Vàng, chứng khoán, địa ốc: Đầu tư vào đâu?

Chứng khoán giảm liên tục trong 10 phiên giao dịch gần đây cho thấy tính chất “mưa nắng thất thường” của thị trường này. Trong khi đó, giá vàng "sáng nóng, chiều lạnh", cơn sốt địa ốc tuy có tạm lắng chút ít, nhưng vẫn “âm thầm” theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Bất động sản vẫn là số 1

Sau cơn sốt căn hộ The Vista và Sky Garden III vào cuối tháng 10 vừa qua, thị trường BĐS TPHCM có vẻ trầm lắng hơn, một số chủ đầu tư  đã cho tạm ngưng hay dời ngày công bố các dự án mới để nghe ngóng, thăm dò động thái của thị trường.

Tuy nhiên, theo ông  Trần Văn Phước, một nhà đầu tư địa ốc, thị trường địa ốc tuy có tạm lắng nhưng thực tế đây vẫn là kênh mang lại nhiều lợi nhuận nhất trong bối cảnh hiện nay.

Ông Phước đưa ra ví dụ, đầu tháng 9 /2007 ông  mua một lô đất diện tích 200 m2  ở quận 9, mức giá khoảng 6 triệu đồng/m2 .Tới tháng 10/2007,  trong cơn sốt căn hộ The Vista, ông tung ra bán lời gần... 200 triệu đồng/ m2!

Đang có cơn sốt đầu tư vào đồng Euro

 

Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính, ngoài kênh đầu tư vào chứng khoán, địa ốc, vàng. Đầu tư vào ngoại tệ lạ như đồng Euro, đồng bảng Anh, Yen Nhật… vẫn được một số nhà đầu tư quan tâm.

 

Lý do, việc rớt giá liên tục của đồng USD, khiến cho tỷ giá của đồng USD so với các đồng tiền này chênh lệch quá cao, không hấp dẫn về lợi nhuận.

 

Theo ông Phạm Văn Thiệt, Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank, hiện đang có cơn sốt đầu tư vào đồng Euro. Tuy nhiên, cơn sốt này có thể nguôi khi đồng USD phục hồi.

Ông Phước nói với vẻ kinh nghiệm: “Đầu tư vào nhà đất, nếu thị trường có đóng băng thì vẫn bán được hay cho thuê. Còn đầu tư vào chứng khoán, gặp rủi ro thì chỉ mất trắng!”.

Còn theo ông Bùi Tiến Thắng, Phó Giám đốc công ty địa ốc Sacomreal, dưới mắt các nhà đầu tư, thị trường BĐS TPHCM vẫn là một miếng bánh ngon chưa chia hết phần. Vấn đề còn lại của họ là trong miếng bánh ngon đó, họ sẽ lãnh phần nhiều hay ít mà thôi.

Ông Thắng cho rằng, từ  đây đến cuối năm là thời điểm thị trường BĐS sẽ sôi động. Như vậy, nếu dựa vào quy luật, thì  nhà đầu tư có thể đầu tư vào các dự  án tốt (không vi phạm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS..)  rồi chờ giá lên vào dịp cuối năm để “tuôn” hàng ra bán.

Tuy nhiên, sau Tết, đầu tư vào địa ốc có thể gặp nhiều rủi ro hơn do  thị trường có thể bị chế tài bởi các chính sách của các cơ quan chức năng..

"Lướt sóng" cùng vàng

Việc giá vàng tăng phi mã liên tục trong tháng 10, 11 vừa qua đã kéo theo cơn sốt mua vàng của các nhà đầu tư.

Anh Lê Hoàng Vũ, Chủ tiệm vàng Kim Hải ở Gò Vấp cho biết, giá vàng trong tuần có lúc tăng lên 16,5 triệu đồng/ lượng, nhưng lượng người đổ xô mua vàng không hề giảm, đến nổi, anh phải cho treo bản tạm ngưng giao dịch để hạn chế rủi ro.

Theo anh Hoàng Vũ, tâm lý đổ xô mua vàng bắt nguồn từ việc một số  nhà đầu tư  “ôm” vàng trúng lớn vài tháng trước đây.

Tuy nhiên, tâm lý “bầy đàn” đó hoàn toàn vô tác dụng khi một số nhà đầu tư vận dụng bài học cũ để đầu tư trong thời điểm này. “Mua cao, bán thấp, một số cá nhân đã lỗ nặng khi giá vàng đột ngột giảm xuống ở mức 14,5-15 triệu đồng/lượng”, anh Hoàng Vũ phân tích.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới, giá vàng thế giới và trong nước biến động không ngừng cho thấy  mức độ  “an  toàn” trong đầu tư vàng không cao.

Ông Khánh đưa ra dẫn giải, trong ngày 14/11/2007, giá vàng thế giới  từ mức 840-850 USD/ounce giảm còn 800-790  USD/ounce, thì giá vàng trong nước cũng rớt theo. Đầu giờ sáng giá vàng SJC niêm yết tại TP.HCM ở mức 1,59-1,60 triệu đồng/ chỉ, đến đầu giờ chiều đã hạ còn 1, 558-1,559 triệu đồng/chỉ.

Theo ông Khánh,  giá vàng thế giới sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới có thể chạm ở mức 1.000 USD/ounce do tác động  trực tiếp từ việc FED cắt giảm lãi suất khiến đồng USD rớt giá.

“Vì vậy nhà  đầu tư nếu có đầu tư vàng thì chỉ nên đầu tư dài hạn, còn đầu tư ngắn hạn thì có thể  rơi vào trường hợp lỗ theo kiểu “ sáng nóng, chiều lạnh” của giá vàng!” ông Khánh nhấn mạnh.

Theo Hùng Vũ
VTC News