“Út trọc” bị bắt, “buộc” thay thế nhà đầu tư dự án Trung Lương - Mỹ Thuận
(Dân trí) - Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) khởi công năm 2009. Dù gần 2.000 tỷ đồng được “quẳng” vào dự án, đã qua 2 nhiệm kỳ lãnh đạo, từ khi “Út trọc” bị bắt ngân hàng từ chối giải ngân vốn và đòi thay cổ đông… Tất cả khiến doanh nghiệp dự án “khóc thét” vì chưa biết ngày về… đích.
Ngân hàng “đòi” thay nhà đầu tư
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án trọng điểm quốc gia nằm trong quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam. Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng vốn đầu tư 9.668 tỷ đồng, được khởi công lần đầu vào năm 2009. Chậm tiến độ do thiếu vốn suốt 10 năm, đến nay dự án mới chỉ thực hiện được 15% khối lượng công việc.
Tháng 6/2018, dự án đã ký được hợp đồng tín dụng vay vốn với 4 ngân hàng với khoản vay lên tới 8.126 tỷ đồng. Tuy vậy, vấn đề của dự án này lại tiếp tục nảy sinh do lãi suất “vênh cao”. Sau những “lùm xùm” liên quan đến pháp luật của nhà đầu tư chiến lược dự án là “Út trọc”, phía ngân hàng cũng dừng giải ngân và yêu cầu thay thế nhà đầu tư mà “Út trọc” từng đứng đầu.
Mới đây, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã có văn bản “cầu cứu” gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và đề xuất các giải pháp triển khai tiếp dự án cao tốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đang bế tắc.
Trong văn bản “cầu cứu” này, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận cho bổ sung Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (DCG) vào liên danh, thay thế Công ty TNHH Yên Khánh (là 1 trong 6 công ty trong liên danh, đóng góp 30% vốn cho tổng dự án).
Ông Phan Anh Dũng - Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết: “Lí do phải bổ sung và thay thế nhà đầu tư vì Công ty Yên Khánh đang liên quan đến nhiều vụ án hình sự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Đặc biệt, các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án yêu cầu phải thay thế nhà đầu tư Yên Khánh và xác định đây là điều kiện tiên quyết để giải ngân vốn tín dụng.”.
Cũng theo ông Phan Anh Dũng, những vấn đề nói trên khiến dự án vốn đã bế tắc lại thêm “lụt” hơn, khó hoàn thành vào tháng 9/2020 theo kế hoạch và dự án sẽ bế tắc nếu không có điều chỉnh thay đổi nhà đầu tư, tái cơ cấu vốn.
Cách nào “giải cứu” dự án “tai tiếng”?
Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận trong kiến nghị nhấn mạnh tới một nội dung cần “giải cứu” được nêu còn là tháo gỡ những vướng mắc về lãi suất vay tín dụng, phương án tài chính. Đáng chú ý, doanh nghiệp này đã đề xuất chuyển đổi cơ quan nhà nước quản lý dự án từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang.
Sau 10 năm triển khai dự án, đình trệ, rồi khởi động lại, rồi đình trệ, rất nhiều người sốt ruột với tốc độ “rùa bò” của dự án cao tốc huyết mạch nối TPHCM với miền Tây Nam Bộ.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 16/2, ông Vũ Minh Hoàng - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị được mời thay thế công ty Yên Khánh tham gia dự án) - cho rằng: Việc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền có nhiều ưu điểm để thúc đẩy dự án này hoàn thành.
“Chuyển giao dự án từ Bộ GTVT về tỉnh Tiền Giang sẽ thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, vì địa phương là đơn vị sâu sát nhất. Đây là sản phẩm phục vụ lợi ích của người dân, phục vụ lợi ích phát triển kinh tế xã hội tại địa phương nên công tác quản lý sẽ được quan tâm. Hiện, Tổng công ty Cửu Long vừa là đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vừa là đơn vị tư vấn là chưa hợp lý”. - ông Hoàng nói.
Theo ông Vũ Minh Hoàng, Đèo Cả có kinh nghiệm “giải cứu” cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, là đơn vị tăng cường năng lực quản trị dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nên có đề xuất với cơ quan chức năng những giải pháp cụ thể để thực hiện dự án, trong đó có việc mời kiểm toán nhà nước vào làm việc và xác lập những gì đã diễn ra, cần sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an vì Công ty Yên Khánh liên quan đến các vụ án hình sự để nhằm minh bạch hóa, gỡ vướng mắc thúc đẩy việc xây dựng dự án sớm hoàn thành.
Châu Như Quỳnh