Vấn nạn “tín dụng đen”: Giải bài toán khó bằng cách nào?
(Dân trí) - Ước tính mỗi năm, khoảng 500 nghìn tỷ đồng được giao dịch bất hợp pháp trên thị trường “tín dụng đen” do người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn chính thức nên buộc phải “nhắm mắt đưa chân”.
“Tín dụng đen” bủa vây người tiêu dùng
Chỉ tính riêng tuần đầu tiên của tháng 3/2019, các thông tin về vấn nạn “tín dụng đen” liên tiếp được công bố khắp các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy hoạt động này đang diễn biến hết sức phức tạp.
Mới nhất là vụ việc một người đàn ông 51 tuổi ngụ tại xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh bị một nhóm người đánh tử vong hôm 4/3. Bước đầu, cơ quan chức năng cho biết vụ việc nghi ngờ có liên quan đến việc nạn nhân vay nợ “tín dụng đen” nhưng không có khả năng trả nên bị các đối tượng “xử lý”.
Trước đó, ngày 1/3, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Trảng Bàng, Tây Ninh đã bắt giữ 3 đối tượng trong một băng nhóm tín dụng đen “siết cổ” gần 120 con nợ ở trên địa bàn tỉnh.
Cùng thời điểm, CSĐT Công an TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bắt tạm giam 7 bị can để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi với tang vật là hơn 1.000 bản hợp đồng cho vay núp bóng mua hàng trả góp.
Còn tại Hà Nội, cơ quan chức năng đã triệt phá ổ nhóm “tín dụng đen” dưới danh nghĩa CTCP đầu tư Hải Linh với quy mô lớn lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng một khách hàng của “công ty” này khi vay 70 tỷ đồng, dù đã trả được 60 tỷ đồng nhưng sau 1 năm số nợ đã lên tới gần 138 tỷ đồng và hoàn toàn mất khả năng chi trả.
Điều đáng nói, đây chỉ là những vụ việc điển hình và bị phanh phui trong thời gian gần đây. Trong khi đó, các hoạt động “tín dụng đen” vẫn diễn ra khắp các hang cùng ngõ hẻm và bủa vây cuộc sống của người dân dưới dạng cầm đồ, công ty cho vay nóng, hỗ trợ tài chính cá nhân, cho vay sinh viên,… Bởi vậy, không ai có thể thống kê chính xác quy mô hoạt động cũng như hệ lụy của loại hình kinh doanh bất hợp pháp này.
Tuy nhiên, theo ước tính của các chuyên gia kinh tế và số liệu từ Bộ Công an, mỗi năm cả nước có khoảng 500 nghìn tỷ đồng được giao dịch bất hợp pháp trên thị trường “tín dụng đen” kéo theo khoảng 2.500 vụ án từ mức độ hủy hoại tài sản đến đe dọa tính mạng, đánh đập, tra tấn và giết người.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhìn vào số liệu từ StoxPlus cho thấy, 47% người Việt có tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng, ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”.
“Hệ lụy của “tín dụng đen” là rất lớn”, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh về loại hình kinh doanh ngoài vòng pháp luật này.
Bên cạnh đó, lý giải nguyên nhân của hiện tượng này dưới góc độ nguồn vốn và nhu cầu của người dân, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, gần đây, “tín dụng đen” đã bùng phát mạnh mẽ ở nước ta. Điều này cho thấy nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn trong khi các khoản cho vay truyền thống chưa đáp ứng được các nhu cầu này.
Giải bài toán khó bằng cách nào?
Nhiều chuyên gia đều cho rằng, Việt Nam hiện có thị trường cho vay tiêu dùng vô cùng nhỏ bé. Chính điều này đã khiến “tín dụng đen” có mảnh đất màu mỡ để nở rộ.
Nói về giải pháp để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, luật sư Trần Minh Hải, Công ty Luật BASICO cho rằng: “Cần cấp phép thành lập mới các tổ chức tài chính, tín dụng để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây là nhu cầu thiết thực với sự sẵn sàng tham gia thị trường của nhiều tổ chức định chế tài chính trong nước và nước ngoài”.
Ngoài ra, theo bà Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, cần mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về “tín dụng đen” hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân.
