"Vàng đen" rớt thảm xuống đáy

Giá dầu thô thế giới đã lập đáy mới trong hơn 6 năm qua do nguồn cung dồi dào và mối lo ngại bao trùm về tình trạng bất ổn của kinh tế Trung Quốc - vốn được xem như nền kinh tế quy mô lớn thứ hai thế giới.

"Vàng đen" rớt thảm xuống đáy - 1

Giá dầu mỏ thế giới đang liên tục đi xuống trong vòng 1 năm nay

Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã xác lập đáy mới ngày 19/8 khi giá mặt hàng nhiên liệu thiết yếu, có ý nghĩa sống còn với sản xuất và tiêu dùng này xuống mức thấp nhất trong 6 năm rưỡi qua. Theo đó, khi chốt phiên giao dịch trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2015 giảm 1,82 USD, xuống 40,80 USD/thùng, cao hơn so với mức giá chỉ có 40,46 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch. Đây chính là mức giá thấp nhất của dầu thô WTI kể từ thời điểm tháng 2/2009.

Giá dầu thế giới lao dốc, bất chấp những tín hiệu có thể gây tác động mạnh tới giá cả mặt hàng nhiên liệu này khi nền kinh tế Hy Lạp được “giải cứu”, khủng hoảng nợ công lắng dịu và đặc biệt là kinh tế Mỹ khởi sắc. Một trong những dấu hiệu khởi sắc rõ rệt nhất của nền kinh tế số một thế giới là số nhà bán được tại Mỹ công bố ngày 20-8 cho thấy đã đạt 5,59 triệu căn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2014. Và đây là mức đỉnh kể từ tháng 2-2007, thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế.

Giới chuyên gia cho rằng tất cả các yếu tố có thể kéo giá dầu đi lên nói trên đều không thấm tháp gì so với các nhân tố đẩy giá mặt hàng này xuống thấp. Trong đó, một trong những nhân tố then chốt nhất là cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran - điểm nóng tác động mạnh nhất tới giá dầu mỏ thế giới - được giải quyết, khi Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đạt thỏa thuận được xem là “lịch sử” trung tuần tháng 7 vừa qua. Thỏa thuận này mở đường cho Iran tham gia trở lại vào thị trường xuất khẩu dầu thế giới với sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày.

Nhân tố khác khiến giá dầu giảm mạnh là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong thông báo ngày 11-8 cho biết, sản lượng khai thác hàng ngày của nhóm 12 nước thành viên trong tháng 7 vừa qua tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua, đạt 31,5 triệu thùng/ngày, tăng 100.000 thùng so với tháng 6. Trong khi đó, cả sản lượng khai thác dầu đá phiến và kho dự trữ chiến lược của Mỹ đều rất cao, trong đó dự trữ dầu của nước này hiện ở mức cao nhất trong vòng 80 năm qua.

Việc Trung Quốc bất ngờ phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ cùng những thông tin xấu khác về tình hình kinh tế Trung Quốc đã tác động khá mạnh tới giá dầu thế giới. Không chỉ là cường quốc kinh tế quy mô thứ nhì thế giới, Trung Quốc còn là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới với sản lượng trên 7 triệu thùng dầu/ngày.

Giá dầu thế giới đã bắt đầu xu hướng giảm từ giữa năm 2014, thời điểm mà giá dầu thế giới ở mức cao trên dưới 100 USD/thùng, và liên tục giảm cho dù có vài quãng thời gian có nhích lên, song nhìn chung vẫn đang đi xuống. Nếu không có các nhân tố đột biến như khủng hoảng, khủng bố lớn… trong khi OPEC vẫn giữ nguyên sản lượng ít nhất 30 triệu thùng/ngày và kinh tế Trung Quốc không có dấu hiệu cải thiện, thì giá dầu thế giới có khả năng còn xuyên đáy 20 USD/thùng như nhận định của chuyên gia cao cấp David Kotok trên truyền hình CNN ngày 20/8.

Theo Hoàng Tuấn
An ninh Thủ đô

"Vàng đen" rớt thảm xuống đáy - 2