Vạch trần lý do hết xăng của 136 đại lý
Cục Quản lý thị trường vừa cho biết, có tới 136 cửa hàng viện lý do hết xăng vì đầu mối không cung cấp, chiếm 64% tổng số các trường hợp ngừng bán vừa qua. Cục đang làm rõ thực hư nguyên nhân này.
Theo tổng hợp mới nhất của Cục Quản lý thị trường, cả nước có 212 cửa hàng xăng dầu đóng cửa hoặc cắt giảm thời gian bán hàng. Trong đó, có tới 136 cửa hàng viện lý do hết xăng vì đầu mối không cung cấp.
Trong đợt kiểm tra trước ngày tăng giá xăng lần thứ 3 hôm 13/8, cả nước có 82 cửa hàng đóng cửa hoặc cắt giảm thời gian bán hàng trên tổng số 16 địa bàn, tỉnh, thành phố.
Đến đợt tăng giá lần thứ 4 hôm 28/8, số cửa hàng xăng dầu đóng cửa và cắt giảm thời gian bán đã tăng lên con số 130 và diễn ra ở 25 tỉnh, thành phố.
Qua rà soát phân loại, Cục Quản lý thị trường cho biết, việc ngừng bán xăng dầu có tới 9 loại lý do khác nhau.
Số cửa hàng này được thống kê lên tới 136 đơn vị và chiếm tới 64% tổng số các trường hơp ngừng bán. Trong đó, đứng đầu là Hà Nội có 19 cửa hàng, Đồng Nai có tới 16 cửa hàng, Vĩnh Phúc có 8 cửa hàng, Thừa Thiên- Huế 6 cửa hàng, Bình Thuận 5 cửa hàng...
Danh sách chi tiết về các cửa hàng này cho thấy, lý do hết hàng liên quan đến nhiều thương hiệu xăng dầu như Mipec, PVOil, Petrolimex, Petec, Thanh Lễ, Mipeco, Petimex...
Đây là lý do đang gây nhiều tranh cãi nhất và cũng tiềm ẩn hành vi găm hàng đầu cơ. Hiện, Cục Quản lý thị trường đang tiến hành tổng rà soát toàn bộ hệ thống phân phối bán lẻ xăng dầu, làm rõ nguyên nhân hết xăng để xác định hành vi vi phạm.
Cụ thể, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra kỹ hồ sơ đăng ký hệ thống phân phối toàn bộ tổng đại lý và đại lý kinh doanh xăng dầu, tổng kiểm tra các điều kiện kinh doanh, kiểm tra các hợp đồng của đại lý, tổng đại lý.
Đặc biệt, đối với những cửa hàng, tổng đại lý vừa qua đã ngừng bán hoặc cắt giảm sản lượng hàng cung ứng, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra cụ thể từng hợp đồng, chứng từ xuất nhập hàng, đối chiếu các hóa đơn, phiếu xuất kho của nơi bán đối với các tổng đại lý và đại lý để làm rõ trách nhiệm các bên.
Với 76 cửa hàng xăng dầu đóng cửa còn lại, Cục Quản lý thị trường cho biết, những lý do khách quan hi hữu thường chiếm số ít. Ví dụ, cả 2 đợt kiểm tra chỉ có 7 cửa hàng đóng cửa vì sự cố mất điện, hỏng hóc máy móc, thiết bị, 6 cửa hàng ngừng bán do gia đình chủ cây xăng hoặc nhân viên có tang, tổ chức đám cưới hoặc bị tai nạn, 9 cửa hàng chỉ bán hàng trong thời gian niêm yết trước đã đăng ký nên ngoài thời gian niêm yết thì cửa hàng đóng cửa, không bán .
Đối với các lý do mang tính thương mại, số các cửa hàng xăng dầu đóng của cao hơn, như có tới 25 cửa hàng nghỉ bán từ trước được báo cáo do kinh doanh thua lỗ, đã chuyển nhượng cửa hàng hoặc chuyển đổi kinh doanh, sửa chữa mặt bằng... Riêng trường hợp này, quản lý thị trường đã xác minh thực tế các đơn vị này đã có thông báo nghỉ bán hàng từ trước.
Ngoài ra, đợt kiểm tra ghi nhận có 9 cửa hàng ngừng bán do tranh chấp hợp đồng giữa đại lý với đơn vị cung ứng xăng dầu như nợ tiền, không có tiền nhập hàng..., 6 cửa hàng lại nghỉ bán do bị cơ quan Nhà nước đình chỉ kinh doanh hoặc yêu cầu ngừng kinh doanh.
Cho tới thời điểm hiện nay, vẫn có 9 cửa hàng ngừng bán nhưng chưa có lý do rõ ràng, hiện quản lý thị trường vẫn đang xác minh.
Đứng đầu về số cửa hàng ngừng bán xăng, giảm thời gian bán là tỉnh Bình Dương có 33 cửa hàng, tỉnh Đồng Nai có 23 cửa hàng, Hà Nội 22 cửa hàng, Tp HCM 17 cửa hàng.
Theo Phạm Huyền
VEF