ dãi thường ít để ý tới “cái bẫy”, khi được giới thiệu vay qua nhiều app. Khi số tiền nợ ngày càng tăng lên, mới vỡ lẽ ra mình rơi vào vòng xoáy khó thoát. Khi câu chuyện chị Mai nhập viện vì tự tử bất thành, được đăng tải trên báo chí, nhiều người không khỏi bàng hoàng về hậu quả của tín dụng đen thời công nghệ.

Vay 8 triệu đồng trả 200 triệu đồng, bị truy nợ tàn khốc cô gái quyết tự tử - 2

Hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý cho hình thức vay tiền qua app

Đầu tháng 11/2019, Bộ Công an đã triệt phá một nhóm người Trung Quốc cho vay nặng lãi trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam thông qua app. Nhóm này thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật công ty rồi tạo ra ứng dụng app cho vay tiền trực tuyến như Vaytocdo, Moreloan, VD online với lãi suất lên đến 1.600%/năm. Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 4/2019 đến lúc bị phát hiện, nhóm này đã cho vay 100 tỷ đồng qua 3 ứng dụng trên, với khoảng 60.000 giao dịch.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có trên 75% số người dân không được tiếp cận với các kênh dịch vụ tài chính chính thức, dù có nhu cầu rất lớn về vay vốn. Đặc biệt các khoản vay tiêu dùng quy mô nhỏ hiện nay đang bị các ngân hàng, công ty tài chính, quỹ tín dụng bỏ qua và đây trở thành mảnh đất màu mỡ cho các tín dụng đen trục lợi.

Khi bị triệt phá nhiều bên ngoài đời thực, những kẻ cho vay nặng lãi đã nhanh chóng chuyển qua mạng xã hội, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và còn tàn khốc hơn trước. Đa số các nạn nhân của dịch vụ cho vay qua app tín dụng đen, đều khó có thể thoát ra khi đã vướng vào bẫy. Từ đó phát sinh các hệ lụy.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, nhận xét, hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý cho hình thức vay tiền qua app. Do đó, về cơ bản người đi vay tiền thông qua app chính là tham gia tín dụng đen. Mức lãi suất cuối cùng của hình thức cho vay này cao một cách phi thực tế.

Trước sự tung hoành của các công ty cho vay trực tuyến, các chuyên gia kinh tế cho rằng kiểm soát chặt là điều cần thiết, đồng thời nhanh chóng xây dựng chính sách pháp luật để quản lý loại hình này. Hiện hoạt động cho vay qua app không hề được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, chủ yếu đăng ký dưới dạng công tư vấn đầu tư, môi giới tài chính. Cho vay nhanh, vay dễ, không cần gặp mặt đã phát triển rầm rộ và đang gây ra nhiều tiêu cực trong đời sống xã hội.

Theo Trần Thuỷ

VietnamNet