Dầu thô thế giới giảm giá: Không hẳn chỉ mừng!
Trong vài tuần qua, giá dầu thô thế giới đã giảm gần 20%, (xuống còn khoảng 60 USD/thùng). Đa số cho rằng đây là dấu hiệu lạc quan cho sự phát triển kinh tế thế giới nhưng nếu xem xét cẩn thận hơn, việc này lại có thể báo hiệu một sự thật: suy thoái của những hoạt động kinh tế tại các quốc gia có nền công nghiệp phát triển.
Chỉ mới ba năm trước đây, giá dầu thế giới còn đang dao động ở mức 30USD. Kể từ đó, giá dầu thế giới đã tăng liên tục do cầu tăng mạnh nhưng cung không đáp ứng đủ và sự leo thang giá do hậu quả của cơn bão Katrina vào năm ngoái. Tháng 8/2006, giá dầu thô thế giới được giao dịch ở mức gần 80USD/thùng.
Những thông tin về giá dầu giảm gần đây thoạt trông có vẻ là điều tốt lành: giá dầu rẻ sẽ giảm lạm phát. Thực tế, việc giá dầu giảm có tác dụng trực tiếp với những ngành sản xuất hàng hóa có liên quan đến xăng dầu và cũng có tác dụng gián tiếp ở một số lĩnh vực khác như: những ngành sản xuất sử dụng xăng dầu là nguyên liệu đầu vào sẽ giảm được chi phí sản xuất; người tiêu dùng sẽ đánh giá lại khả năng lạm phát trong tương lai vì giá xăng dầu rất rõ ràng.
Nhưng theo các phân tích về nguyên nhân của việc giá dầu tăng hơn gấp đôi cho thấy bấy nhiêu không phải là toàn bộ vấn đề. Tăng trưởng kinh tế được duy trì chính nhờ vào lượng cầu về dầu mỏ.
Điều này được chứng minh qua việc nền kinh tế thế giới tăng trưởng liên tục trong những năm qua. Năm 2004 đánh dấu sự tiêu thụ dầu bắt đầu tăng mạnh cũng là năm có sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới cao nhất kể từ thập niên 70.
Nên nhớ rằng giá dầu có mối quan hệ mật thiết với yếu tố cầu (và ngược lại) trong ngắn hạn. Trong những năm gần đây, Mỹ là nước đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng trưởng toàn cầu nhờ vào các chính sách tiền tệ và tài khóa thích hợp kể từ năm 2001.
Tốc độ tăng trưởng này được duy trì nhờ vào tiêu dùng, phần lớn là ở thị trường nhà cửa và gần đây là đầu tư doanh nghiệp.
Nhưng dự báo phát triển năm 2007 lại chỉ ra thị trường nhà cửa đã có dấu hiệu chững lại và Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cũng đã cảnh báo xu hướng này có thể sẽ lan sang các khu vực kinh tế khác.
Thêm vào đó, tháng 9/2006 mới đây số việc làm tạo mới tại Mỹ được công bố chỉ còn 51.000, con số thấp nhất kể từ tháng 10/2005.
Các khu vực kinh tế lớn khác cũng không có dấu hiệu sẽ có thể kéo lại được mức tăng trưởng toàn cầu. Tại châu Âu, sự phục hồi kinh tế đầu năm nay chủ yếu dựa vào tốc độ xuất khẩu tăng mạnh.
Những động lực này sẽ mất đi khi người tiêu dùng Mỹ nhận ra họ không thể trích thêm tài sản của mình để mua một chiếc xe của Đức.
Trong khi một số nước có được cầu nội địa tăng mạnh, điển hình là Tây Ban Nha và Pháp, thì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại có xu hướng tránh lạm phát ở mức thấp nhất.
Cùng lúc đó, tất cả những nước lớn ở châu Âu đã quyết định thắt chặt chính sách tài khóa. Nền kinh tế Nhật Bản hiện đang có những bước cải thiện đáng chú ý nhờ vào yếu tố cầu từ bên ngoài rất lớn lại không đủ mạnh để chống đỡ cho mức tăng trưởng của toàn thế giới.
Giá dầu thế giới giảm gần đây là kết quả của yếu tố cầu yếu đi hơn là sự cải thiện của yếu tố cung. Điều này càng làm cho tình hình đáng lo ngại hơn vẻ bề ngoài của nó.
Nếu giá dầu tiếp tục giảm, đó sẽ là dấu hiệu của yếu tố cầu trên thế giới đang giảm. Tệ hơn, điều này có thể làm ảnh hưởng đến sự bình ổn giá cần thiết để đầu tư vào việc tăng yếu tố cung và việc sử dụng các nguồn nhiên liệu hiếm trên thế giới. Vì thế, giá dầu giảm không hẳn là một tin tốt lành.
Theo Hồng Thành
Báo Tuổi trẻ