Unilever bị dọa cưỡng chế thu 575 tỷ đồng tiền thuế

(Dân trí) - Cục thuế TPHCM ra văn bản yêu cầu Unilever cung cấp thông tin về tài khoản để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong toả tài khoản theo quy định.

Unilever bị dọa cưỡng chế thu 575 tỷ đồng tiền thuế - Ảnh 1.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước từng nhiều lần lên tiếng "tố" Unilever không chịu cung cấp tài liệu miễn trừ thuế.

Liên quan đến vụ truy thu 575 tỷ đồng tiền thuế đối với Unilever, những ngày đầu tháng 12 vừa qua, cơ quan thuế đã có công văn gửi tới doanh nghiệp ngày yêu cầu nộp bổ sung tiền thuế về Kho bạc Nhà nước.

Cụ thể, ngày 7/12, trong công văn gửi Unilever, Cục thuế TPHCM cho biết, Kết luận Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp của Unilever do đầu tư mở rộng giai đoạn 2009-2013 là hơn 575 tỷ đồng.

Do đó, Cục thuế TPHCM yêu cầu Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam nộp ngay số thuế trên vào tài khoản của Cục thuế mở tại Kho bạc Nhà nước.

“Trường hợp Công ty không chấp hành việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên thì Cục thuế TPHCM sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế về thuế theo quy định của pháp luật”, văn bản của cơ quan thuế nêu rõ.

Tiếp đó, đến ngày 12/12, Cục thuế TPHCM tiếp tục ra một văn bản nữa yêu cầu Unilever cung cấp thông tin về tài khoản để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong toả tài khoản theo quy định.

Sau những động thái trên từ cơ quan thuế, Unilever đã gửi công văn “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ. Tại công văn này, Unilever cho biết, vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan tới đầu tư mở rộng của Unilever đã được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 6/10/2018 yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính phối hợp báo cáo Chính phủ phương án giải quyết thoả đáng vướng mắc của doanh nghiệp do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế TNDN giai đoạn trước 2014.

“Chúng tôi đã chủ động giải trình Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Đồng thời kiến nghị cơ quan thuế chưa thực hiện hay ra bất kỳ quyết định nào ảnh hưởng bất lợi cho doanh nghiệp trong thời gian Chính phủ xử lý vụ việc”, công văn của Unilever cho biết.

Unilever kiến nghị Thủ tướng "khẩn cấp chỉ đạo các Bộ ngành liên quan không thực hiện cưỡng chế doanh nghiệp để chờ kết luận của Chính phủ”.

“Vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp mà Unilever đang gặp phải do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế TNDN giai đoạn trước năm 2014 là vấn đề chung nhiều công ty đang kiến nghị Thủ tướng giải quyết, nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và giới ngoại giao. Chúng tôi mong vấn đề này sớm được giải quyết thấu đáo, đảm bảo lợi ích của các bên”, Unilever cho biết.

Phương Dung

Unilever bị dọa cưỡng chế thu 575 tỷ đồng tiền thuế - Ảnh 2.