Phó thống đốc:
"Vàng thế giới tăng 1, trong nước tăng 3 là không thể chấp nhận được"
(Dân trí) - Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói không chấp nhận việc chênh lệch giá vàng với thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng.
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 diễn ra ngày 3/1, bên cạnh những nội dung xoay quanh tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra những nhận định về thị trường vàng trong nước thời gian qua.
"Giá thế giới tăng 1 mà trong nước tăng 3 là không thể chấp nhận được. Nhiều tin đồn thất thiệt có tính chất đầu cơ đã xuất hiện khiến thị trường biến động mạnh những ngày qua", Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận xét.
Phó thống đốc nói việc sửa Nghị định 24/2012 trong thời điểm này là cần thiết, thậm chí phải sửa sớm hơn. Thị trường vàng được quản lý theo Nghị định 24, thời điểm ưu tiên chống vàng hóa nền kinh tế. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói không để thị trường này ảnh hưởng đến môi trường vĩ mô, lãi suất, tỷ giá.
"Nghị định 24 đã phát huy được vai trò quan trọng, nhưng chính sách quản lý 10 năm không còn phù hợp, cần được thay đổi. Chúng tôi thấy rằng câu chuyện quản lý vàng lúc này là sự cần thiết của việc sửa Nghị định 24", Phó thống đốc cho biết.
Ông nói việc duy trì sự độc quyền của vàng miếng SJC hay có thêm nhiều thương hiệu khác theo sự tư vấn của các chuyên gia sẽ được xem xét: "Nhiều chuyên gia cũng nói đến lúc không cần thiết phải giao cho SJC, nhưng cho dù còn vàng SJC độc quyền hay vàng thương hiệu khác cùng tham gia thị trường vàng miếng thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải đạt được là quản lý thị trường vàng để không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô".
Ông cũng khẳng định thêm, việc quản lý thị trường vàng miếng là vì quyền lợi của người dân Việt Nam, không phải quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) - khẳng định đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng. Vị này cho biết sẽ trình Thủ tướng ngay trong tháng 1 báo cáo tổng kết, đánh giá về công tác quản lý thị trường vàng và định hướng thay đổi chính sách.
"Vàng bình thường không phải mục tiêu quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Mặt hàng này sẽ do các doanh nghiệp, thị trường tự điều tiết", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, thời điểm ban hành Nghị định 24 là cách đây hơn 10 năm, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn đang bất ổn nên đã góp phần ổn định thị trường vàng. Gần đây, giá vàng lên cao nhưng tỷ giá vẫn ổn định. Đây là cơ sở để chứng minh rằng mục tiêu ổn định ngoại hối đã đạt được.
Trước đó, chỉ trong tháng cuối năm 2023, giá vàng miếng SJC tại các doanh nghiệp biến động dữ dội, tăng tới 8-9% và liên tục lập đỉnh trong 2 tuần cuối năm. Ngày 26/12/2023, vàng miếng SJC lập đỉnh, đạt 80,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng sau đó lao dốc sau công điện của Thủ tướng yêu cầu điều hành giá vàng trong nước phải sát thế giới.