1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vàng thận trọng, USD ngày càng đắt

Thảo Thu

(Dân trí) - Vàng trong nước chỉ dao động trong biên độ hẹp bất chấp các diễn biến "nóng" của tỷ giá, lạm phát… Vàng liệu có kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư?

Chênh lệch 2 chiều mua - bán giảm

Trong nước, giá vàng miếng SJC đang được doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức 65,9-66,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Thời điểm mở cửa phiên ngày 5/9, vàng được niêm yết ở mức 65,85-66,65 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá hiện tại đã cao hơn 50.000 đồng ở cả 2 chiều mua - bán. Hiện khoảng cách giữa chiều mua vào và bán ra là 800.000 đồng/lượng, giảm 200.000 đồng. 

Vàng thận trọng, USD ngày càng đắt - 1

Chênh lệch 2 chiều mua - bán vàng trong nước đã giảm về 800.000 đồng/lượng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tại thị trường kim loại quý thế giới, tính đến 6h ngày 6/9 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên Kitco ở 1.713,2 USD/ounce, gần như đi ngang so với giá đóng cửa phiên liền trước.

Sau 3 tuần sụt giảm liên tục, nhất là khi bài phát biểu của ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuần trước cảnh báo các công cụ ghìm lạm phát của cơ quan này sẽ làm kinh tế Mỹ yếu đi, vàng chưa tìm thấy động lực phục hồi. Vàng cũng chịu áp lực khá lớn khi các ngân hàng trung ương toàn cầu rục rịch tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng cao. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là một tài sản không sinh lợi.

Có thời điểm vàng đã rớt khỏi ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.700 USD/ounce, sau đó mới tăng lại. Quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank chưa thuế phí, vàng SJC đang đắt hơn vàng quốc tế khoảng 17,8 triệu đồng/lượng.

USD đắt lên

Theo số liệu mới nhất, đến 6h ngày 6/9 (giờ Việt Nam), USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - đang giao dịch trên vùng 109,8 điểm, bằng mức giá mở cửa phiên.

So với USD-Index ngày đầu năm, chỉ số hiện tại đã tăng 19,4%. Chỉ số đồng bạc xanh dường như chưa có dấu hiệu sẽ ngừng lại khi liên tục công phá các mốc mới. Hôm qua, USD-Index thậm chí đạt 110,2 điểm.

Trái với diễn biến đồng USD, đồng euro lại rẻ kỷ lục, về mức thấp nhất 20 năm sau khi Nga đóng đường ống dẫn khí đốt lớn tới châu Âu. Chiều 5/9, 1 EUR đổi được chưa đầy 0,99 USD. Điều này khiến giới chuyên gia đánh giá đồng USD ngày càng mạnh. Tính đến 6h ngày 6/9 (giờ Việt Nam), 1 EUR đổi được 0,99 USD.

Trước diễn biến đang "nóng" của đồng USD, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.227 đồng/USD, tăng 8 đồng so với phiên liền trước. Từ trước đó, nhiều dự báo cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước tuần này có thể niêm yết tỷ giá ở mức cao.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ giá biến động và chịu ảnh hưởng nhiều bởi thị trường quốc tế, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI trong báo cáo mới đây dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt trên kênh liên ngân hàng nhằm giảm áp lực tới tỷ giá.

Trên kênh giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại, cơ quan quản lý tiền tệ vẫn giữ nguyên mức niêm yết giá mua vào ngoại tệ này là 22.550 đồng/USD và bán ra ở 23.400 đồng/USD.

Trên kênh giao dịch ngân hàng với người dân, doanh nghiệp, Vietcombank niêm yết tỷ giá quy đổi ở mức 23.370-23.680 đồng/USD (mua - bán), tăng tới 80 đồng ở cả chiều mua và chiều bán so với trước đó. Eximbank niêm yết tỷ giá quy đổi ở mức 23.410-23.670 đồng/USD (mua - bán), tăng tới 140 đồng ở chiều mua và 80 đồng ở chiều bán. Các ngân hàng tư nhân khác như HDBank, ACB, Sacombank… cũng đều ghi nhận xu hướng niêm yết USD tăng cả 2 chiều.

Trên thị trường tự do, giá USD hiện phổ biến ở mức 24.120-24.220 đồng (mua vào - bán ra). So với phiên trước, giá mua vào giảm 20 đồng nhưng giá bán ra lại tăng 40 đồng. Như vậy, đồng USD trên thị trường chính thống hay tự do đều có xu hướng đắt lên.