Vàng nhẫn "cháy hàng" khi giá vượt 84 triệu đồng, chờ đỏ mắt không mua được
(Dân trí) - Hàng loạt hệ thống kinh doanh vàng ở Hà Nội, TPHCM thông báo hết hàng nhẫn trơn khi giá tăng vọt vượt 84 triệu đồng/lượng. Khách than có tiền cũng khó mua được ở cửa hàng tại Hà Nội, TPHCM.
"Cháy" vàng nhẫn ở Hà Nội, TPHCM
Các thương hiệu kinh doanh lớn đồng loạt điều chỉnh biểu giá vàng nhẫn trơn lên mức kỷ lục mới. Lần đầu tiên trong lịch sử, mặt hàng này được niêm yết tại mức 83,1-84,3 triệu đồng/lượng (mua - bán) vào ngày 17/10. Giá leo thang khiến sức mua của người dân tăng vọt. Cầu cao hơn cung được cho là lý do gây ra tình trạng "cháy" hàng.
Chứng kiến đà tăng "phi mã" của vàng nhẫn những ngày gần đây, anh Tuấn (Hà Nội) nhanh chóng đi mua một chỉ để cuối tuần này mừng cưới người bạn thân. Vài ngày qua, mỗi lượng nhẫn đã tăng khoảng 1 triệu đồng. Còn tính từ đầu năm tới nay, vàng nhẫn trơn ghi nhận hiệu suất sinh lời hơn 33%. Anh Tuấn lo nếu không đi mua nhanh sẽ hết bởi mặt hàng này đã nhiều lần hết hàng.
Tuy nhiên, các cửa hàng lớn như DOJI, PNJ… đều thông báo hết hàng nhẫn trơn. Anh Tuấn chứng kiến nhiều người dân tới hỏi mua và đành bỏ về khi hết hàng.
Chị Hà Linh (Hà Nội) cũng tìm mua vàng nhẫn trơn ở nhiều cửa hàng. Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng phản ánh với chị việc nguồn cung vàng nhẫn khan hiếm từ nhiều tháng qua. Các cửa hàng có số lượng vàng nhẫn khác nhau tùy thuộc theo lượng người đến bán ra. Tuy nhiên, lượng người bán ra cũng tương đối ít so với lượng người tới mua vào.
Tại TPHCM, Bích Trâm (ngụ tại quận Tân Phú) cũng "đỏ mắt" tìm mua 2 chỉ vàng khi giá lên kỷ lục vào hôm qua. Trâm nói tìm mua 2 chỉ vàng nhẫn tròn trơn để làm quà cưới nhưng đi đến 3 cửa hàng vàng cô đều nhận được thông báo hết hàng. Cô cũng không thể đặt mua trước.
"Tôi cần 2 chỉ vàng vào cuối tuần này vậy mà 2 ngày liền mới mua được nửa chỉ. Hôm trước, tôi phải xin nghỉ phép để xếp hàng tại cửa hàng SJC gần một giờ đồng hồ mới mua được nửa chỉ. Còn mua vàng bên ngoài chợ đen thì tôi lại không dám, lo ngại không đảm bảo chất lượng. Chưa bao giờ thấy mua vàng mà khó vậy", Trâm than vãn.
Đến hôm nay, Trâm cũng phải tìm mua tiếp song các cửa hàng DOJI hay PNJ đều báo hết mặt hàng này. Nhân viên một cửa hàng vàng lớn cho biết tình trạng khan hiếm mặt hàng này vẫn kéo dài, nếu có khách đến bán thì cửa hàng mới có hàng để bán ra, thông thường cũng chỉ từ 30 phút đến một giờ đồng hồ là bán hết sạch.
"Trước đây, cửa hàng có cho khách đặt trước vàng, có hàng sau 3-5 ngày, đến nay cửa hàng đã ngưng nhận đặt do số lượng mua lớn và nguồn cung lại không có nhiều. Giờ khách muốn mua gấp, lấy ngay sẽ không có hàng, mà chỉ kêu khách để lại số điện thoại, khi nào có hàng sẽ gọi ngay lập tức, sau 30 phút mà khách không đến lấy sẽ chuyển sang cho người khác, và ưu tiên khách mua trực tiếp", nữ nhân viên này nói.
Khảo sát của phóng viên Dân trí cũng cho thấy, tình trạng "cháy hàng", giới hạn lượng vàng nhẫn khách mua diễn ra phổ biến ở các không ít cửa hàng. Một số cửa hàng tại TPHCM như ở quận 5, quận 10 đều báo hết vàng nhẫn lẫn vàng miếng SJC. Tại một số tiệm vàng nhỏ lẻ ở đường Nguyễn Duy Dương (quận 5), chợ Thiếc (quận 11) có sẵn vàng nhẫn tròn trơn nhưng không phải của thương hiệu lớn được bán với giá tầm 83 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia: Có thể nhiều người vẫn đang găm giữ vàng chưa bán ra
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định thị trường vàng như một "quả bong bóng bóp đầu này thì phình đầu kia", khi thị trường vàng miếng bị kiểm soát, thì thị trường vàng nhẫn trở nên sôi động và bị đẩy giá lên mức cao. Bên cạnh đó, nhu cầu vàng của người dân Việt Nam hiện rất lớn, người dân xem vàng như tài sản tích trữ, tài sản tiết kiệm.
Hiện tượng khan hiếm vàng miếng, vàng nhẫn có thể xuất phát từ việc nhiều người vẫn đang găm giữ vàng chưa bán ra, nhiều nhà đầu tư vẫn đang đợi giá vàng lên cao hơn để bán. Nếu thị trường vàng nhẫn vẫn tiếp tục tạo nên cơn sốt, ông Hiếu cho rằng nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp can thiệp.
Thị trường chỉ có thể bình ổn nếu nguồn cung dồi dào và kéo giá giảm. "Trường hợp cung vàng thoải mái thì sẽ là một khối lượng không hề nhỏ. Điều này sẽ liên quan đến vấn đề tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính toán", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Thực tế, đây không phải lần đầu thị trường ghi nhận tình trạng vàng nhẫn "cháy hàng". Tình trạng này xuất phát từ lực cầu mạnh, nhưng nguồn cung hạn chế, từng diễn ra vào dịp sau Tết Nguyên đán và vía Thần Tài.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích vàng nhẫn trơn trước đây được chuộng làm quà biếu, tặng nhưng nay nhiều người tìm mua để tích lũy tài sản khi giá tăng cao kỷ lục.
Bất chấp giá tăng cao, ông Thịnh phân tích nhiều người dân mua để tích lũy chứ không phải "lướt sóng" nên họ không lo mua ở đỉnh. Đặc biệt, việc có nhiều dự báo kim loại quý thế giới chưa dứt đà tăng khiến người dân cho rằng kim loại trong nước sẽ được hưởng lợi.
Về bản chất, nhẫn tròn trơn là loại vàng nguyên chất hay còn được gọi là vàng ta, tương tự như vàng miếng. Cùng hàm lượng như nhau, song vàng nhẫn không bị độc quyền bởi Nhà nước thông qua thương hiệu SJC như vàng miếng.
Theo ông, người dân không nên mua bán vàng với số lượng lớn trong giai đoạn này bởi diễn biến giá còn phức tạp, khó đoán. "Với người mua, nếu mua giá đang quá cao, khó tránh khỏi tâm lý hùa theo đám đông. Với người bán, vàng nhẫn đang khan hiếm nên có thể bây giờ bán ra nhưng sẽ khó mua vào sau này", ông cho hay.