Ủy ban Kinh tế: Cảnh báo nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng

(Dân trí) - Ghi nhận những kết quả tích cực mà chính sách thắt chặt tiền tệ đưa ra trong việc chặn đứng được đà lạm phát, ổn định tỉ giá, Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho thấy, đằng sau chính sách có nhiều hệ lụy.

Bản Báo cáo kinh tế vĩ mô thường niên 2012 "Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu" của Nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô thực hiện trong khuôn khổ Dự án "Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) mới đây đã được chính thức công bố.

Xuất hiện các vấn đề trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ

Tại chương 3 "Bất ổn thị trường tài chính", đánh giá về chính sách tiền tệ 2011, nhóm tác giả ghi nhận, Chính phủ đã chặn đứng được đà tăng của lạm phát kể từ sau tháng 8. Tỉ giá VND/USD cũng đã ổn định trở lại.

Tuy nhiên, cùng với đó lại xuất hiện một loạt những vấn đề trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, trong đó, chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến cho tốc độ tăng trưởng cung tiền (M2), huy động và tín dụng đều giảm mạnh.

Một phần nợ quá hạn sẽ chuyển thành nợ xấu cho năm sau.

Một phần nợ quá hạn sẽ chuyển thành nợ xấu cho năm sau.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng căng thẳng. Nhiều thời điểm, theo quan sát của nhóm nghiên cứu, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên đến 30%. Thời điểm cuối năm, để vay trên thị trường ngân hàng, các ngân hàng còn phải có tài sản thế chấp.

Cũng do hệ quả của chính sách thắt chặt nên lãi suất cho vay tăng cao và lớn hơn nhiều so lãi suất huy động, dẫn đến các ngân hàng lãi lớn. Trong khi đó, tỉ lệ nợ xấu và nợ quá hạn trên tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng lại tăng mạnh còn tỉ lệ trích lập dự phòng nợ xấu ít hơn so năm trước.

Một phần nợ quá hạn sẽ chuyển thành nợ xấu cho năm sau.


Nếu theo số liệu NHNN, nợ xấu chung của hệ thống ngân hàng năm 2011 đã tăng mạnh lên mức 3,72% từ mức 2,29% năm 2010. Còn số liệu từ báo cáo tài chính riêng lẻ của 8 NHTM trong quý IV thì chỉ có Vietcombank là giảm nhẹ, còn lại tỉ lệ nợ xấu đều tăng cao.

Trong khi nợ quá hạn và nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước ở mức báo động thì tại các nhóm công ty tài chính và cho thuê tài chính, tỉ lệ này lại ở mức nghiêm trọng.

Cụ thể, tỉ lệ nợ quá hạn của các công ty tài chính và cho thuê tài chính năm 2010 đã chuyển thành nợ xấu trong năm 2011. Điều này khiến tỉ lệ nợ quá hạn của nhóm này giảm từ 40,85% xuống 21,06%, nhưng tỉ lệ nợ xấu lại tăng từ 11,38% lên 34,5%.

Điều nguy hiểm hơn, theo các tác giả là nợ quá hạn của nhóm NHTM nhà nước vẫn còn ở mức rất cao 10,43%, giảm rất ít từ mức 13,36% năm 2010. Nợ quá hạn của nhóm này chiếm 61% tổng nợ quá hạn toàn thị trường (trong khi nhóm này chỉ chiếm 50,64% thị phần tín dụng), do đó, nhóm nghiên cứu tỏ ra lo ngại, nếu trong năm nay, nợ quá hạn bị chuyển thành nợ xấu thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tính thanh khoản.

Cuối 2011, nợ quá hạn đã tăng mạnh, với mức dư nợ quá hạn tại thời điểm 31/12/2011 chiếm 11,09% tổng dư nợ, tăng 3,32% so 2010. Trong số các ngân hàng niêm yết, tỉ lệ nợ quá hạn tăng nhanh nhất là Habubank, tiếp đến là Vietcombank (tăng từ 4,27% năm 2010 lên 8% năm 2011) - Các tác giả cuốn báo cáo khẳng định: "chắc chắn một phần nợ quá hạn tại thời điểm cuối năm 2011 sẽ chuyển thành nợ xấu năm 2012".

Cũng theo nhóm nghiên cứu này, một hiện tượng nghiêm trọng trong năm 2011 là nợ quá hạn tăng mạnh trên thị trường liên ngân hàng. Theo đó, nợ quá hạn trên thị trường liên ngân hàng tại thời điểm 31/12/2011 đã tăng 94,24% so với 2010 và chiếm 10,84% tổng dư nợ.

Mặc dù chỉ ra nợ quá hạn và nợ xấu có xu hướng tăng cao, nhưng bản Báo cáo cũng cho thấy,  tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu lại có xu hướng giảm.

Nếu trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, không ít TCTD sẽ thua lỗ vào 2012

Số dư dự phòng rủi ro tín dụng tại thời điểm cuối năm 2011 bằng 62,81% tổng nợ xấu và so năm 2010 giảm 17,15%. Tỉ lệ dự phòng trên nợ xấu và nợ quá hạn tại khu vực NHTM nhà nước và nhóm công ty tài chính và cho thuê tài chính đều giảm.

"Nếu thực hiện phân loại nợ và trích lập đủ dự phòng rủi ro theo đúng quy định thì kết quả kinh doanh của nhiều TCTD sẽ sụt giảm mạnh. Không ít tổ chức tín dụng bị thua lỗ, thậm chí thua lỗ nặng" - nhóm nghiên cứu lưu ý.

Bản báo cáo của UBKT cũng phê, chính sách thắt chặt tiền tệ đã khiến cho thị trường tài sản bao gồm cả thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản bị suy giảm nặng nề. Ngoài ra, tỉ giá mặc dù tương đối ổn định nhưng thị trường vàng vật chất vẫn tác động mạnh đến tỉ giá trong nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới năm 2011 tương đối thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam thì theo các tác giả, nguyên nhân gây ra những vấn đề trên chủ yếu đến từ những bất ổn mang tính cơ cấu tích tụ từ nhiều năm trước.

Những nguyên nhân chính phải kể đến là: chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng trong nhiều năm; sự mất cân đối giữa tổng dư nợ tín dụng và tổng huy động hầu như không được giải quyết; và chính sách biến các ngân hàng thương mại (NHTM) nông thôn thành NHTM thành thị.

Bích Diệp