“Đặc biệt, để từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, cần tăng cường công tác thông tin truyền thông về TDTD trên toàn quốc, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về “tín dụng đen” để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách TDTD và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn không trả được nợ đúng hạn”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Trong khi đó, đồng quan điểm với TS. Lực, luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) cho rằng, “tín dụng đen” đang diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, bài bản hơn. Đặc biệt, những năm gần đây “tín dụng đen” có dấu hiệu tăng mạnh do nhu cầu vốn của người dân tăng cao trong khi hệ thống ngân hàng và tài chính chính thức không đáp ứng được.
Theo luật sư Đức, ngân hàng và các tổ chức tài chính hiện giờ mới chỉ tập trung vào các khoản vay lớn, các khoản cho vay sản xuất kinh doanh, xuất khẩu trong khi mảng tiêu dùng còn bỏ ngỏ nhiều. Chính phủ hỗ trợ cho vay tiêu dùng bằng các gói hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại chỉ giải ngân cho lĩnh vực mua bất động sản – tức là dành cho những người có thu nhập từ mức trung bình trở lên.
“Trong khi đó, các đối tượng chính và lớn nhất của “tín dụng đen”, những người cần hỗ trợ vốn nhiều nhất là người có thu nhập thấp và trung bình, người không có tài sản thế chấp, không có thu nhập ổn định lại dường như đang bị bỏ quên”, luật sư Đức nhấn mạnh.
Vì vậy, để giải quyết được vấn nạn “tín dụng đen”, yếu tố cốt lõi nhất vẫn là giải quyết nhu cầu vốn của người dân. Khi người dân được đáp ứng nhu cầu vay vốn một cách hợp pháp, dễ dàng thì tín dụng đen tự khắc “hết đất sống”, luật sư Đức nhấn mạnh.
Để làm được điều này thì không một hệ thống ngân hàng quốc gia nào có thể làm được mà cần sự san sẻ của các công ty tài chính (CTTC), các tổ chức tín dụng vi mô…, để vừa giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng, vừa tăng mức độ tiếp cận vốn cho người dân.
“Tuy nhiên, muốn đạt được kết quả khả quan thì không chỉ bản thân các tổ chức tài chính phải nỗ lực mà còn cần sự hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước như nới lỏng chính sách quản lý để thị trường tự điều tiết ở mức độ phù hợp. An toàn quá thì khó mà phát triển”, vị luật sư phân tích.
Cụ thể, theo luật sư Đức, hiện nay có 16 CTTC được cấp phép hoạt động nhưng thực tế chỉ có 3 - 4 công ty có hoạt động cho vay tiêu dùng. Những công ty khác chỉ mới dừng lại ở bước đăng ký hoặc đăng ký xong làm… việc khác chứ không tập trung vào mảng cho vay tiêu dùng với đối tượng cá nhân.
“Còn việc cho vay là việc của các CTTC, nếu họ cho vay số tiền lớn, số lượng khách hàng nhiều thì họ phải tự tính toán rủi ro, không nên hạn chế việc cho vay như hiện nay. Lãi suất cho vay cũng nên để thả nổi theo quan hệ cung – cầu, không cần phải bàn câu chuyện áp trần hay sàn thì mới có cơ hội để tài chính tiêu dùng bứt phá”.
Ngoài ra, luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần “đặt” tài chính tiêu dùng vào vị trí, vai trò phù hợp hơn.
“Ở nhiều quốc gia, hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC không nằm trong hệ thống ngân hàng trong khi ở Việt Nam thì lại trực thuộc ngành ngân hàng nên chịu nhiều khó khăn hơn. Bên cạnh đó, với vai trò đẩy lùi “tín dụng đen”, gỡ nút thắt thiếu hụt nguồn cung vốn cá nhân, việc phát triển tài chính tiêu dùng còn mang cả trách nhiệm xã hội chứ không còn là kinh doanh đơn thuần. Chính vì vậy, hoạt động này cũng cần sự đánh giá khách quan hơn của công chúng và sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước về mặt chính sách để thực sự phát huy hết các thế mạnh”, luật sư Đức nhấn mạnh.
Hà Nguyễn