Ứng dụng đàm phán ngoại giao trong kinh doanh

(Dân trí) - Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) - Trường Đại học FPT phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA) và Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) vừa tổ chức Hội thảo “Ứng dụng đàm phán ngoại giao trong đàm phán kinh doanh”.

Nguyên Phó Thủ Tướng Vũ Khoan, người có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ và quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam chủ trì hội thảo.
 
Tại hội thảo, các doanh nhân đã được chia sẻ, nâng cao các kỹ năng, kinh nghiệm đàm phán. Đặc biệt, đây cũng là dịp giúp các doanh nhân gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
 
Ứng dụng đàm phán ngoại giao trong kinh doanh - 1
Nguyên Phó Thủ Tướng Vũ Khoan chủ trì hội thảo

Chuyên gia kinh tế Phạm Quang Ngọc chia sẻ: “Trong nền kinh tế tri thức hiện nay, để phát triển bền vững thì quan điểm của doanh nghiệp về đàm phán cần có sự thay đổi. Vấn đề không phải là đàm phán để phân chia một chiếc bánh đã có mà phải hướng tới việc tạo ra nhiều giá trị cho các bên làm cho chiếc bánh đó lớn hơn. Qua đàm phán thì lợi ích thu được cả 2 bên đều nhiều hơn lợi ích mà họ đã biết trước đó”.

Tâm thế bị động, thiếu chuẩn bị về con người và thông tin đối tác là điểm yếu của không ít doanh nhân Việt trong bàn đàm phán. Đây cũng là nguyên nhân thất bại của họ khi tham gia đấu thầu nhiều hợp đồng lớn.

Nếu trong cuộc sống hàng này, đàm phán là một phần quan trọng để bày tỏ quan điểm cá nhân, thì trong kinh doanh, nó lại có vai trò tối quan trọng đối với sự thành bại của một doanh nghiệp. Đàm phán không tốt, công ty có thể mất đi khách hàng. Vì thế, công tác “Đàm phán trong kinh doanh” là kỹ năng không thể thiếu với các doanh nhân.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến cuộc đàm phán thất bại là do doanh nghiệp thiếu chuẩn bị. Có doanh nghiệp khi bước vào đàm phán mới dò hỏi thông tin về đối tác, trong khi họ cần phân tích kỹ lưỡng các thông tin tương tự từ trước đó.

Với bề dày kinh nghiệm trong nhiều cuộc thương thuyết, đàm phán mang tính quyết định tới tương lai của quốc gia, Nguyên Phó Thủ Tướng Vũ Khoan cho biết: “Trong đàm phán, khâu chuẩn bị là quan trọng nhất. Khâu này gồm 3 bước là chuẩn bị đề án, dàn xếp đồng thuận nội bộ, tổ chức đoàn đàm phán. Đặc biệt, trước khi tham gia bất gì một cuộc thương lượng nào, doanh nghiệp cần phải xác định phương án được ưu tiên nhất khi không đạt được thỏa thuận”.

Hồng Hạnh