VAMC đã mua vào 95.000 tỷ đồng nợ xấu từ đầu năm

(Dân trí) - Giữa bối cảnh VAMC thành lập trong điều kiện nguồn lực tài chính không có, vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, nên phương thức hoạt động với VAMC thời điểm hiện nay theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp.

 
Theo thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng công bố tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra chiều 29/10, trong 10 tháng đầu năm, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua vào được khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu.
 
Theo bà Hồng, nguyên nhân dẫn đến nợ xấu xuất phát từ nhiều phía, trong đó có cả các tổ chức tín dụng (TCTD) và cả những nguyên nhân từ doanh nghiệp, từ những biến động kinh tế vĩ mô.
 
Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo hệ thống thực hiện nhiều giải pháp nhằm xử lý nợ xấu. Đầu tiên là chỉ đạo các TCTD tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.
 
Thứ hai là yêu cầu các TCTD khi mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả, hạn chế nợ xấu phát sinh thông qua thẩm định phương án trả nợ khả thi của dự án.
 
Thứ ba là sử dụng VAMC. Tuy nhiên, bà Hồng cũng lưu ý, việc thành lập VAMC là một trong nhiều phương án để xử lý nợ xấu của NHNN cũng như của hệ thống ngân hàng. Việc thành lập VAMC không phải là tạo nên một công ty có thể xử lý triệt để được nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
 
Bà Hồng cũng cho biết thêm rằng, kinh nghiệm các nước, khi xử lý nợ xấu cần phải huy động rất nhiều ngân sách, chiếm tới 10-14% GDP, có những nước chiếm đến vài chục phần trăm GDP.
 
Trong khi đó, VAMC thành lập trong điều kiện nguồn lực tài chính không có, vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, nên cách thức mà NHNN đặt ra là VAMC mua nợ xấu của các TCTD và phát hành trái phiếu đặc biệt kỳ hạn 5 năm. Các TCTD có thể sử dụng trái phiếu này để đến vay tái cấp vốn của NHNN.
 
Bằng cách này, NHNN đã hỗ trợ thanh khoản nhất định cho các TCTD, bởi các khoản nợ xấu đó không sinh lời trong khi đó, số tiền các TCTD huy động từ người dân thì vẫn phải trả lãi. Rõ ràng, nếu cứ để nợ xấu như vậy thì sẽ ách tắc tín dụng cho doanh nghiệp.
 
“Như vậy, cách thức hoạt động của VAMC hiện nay là phù hợp giữa bối cảnh chúng ta không có ngân sách để xử lý nợ xấu” – bà Hồng khẳng định.
 
Tuy nhiên, NHNN cũng thừa nhận, qua quá trình hoạt động, công cuộc xử lý nợ xấu của VAMC đang phát sinh những vấn đề vướng mắc. NHNN đã tiến hành rà soát, đánh giá lại những vướng mắc này, chủ yếu liên quan các quy định của pháp luật mà nếu không có chỉnh sửa sẽ gây khó khăn cho hoạt động xử lý nợ xấu.
 
Trên thực tế, nợ xấu của Việt Nam có tài sản đảm bảo có giá trị lớn, tuy nhiên, quá trình xử lý các tài sản đảm bảo lại không suôn sẻ. NHNN dự kiến sẽ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 53 theo hướng khắc phục các vướng mắc, tăng quyền năng cho VAMC và đề xuất tăng vốn điều lệ cho công ty để tăng khả năng mua bán nợ xấu theo giá thị trường.
 
Bên cạnh đó, NHNN cũng đang tích cực phối hợp với các bộ, ban ngành hữu quan nghiên cứu sửa đổi luật, tạo điều kiện cho xử lý nợ xấu. Chẳng hạn như chính sách nhà ở cần hướng cho phép người nước ngoài được tháo gỡ để giải quyết các tài sản thế chấp bằng bất động sản. Luật kinh doanh bất động sản cũng phải được sửa đổi theo hướng tăng cường cho phép chuyển nhượng các dự án bất động sản. Luật doanh nghiệp cần sửa đổi theo hướng tăng cường minh bạch tài chính của doanh nghiệp cũng như quy định trách nhiệm của doanh nghiệp với các khoản nợ xấu của doanh nghiệp tại ngân hàng.
 
Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”