Vào WTO cũng giống như... "lấy vợ"?

Những thông tin dồn dập đầy kịch tính về tiến trình Việt Nam gia nhập WTO khiến nhiều người theo dõi hồi hộp đến mức như thấy đó là việc nhà của mình, lại có lúc tưởng chứng "xôi hỏng bỏng không".

Điều đó khiến ông Bộ trưởng Thương mại khi nói về quá trình thương lượng có lúc phải thốt lên rằng có những lúc tưởng chừng như không thể xong trong năm nay và còn nói mạnh rằng không phải gia nhập bằng mọi giá, thì bây giờ đã có nhiều tờ báo mạnh dạn "đóng đinh" rằng "Ngày 7/11 tới VN sẽ gia nhập WTO!".

Thủ tướng đã chỉ thị các cơ quan có trách nhiệm sẵn sàng tổ chức cung cấp thông tin rộng rãi một cách kịp thời và minh bạch những nội dung đã ký kết. Quốc hội cũng ghi sẵn vào chương trình nghị sự của kỳ họp này việc phê chuẩn một khi văn bản  được Chính phủ trình lên...

Như thế là sắp đến nơi rồi! Vậy mà khi trao đổi với nhau về việc gia nhập cái tổ chức này còn  bộc lộ nhiều tâm cảm khác nhau: vui, buồn, lo, ngại... và cả lâng lâng không biết sẽ ra làm sao?

Ngày ấy càng đến gần tôi càng lo chuẩn bị ý kiến để viết bài bình luận, trả lời câu hỏi vào WTO, nó là thế nào, được mất cái gì? Thiên hạ vào cả rồi, còn ta là lần đầu, nên tôi nghĩ phải nói sao cho mọi người dễ hiểu bằng chính những trải nghiệm của mình...

Thấy tôi trầm tư suy nghĩ, bà vợ tôi bình phẩm rằng: các ông lắm chữ nên cứ giải thích lung tung, chứ theo tôi việc ta vào WTO đơn giản lắm, có khác gì chuyện các ông... lấy vợ.

Này nhé, nước ta lúc này như chàng trai chưa vợ cuộc sống có phần phóng túng thoải mái, muốn làm gì cũng được, ăn giờ nào, chơi giờ nào, ngủ lúc nào tuỳ thích, chẳng ai có ý kiến. Nhưng sống kiểu ấy đâm ra nghèo, làm ăn hay chơi bời với ai cũng khó... Xét lý do mọi bề thì nhận ra rằng chung quy tại chưa lấy vợ.

Nhìn sang hàng xóm thấy mấy anh có vợ làm ăn đi vào nền nếp, hợp tác được với nhau nhờ đó cuộc sống sung túc hẳn lên nên cũng muốn làm. Nhưng lại cũng thấy có anh lấy vợ rồi đâm khốn vì bị vợ bắt nạt, mất tự do, làm cái gì nhất nhất phải xin phép, sống phải có lề luật. Được người vợ tử tế có khắt khe một tí nhưng cuộc sống no đủ. Gặp bà vợ đã đoảng lại dở người thì lụn bại, không chừng còn đổ vỡ...

Đấy, cái tâm trạng của ta là như vậy, người hăng hái muốn gia nhập, kẻ lưỡng lự nâng lên đặt xuống. Chỉ có điều, thiên hạ đều có vợ có chồng sống ổn định rồi, mình độc thân mãi dễ dở chứng thành... hâm.

Anh còn nhớ cái hôm đám cưới, cả đời anh có bao giờ biết thắt cái calavát, lúc đi đón dâu mọi người ép mãi anh phải nhờ ông chú thắt giùm. Lúc ông ấy thút cái nút vào cổ anh, ông ấy chẳng đay doạ: "Thế là hết đời bay nhảy con nhé!".

Anh nhớ đời câu này, nên cứ lúc nào anh cảm thấy cuộc sống gia đình  tù túng, mất tự do lại nhắc lại câu nói của ông chú như ở trên đời này không cái dại nào bằng cái dại... đi lấy vợ, khoác rợ vào thân.

Bà vợ mới nói đến đoạn đó thì tôi đã ngộ ra vấn đề. Đúng là vào WTO tựa như "lấy vợ" vậy. Việc lấy vợ thì trước sau cũng phải lấy, có người cho rằng lấy sớm là khôn, có người ngược lại. Nhưng phàm cứ để quá lứa là khó, dễ bị nhà gái hành hạ, thách hỏi khó khăn...

Nhớ đã lâu mình đã  từng dạm ngõ WTO, nhưng cứ dùng dằng sợ thua thiệt nên có lúc chần chừ, dền dứ đến nay ngẫm lại  thấy thà cứ làm theo lời răn của các cụ là hơn "có cưới thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha..." mà thấy tiếc thời gian.

Đến lúc này thì dường như mọi chuyện đã xong xuôi, chỉ còn chờ đến ngày động phòng mà vẫn thấy trong lòng thấy lo nhiều hơn vui, nhưng vẫn tràn đầy háo hức và cả hồi hộp nữa... y hệt như cái hôm cưới vợ.

Nay, đã mấy chục năm chung sống, con cháu đã đề huề, ngẫm lại mới thấy lấy vợ là kế thượng sách. Đành rằng, lúc đầu cũng có nhiều cái khiến ta khó chịu, có khi bị bắt chẹt, bị răn đe, thậm chí bị phạt vạ. Nhưng rồi mọi sự cũng qua đi tuỳ thuộc vào mình là quan trọng nhất.

Nếu là người có chí làm ăn, cao tay trong ứng xử, lại khéo léo biết xử sự thì cuối cùng cũng lấy lại được tự do, thậm chí làm chủ được cả bản thân lẫn gia đình lại quảng giao làm ăn với thiên hạ, không bị người bắt nạt, ra đường ngẩng cao đầu mà giao thiệp.

Đương nhiên, nếu mình kém cỏi, dù có đụt một tí thì cuộc sống cũng dạy mình biết làm ăn có nền nếp, tranh thủ được sự trợ giúp của thiên hạ, dần dà mà phấn đấu. Cái quy luật khắc nghiệt "mạnh được yếu thua" trong cuộc cạnh tranh thời hội nhập này  nó có chừa ai ra. Do vậy mà việc gia nhập WTO suy cho cùng thì cũng phải coi là sự bình thường như việc chúng ta lấy vợ thôi.

Đó là suy ngẫm của tuần này, tuần khởi động cho những công việc cuối cùng cho việc gia nhập WTO. Bây giờ thì chẳng còn gì để ta phải hồi hộp nữa mà sảng khoái chuẩn bị dấn thân vào một cuộc sống mới đầy hứa hẹn. Vì cuộc đời đã dạy ta rằng lấy vợ là lẽ thường tình, và nếu biết phấn đấu thì cuộc đời chỉ có tốt... trở lên.

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Báo Lao động

Dòng sự kiện: Sự kiện KD chính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm