Vẫn "bí" thông tin về Vietcombank

Nhiều nhà đầu tư đang rất nóng lòng quan tâm đến việc Vietcombank sẽ lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài như thế nào và giá được ấn định bao nhiêu? Tuy nhiên, thông tin trả lời chính thức có thể sẽ khiến nhà đầu tư thất vọng.

"Hai con số" là không có căn cứ!

Thông tin được các câu hỏi săn đón nhất là liệu các con số "vỉa hè" liên quan đến mức giá bán cho đối tác chiến lược của VCB chính xác đến mức nào. Đây cũng là tin tức được thị trường đang xôn xao tìm kiếm cho bằng được bởi với mức giá đó các NĐT có thể suy đoán được giá chào bán trong đợt IPO.

Theo bà Tô Kim Ngọc - PGĐ Học viện NH, "hiện VCB đang bán cho NĐT chiến lược với mức giá 2 con số". Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Hà, Phó TGĐ VCB lại khẳng định các tin đồn về giá VCB bán cho đối tác chiến lược thời gian vừa qua là không có căn cứ. Hiện tại VCB vẫn đang trong quá trình hoàn tất việc đàm phán và chưa có kết quả cuối cùng về giá bán.

Tuy nhiên, cuộc trao đổi của các chuyên gia ngành NH cũng đem lại khá nhiều thông tin bổ ích xung quanh việc IPO VCB.

Theo ông Lê Đắc Sơn, TGĐ VPBank, giá CP VCB phụ thuộc vào phần thặng dư thu về từ việc bán ra cổ phần cho NĐT chiến lược nước ngoài và NĐT trong nước. Nếu những thông số này được Nhà nước công bố trước thì có thể xác định được giá VCB, nhưng hiện nay, vấn đề này vẫn là ẩn số, nên chưa đủ căn cứ để khẳng định giá VCB là bao nhiêu.

Ông Johan Nyvene, TGĐ CTCK  TPHCM (HSC) thì cho rằng giá đấu của các NĐT nước ngoài sẽ thấp hơn giá đấu giá của các NĐT trong nước nhưng một thời gian sau giá CP VCB sẽ điều chỉnh tăng.

"Tôi nghĩ chiều hướng sẽ ngược lại với dự đoán của bạn. Các NĐT tổ chức và nước ngoài sẽ có đánh giá giá trị CP VCB xác thực hơn. Trong khi đó các NĐT cá nhân và trong nước sẽ có chiều hướng bầy đàn và kỳ vọng nhiều hơn.", ông Johan Nyvene nói.

Liên quan đến việc định giá VCB, nhất là định giá thương hiệu, bà Hà cho biết Credit Suisse là nhà tư vấn tài chính của VCB đã chọn các phương pháp tổng hợp để xác định giá trị của VCB.

Thương hiệu không được đề cập như một tài sản độc lập để tính toán, mà được xem xét tổng hòa trong các phương pháp xác định giá trị khác nhau. Giá trị sổ sách của VCB tính đến 31.12.2006 là 11.127.248 triệu đồng.

Về các chỉ tiêu tài chính, nhất là tỉ lệ nợ xấu thấp, bà Hà khẳng định VCB trong nhiều năm gần đây đã thuê các Cty kiểm toán quốc tế thực hiện việc kiểm toán. Tỉ lệ nợ xấu theo VAS là 2,3% và IFRS là 5,6%. Vốn điều lệ của VCB là 4.300 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 11.127 tỉ đồng, đây là số đã được kiểm toán quốc tế công nhận.

VCB và thị trường

Đợt IPO VCB tháng 10 này sẽ tác động tới TTCK nói chung và đặc biệt là CP ngành NH, tài chính như thế nào? Theo ông Johan Nyvene, việc đấu giá VCB có ảnh hưởng lớn đến cả thị trường chứ không chỉ NH.

Tuy nhiên, bà Hà lại cho rằng hoạt động này sẽ có ảnh hưởng nhất định nhưng không quá lớn vì mỗi NH được NĐT đánh giá giá trị nội tại và xem xét cung cầu trên thị trường để quyết định giá mua theo kỳ vọng của riêng mình đối với tiềm năng phát triển và giá trị tương lai.

Bà Hà cũng khẳng định, VCB IPO và niêm yết sẽ cung cấp một loại hàng hóa "top blue-chip" chào sàn với khối lượng giao dịch lớn sẽ là một tín hiệu vui cho các NĐT, hứa hẹn các phiên giao dịch sôi động, kích hoạt thị trường phát triển mạnh hơn nữa. Sau khi chính thức hoàn tất quá trình CPH, VCB sẽ tiến hành ngay các bước tiếp theo để thực hiện niêm yết CP tại HOSE.

Bà Ngọc thì cho rằng mức giá bán cho đối tác chiến lược cao chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới giá CPNH trên thị trường niêm yết và OTC, nhưng một sự ảnh hưởng tới giá CP chung sẽ không xảy ra.

Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng chưa thể nói rõ bởi sự tồn tại của các NHCP hàng đầu trên thị trường đã khẳng định được vị trí của nó và đã thể hiện được sự hấp dẫn của nó đối với một lượng người đầu tư nhất định.

Theo Nam Nguyễn
Báo Lao động