Giá dầu thế giới liên tục giảm:
Giá xăng bán lẻ cần giảm thêm 1.000 đồng/lít
Giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục giảm đã khiến Bộ Tài chính cuối tuần trước dự tính sẽ tiếp tục <a href="http://dantri.com.vn/kinhdoanh/2006/10/146658.vip"> giảm giá xăng bán lẻ trong nước thêm 500 đồng/lít</a>. Tuy nhiên, mức giảm dự kiến này được các chuyên gia cho là quá thấp so với giá dầu thế giới như hiện nay.
Mâu thuẫn quyền lợi
Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch cuối tuần trước ở mức 57,5 - 58,5USD/thùng - mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Dự báo giá dầu còn tiếp tục duy trì ổn định ở mức này, nên việc giảm giá bán lẻ xăng trong nước là hợp lý.
Mong đợi này hoàn toàn có cơ sở, bởi cuối năm 2005, khi giá dầu thị trường thế giới ngang với mức giá hiện nay, giá xăng bán lẻ trong nước là 9.500 đồng/lít xăng mogas 92, còn hiện nay giá bán lẻ xăng cùng loại đang là 10.500 đồng/lít, cao hơn 1.000 đồng lít.
Mặt khác, theo tính toán của các nhà kinh doanh, với giá xăng dầu thế giới cũng như mức thuế nhập khẩu và giá xăng bán lẻ trên thị trường như hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn có lãi cao. Do đó, việc tiếp tục giảm giá bán lẻ xăng là điều có thể thực hiện được.
Không hoàn toàn như mong muốn của người tiêu dùng, Bộ Tài chính cũng đang tính đến phương án tăng thuế nhập khẩu xăng dầu lên 25% - mức thuế cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh lý do tăng thu cho ngân sách để bù lỗ cho những ngày mức thuế 0%, một số công ty nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu cho rằng, việc tăng thuế hợp lý hơn giảm giá!
Theo lý giải của một đại diện của Saigon Petro, mặc dù giá xăng dầu thế giới đang giảm, nhưng các doanh nghiệp không thể mua và bán lẻ cho người tiêu dùng ngay số xăng được mua với mức giá giảm đó, bởi doanh nghiệp có hàng tồn được mua với mức giá cao hơn ở thời điểm trước.
Do vậy, nếu quy định các doanh nghiệp tiếp tục hạ giá bán lẻ thì doanh nghiệp có lượng hàng tồn thấp có thể chấp nhận được, nhưng các doanh nghiệp có lượng hàng tồn nhiều sẽ gặp khó khăn. Còn nếu tăng thuế thì chỉ những lô hàng mới nhập được mua với giá thấp mới phải chịu mức thuế mới.
Người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi: Vậy thì khi giá dầu thế giới tăng, lượng xăng tồn được mua với giá thấp và bán với giá tăng thì ai hưởng lợi? - Chắc chắn không ai khác là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Vậy thì khi giá dầu thế giới giảm, việc giảm ngay giá bán lẻ xăng mới là hợp lẽ và công bằng.
Nên để thị trường tự điều tiết?
Về khả năng tiếp tục giảm giá bán lẻ xăng do biến động giá dầu thế giới giảm, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - Bùi Ngọc Bảo - cho biết: Đã từ lâu rồi, chúng ta cứ lấy dầu thô làm tiêu chuẩn “thước đo” cho giá bán lẻ xăng dầu là chưa chính xác.
Đây là vấn đề cần phải được xem xét lại, bởi dầu thô và xăng dầu tuy có quan hệ mật thiết với nhau, là sản phẩm của nhau... và luôn đồng hành cùng nhau, nhưng không đồng nghĩa lúc nào giá dầu thô giảm thì giá xăng dầu bán lẻ cũng phải giảm theo ngay.
Bởi muốn chuyển từ dầu thô sang sản phẩm xăng dầu cho động cơ còn phải phụ thuộc các nhà máy có kịp chế biến để giảm giá theo dầu thô hay không.
Cũng theo ông Bảo, muốn cân nhắc tăng hay giảm giá bán lẻ nhiên liệu cần phải căn cứ vào chu kỳ biến động để theo dõi. Mới đầu tuần trước, Nhà nước quyết định giảm giá 500 đồng/lít xăng, sau đó vài ngày lại tăng thuế nhập khẩu từ 15% lên 20%, nay mà tiếp tục biến động về giá nữa sẽ không tạo ra được sự ổn định bền vững cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Bảo cho rằng, điều quan trọng là phải xác định được đầu vào của Nhà nước cần phải thu là bao nhiêu đối với mặt hàng xăng, còn việc tăng hay giảm giá bán lẻ hãy để cho doanh nghiệp với thị trường tự điều tiết phù hợp với thực tế.
Doanh nghiệp luôn muốn “nắm đằng chuôi”, nhưng dù với lý lẽ thế nào, người tiêu dùng chỉ hiểu rằng, cơ quan quản lý và doanh nghiệp kinh doanh đã lấy lý do giá dầu thế giới tăng để tăng giá bán, vậy thì nay giá thế giới giảm, giá xăng bán lẻ trong nước cũng phải giảm thôi!
Theo Nhóm PV Kinh tế
Báo Lao động