1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vẫn “nợ” bù lỗ cho doanh nghiệp xăng dầu

(Dân trí) - Chiều ngày 24/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, mặc dù đã qua nhiều lần điều chỉnh, nhưng hiện tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn chịu lỗ…

Ông Nguyễn Cẩm Tú cho biết: mặc dù đã có nhiều lần điều chỉnh giá, mới đây nhất là ngày 25/2, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều chịu lỗ. Đây là con số được tính toán bởi các cơ quan quản lý, còn con số thực tế của các doanh nghiệp thì có thể có sự khác biệt vì chi phí và tỷ giá khác nhau.

Thưa ông, việc bù lỗ giá hiện nay đang được thực hiện như thế nào?

Trong năm 2007, tổng số tiền chưa bù lỗ được là 12.225 tỷ. Chỉ riêng hai tháng đầu năm 2008 doanh nghiệp lỗ khoảng 3.500 tỷ, do đó hiện nay còn khoảng 6 - 7.000 tỷ chưa được Bộ Tài chính bù lỗ.

Điều đó dẫn đến tình trạng giao dịch của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy các doanh nghiệp đang thiếu vốn và phải dùng uy tín của mình để sử dụng nguồn vốn từ các nhà cung cấp nước ngoài để bù vào phần kinh doanh thâm hụt.

Trong điều kiện khó khăn như vậy thì các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu vẫn đảm nhập khẩu đúng với tiến độ theo yêu cầu với hạn mức được chia theo thời gian và từng thời kỳ.

Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đảm bảo có đủ nguồn vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vay, đối với ngành xăng dầu phải có cơ chế đặc biệt khi vay.

Thứ hai là các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu có thể mua ngoại tệ của các ngân hàng thương mại, trong trường hợp không mua đủ thì Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm cung cấp đủ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phải khẩn trương tiếp tục bù phần lỗ giá cho các doanh nghiệp trong năm 2006, 2007 và hai tháng đầu năm 2008…

Chúng ta nói đến việc xây dựng quỹ bình ổn giá xăng dầu từ lâu, hình như cho đến hiện nay tiến độ thực hiện vẫn chưa như mong muốn, thưa ông?

Việc hình thành quỹ bình ổn giá là hết sức cần thiết nhằm bình ổn giá trong từng thời điểm nhất định, tuy nhiên phương thức hình thành quỹ bình ổn giá như thế nào thì có nhiều ý kiến khác nhau.

Chúng ta có phương án của Bộ Tài chính, phương án của các doanh nghiệp, nhưng từng phương án có những yếu tố chưa được hoàn chỉnh nên chưa thể đưa vào vận hành.

Mới đây, Bộ Công Thương và Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam đã xây dựng đề án quỹ bình ổn giá, và đề xuất này đã được Thủ tướng đánh giá cao đề xuất này. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến các bộ ngành hoàn chỉnh phương án đó để có thể đưa vào trong thực tiễn.

Tinh thần của phương án về quỹ bình ổn giá xăng dầu về cơ bản là lấy mặt bằng giá đã hình thành, tức mặt bằng giá với giá dầu thô 105 USD/thùng, và tương ứng với nó là giá các loại sản phẩm xăng dầu khác để làm tiêu chuẩn hình thành mặt bằng giá.

Trong trường hợp giá cả thể giới có nhiều biến động thì đối với xăng thì các doanh nghiệp phải giữ giá và chờ thời cơ thuận lợi để có thể tự bù, đối với dầu thì nhà nước sẽ thực hiện bù như chỉ đạo của Thủ tướng.

Thưa ông, việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng như thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI)?

Có hai loại tác động, đó là tác động trực tiếp mà chúng ta có thể tính được, nhưng có những loại tác động gián tiếp thì chúng ta không có điều kiện tính được. Nhưng tác động trực tiếp chung của giá xăng dầu lên chỉ số CPI là 2,58%.

Trong các đợt tăng giá xăng vừa rồi, mức giá các doanh nghiệp đưa ra không chênh lệch nhau đáng kể, liệu có sự liên kết giữa các doanh nghiệp để “móc túi” người tiêu dùng không, thưa ông?

Thời điểm tăng giá xăng dầu 25/2 thì chúng ta cho phép các doanh nghiệp đăng ký giá xăng, và hầu hết các doanh nghiệp đều không đăng ký vượt mức trần mà cơ quan quản lý quy định. Trong đó doanh nghiệp đăng ký cao nhất là 15.000 đ/lít, thấp nhất là 14.500 đ/lít. Nhưng giá hình thành trên thị trường là 14.500 đ/lít.

Không có việc các doanh nghiệp liên kết với nhau để làm hại người tiêu dùng, nếu mà liên kết với nhau thì các doanh nghiệp phải đẩy mức giá đến mức cao nhất nhưng không doanh nghiệp nào làm như vậy. Bởi bản chất thị trường không cho phép các doanh nghiệp đẩy giá lên cao, nếu đẩy giá cao trong tình hình cạnh tranh như hiện nay thì mất thị phần.

Và đương nhiên cũng chẳng ai dại gì mà đi bán với giá thấp hơn. Cho nên phải tìm một mức giá ở mức hợp lý ở thời điểm đó, dù lợi nhuận thấp nhưng giữ được thị phần.

Xin cám ơn ông!

Trần Hưng (ghi)