Vẫn được phép mua bán vàng miếng
Theo dự thảo Nghị định Quản lý kinh doanh vàng người dân vẫn được quyền mua bán vàng miếng nhưng phải giao dịch tại các ngân hàng và doanh nghiệp (DN) được cấp phép chứ không cấm hoàn toàn việc mua vàng như dự định trước đó.
Thu hẹp đối tượng kinh doanh vàng
Theo dự thảo của Nghị định này, những đối tượng không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng do NHNN cấp thì không được phép mua bán vàng miếng. Đồng thời, hành vi mua bán vàng miếng với những đối tượng không có giấy phép sẽ được coi là vi phạm pháp luật.
NHNN cũng thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh vàng. Cụ thể, các DN, tổ chức hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng phải được NHNN cấp giấy phép theo các điều kiện nhất định.
Hoạt động sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân phải thành lập DN và được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng, dự thảo cuối cùng chỉ quy định yêu cầu chung là phải đáp ứng một số điều kiện về vốn, doanh thu và mạng lưới do NHNN quy định trong từng thời kỳ. Điều này khác với dự thảo trước đây quy định DN phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, doanh thu tính thuế trong hai năm liên tiếp gần nhất từ 500 tỷ đồng và phải có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng từ 3 tỉnh thành trở lên.
Trong thời hạn một năm kể từ khi nghị định này có hiệu lực, các đơn vị đang sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận theo quy định mới. Thời hạn với hoạt động kinh doanh vàng miếng là ba tháng.
Các hoạt động kinh doanh vàng khác cũng bị hạn chế, chỉ được triển khai khi Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN quy định.
NHNN không độc quyền sản xuất vàng miếng
Tại các dự thảo cũ, sản xuất vàng miếng được quy định như một hoạt động độc quyền, do NHNN tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, dự thảo lần này đưa ra hai phương án: NHNN sẽ tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho DN sản xuất vàng miếng.
Trong trường hợp cấp phép cho DN sản xuất, NHNN sẽ quy định trình tự, thủ tục, số lượng DN được sản xuất gia công vàng miếng trong từng thời kỳ để quản lý chặt chẽ hoạt động này.
Hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu được quy định theo hướng hạn chế xuất khẩu trong khi nhập khẩu sẽ phải tuân theo những điều kiện khắt khe.
Việc xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng vàng từ 20K (8,3 tuổi vàng) trở lên phải được NHNN cấp phép. Việc xuất khẩu vàng trang sức có hàm lượng vàng dưới 20K không phải xin phép NHNN.
Dự thảo cũng nêu rõ, ngoài NHNN, chỉ các DN có giấy phép khai thác vàng mới được cấp phép xuất khẩu vàng nguyên liệu do DN khai thác được. Với hoạt động nhập khẩu, giấy phép chỉ được cấp cho một số DN sản xuất trang sức, mỹ nghệ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, DN đầu tư khai thác vàng ở nước ngoài có nhu cầu nhập số vàng đã khai thác về nước...
Cũng theo dự thảo này, NHNN sẽ là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng. NHNN được bổ sung vàng miếng vào dự trữ ngoại hối cũng như can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua việc tổ chức thực hiện sản xuất, mua bán vàng trên thị trường trong nước, xuất nhập khẩu vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
NHNN xây dựng Nghị định về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo chỉ đạo Chính phủ tại Nghị quyết số 11 ban hành ngày 24/2. Theo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới.
Sau gần 20 lần dự thảo, bản dự thảo cuối cùng đã được Ngân hàng Nhà nước gửi tới một số bộ, ngành, doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề để lấy y kiến từ cuối tuần qua, trước khi trình Chính phủ để thông qua vào cuối tháng 6.
Theo Hà Bắc