Vàng “bẩn” - gian lận hay chiêu đánh bóng của “nhà vàng”?

(Dân trí) - Những thông tin về vàng bị pha lẫn tạp chất đang gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua. Thực chất vụ việc này là gì? Đó là gian lận thương mại hay chỉ là chiêu “đánh bóng” của các doanh nghiệp kinh doanh vàng? Người tiêu dùng liệu có trở thành nạn nhân?

Gian lận hay chiêu đánh bóng của “nhà vàng”?

Một vài năm trước, thị trường vàng bị “rúng động” vì sự cố vàng thiếu tuổi. Nhiều mặt hàng, cả vàng miếng và vàng trang sức, bị “ăn cắp” một lượng vàng nhất định. Nguyên nhân là do dù có những quy định về hàm lượng vàng trong mỗi loại nhưng khi “xuất xưởng” không có cơ quan nào thẩm định, kiểm tra chất lượng của chúng.

Theo nhận định của các chuyên gia về vàng, hiện tượng này đây đó vẫn xuất hiện, gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng. Ông Vũ Minh Châu - Tổng Giám đốc công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu - cho hay, vàng thiếu tuổi thường xuất hiện ở các doanh nghiệp nhỏ lẻ, gia công chế tác đồ trang sức. Để cạnh tranh, các doanh nghiệp này rút bớt hàm lượng vàng đi và bán đồ trang sức với giá rẻ hơn thị trường.

“Vàng thiếu tuổi chủ yếu là vàng tây (vàng hợp kim) thành phẩm, hầu hết từ phía nam ra, bán buôn cho các tiệm vàng nhỏ. Người tiêu dùng ham rẻ nên lựa chọn song thực tế họ đã gánh một khoản thiệt hại lớn hơn ở cái giá mà họ mua được” - ông Châu nhận định.
Vàng “bẩn” - gian lận hay chiêu đánh bóng của “nhà vàng”? - 1
Không thể phân biệt được vàng nguyên chất và vàng độn volfram.

Cùng với hiện tượng vàng thiếu tuổi, gần đây, “sự cố” vàng “bẩn” lại tiếp tục gây hoang mang dự luận. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu vàng pha tạp chất có thật, gây ảnh hưởng đến thị trường, hay đó chỉ là một “chiêu” tạo xì-căng-đan của các doanh nghiệp kinh doanh vàng nhằm khoả lấp tình trạng vàng miếng, vàng trang sức thiếu tuổi.

Lý giải điều này, ông Vũ Minh Châu cho biết, thị trường vàng đang rơi vào một cuộc khủng hoảng thực sự, mà hiện tượng vàng pha tạp chất “góp phần” không nhỏ. Trước đó, quy định của Nhà nước về siết chặt buôn bán, kinh doanh vàng miếng đã khiến những người kinh doanh vàng bạc giảm tới 50% doanh thu. Và với sự xuất hiện vàng “bẩn”, các hộ kinh doanh lại phải chịu thiệt hại khoảng 10-20% doanh thu nữa khi phải tăng cường kiểm tra vàng nhập vào cũng như mua thiết bị kiểm định và đào tạo nhân viên.

“Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất của ngành vàng trong suốt hơn 20 năm qua với mức sụt giảm doanh thu tới 60-70%. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không ít doanh nghiệp phải đóng cửa. Bảo Tín Minh Châu cũng đã có những thời điểm kinh doanh chỉ hoà vốn, thậm chí lỗ” - ông Châu nói.

Cảnh giác với vàng “bẩn”

Trở lại câu chuyện về “chất lạ” trong vàng, ông Vũ Minh Châu cho rằng, có 3 cách độn tạp chất trong vàng: chỉ độn volfram, độn volfram cùng các kim loại nặng khác và chỉ độn 3 kim loại nặng là Iridi (Ir), Osmi (Os), Ruteni (Ru). Tuy nhiên, so sánh giá của các kim loại trên, theo ông Châu, kẻ gian sẽ chọn volfram để có thể thu lời nhiều nhất từ vàng độn. Mỗi cây vàng, kẻ gian có thể thu lời bất chính tới 10 triệu đồng.

Minh chứng cụ thể hơn, ông Châu cho biết, một công ty ở TPHCM (xin được giấu tên) đã mua phải một khối vàng nguyên liệu bị pha tạp chất. Trong quá trình sản xuất, phát hiện vàng có thể trạng khác, công ty này đã nhờ công ty OTEC kiểm tra. Đây là công ty chuyên cung cấp các thiết bị ngành vàng như thiết bị chế tác, thiết bị thẩm định vàng.

Để khách quan, công ty OTEC đã lấy 2 mẫu vàng trong khối vàng bị phát hiện pha tạp trên, mang đi kiểm định tại 2 công ty độc lập ở Hồng Kông và Đài Loan. Kết quả cho thấy, vàng bị độn 10% tạp chất, trong đó có tới 8% là volfram.

Một mẫu vàng “bẩn” khác của một công ty ở Hà Nội cũng được công ty OTEC mang đi kiểm định. Lần này, kết quả cho thấy vàng bị độn 10% volfram và không có tạp chất khác.

Trước những thông tin về việc không thể độn volfram vào vàng vì vàng sẽ chuyển sang màu xám đen, ông Châu cho rằng, việc này hoàn toàn có thể làm được mà vàng không bị đổi màu và vàng giả sẽ qua mặt được hầu hết máy móc.

Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất vàng, ông Châu chỉ ra cách để “độn” volfram vào vàng. Đó là khi vàng nóng chảy, volfram được thả vào sẽ chìm trong vàng, được vàng bao bọc mà không hề tan trong vàng nên sẽ không làm đổi màu vàng. Nhiệt độ nóng chảy của vàng chỉ là hơn 1.000 độ C, trong khi đó của volfram là hơn 3.400 độ C.

Như vậy, cho đến thời điểm này, mới chỉ có một số doanh nghiệp mua vàng nguyên liệu để sản xuất “dính” phải vàng pha tạp chất, chưa có người tiêu dùng nào phản ánh tới các cơ quan chức năng hay các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về hiện tượng này. Liệu người tiêu dùng có trở thành nạn nhân của trò gian lận này không?

Ông Vũ Minh Châu cho rằng, kẽ hở để kẻ gian có thể lợi dụng “ăn cắp” vàng của người tiêu dùng là không lớn. Bởi vì, vàng pha tạp chất khi sử dụng để gia công, chế tác sẽ rất khó làm vì cứng, cơ tính không ổn định.

Tuy nhiên, theo ông Châu, việc này không phải là không thể, những kẻ “cao tay” vẫn có thể gia công đồ trang sức từ vàng pha tạp này. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mua buôn các vàng thành phẩm từ nước ngoài vào sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn mua vàng sản xuất trong nước.

“Hiện nay, máy phổ kế có thể kiểm định chất lượng cũng như hàm lượng vàng như trên vẫn chưa có mặt tại Việt Nam. Các phương pháp để phát hiện vàng có bị pha tạp chất hay không đều sẽ làm biến dạng sản phẩm, khiến người dân e ngại không muốn thực hiện. Đây chính là kẽ hở để kẻ gian có thể lợi dụng “ăn cắp” vàng của người tiêu dùng” - ông Châu cho hay.

Tiến Nguyên