1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ùn ứ hàng nghìn container tại cửa khẩu: Ai đang thu phí kho bãi?

Hoàng Dung

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp, lái xe than "ốm đòn" với mức phí kho bãi ở cửa khẩu khi các xe hàng hóa phải nằm dài ở đây vì chưa được thông quan.

Tài xế "ốm" vì phí kho bãi

Tại họp báo chuyên đề tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc diễn ra vào chiều nay (21/12), ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), cho rằng, cơ quan Hải quan không thu các loại phí kho bãi tại cửa khẩu khi các xe hàng nằm dài tại đây nhiều ngày. Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quân, phí này do các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi trên địa bàn tỉnh thu.

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh tìm cách giảm các loại phí này để chia sẻ chi phí với doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, cũng cho rằng, việc thu phí bến bãi, kho bãi ở cửa khẩu là do các doanh nghiệp ở tỉnh thực hiện. Các doanh nghiệp đã xây dựng các mức phí và trình lên Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn phê duyệt. Trước đây, doanh nghiệp thu phí theo ngày là bình thường.

Tuy nhiên, gần đây, do tình trạng ùn tắc hàng hóa kéo dài, nhiều tài xế phải ở lại cửa khẩu tới 20 ngày thì mức phí gây nhiều khó khăn. Do đó, cơ quan Hải quan Lạng Sơn cùng các cơ quan chức năng liên quan đã kiến nghị lên Ủy ban tỉnh đề nghị Sở Tài chính Lạng Sơn phê duyệt lại mức thu phí cho hợp lý.

Ùn ứ hàng nghìn container tại cửa khẩu: Ai đang thu phí kho bãi? - 1

Hàng nghìn xe hàng ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn từ nhiều ngày nay (Ảnh: Nam Trần/PNM).

Đầu tháng 6, cơ quan Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh bãi phải xây dựng chỗ ăn nghỉ an toàn cho lái xe để phòng chống dịch Covid-19. Thế nên các doanh nghiệp này đã dựng các nhà lán tạm trú và thu phí để phục vụ công tác ăn ngủ, vệ sinh. Tuy nhiên, theo nhiều phản ánh, mức phí này khá cao nên các cơ quan chức năng đang xem xét lại và tìm hướng giải quyết.

Về phía Quảng Ninh, ông Trần Quang Trung - Phó cục trưởng Cục Hải Quan tỉnh Quảng Ninh cho biết, tình trạng ách tắc hàng hóa ở cửa khẩu địa phương không nghiêm trọng như Lạng Sơn.

Tính đến hết ngày 21/12, tại cầu Bắc Luân II còn tồn 346 xe chờ xuất khẩu, trong đó có 276 xe chở hoa quả và 70 xe chở đồ gỗ mỹ nghệ. Tại khu vực Lối mở Cầu phao Km3+4 còn 1.188 xe chưa thông quan, trong đó, hàng thủy hải sản đông lạnh là 940 xe, hàng nông sản là 248 xe.

Trước đó, việc thu phí kho bãi ở Quảng Ninh được áp dụng tại phía lối mở Cầu Phao Km 3+4 với hàng xuất khẩu nông thủy sản là 200.000 đồng/ngày còn hiện tại, giảm còn 100.000 đồng/ngày. Còn tại bãi tập kết trước đây, phương tiện vào thu 400.000 đồng/ngày, phương tiện đã lưu hồ sơ chỉ thu 200.000 đồng/ngày.

Giải quyết ùn ứ bằng cách nào?

Về giải quyết ùn tắc hàng hóa ở cửa khẩu dài hạn, ông Tường cho biết, tỉnh Lạng Sơn đang cho đầu tư, xây dựng khu trung chuyển hàng hóa tập trung. Đây cũng là giải pháp được Tổng cục Hải quan đưa ra với mục đích là để hàng hóa lên biên giới có thể xuất khẩu ngay, giảm ùn tắc ở cửa khẩu vì một số thủ tục thông quan đã được thực hiện ở khu trung chuyển.

Liên quan đến việc chia đều hàng hóa ra các cửa khẩu để thông quan nhanh hơn, giảm thiểu tình trạng ùn ứ, ông Âu Anh Tuấn cho rằng, giải pháp này là không khả thi do sự ràng buộc mua bán thương mại giữa 2 bên. 

Lý do khách quan tiếp theo là liên quan đến giao thông. Các tuyến đường Lạng Sơn, Quảng Ninh thuận lợi hơn nhiều so với tuyến Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng nên hay được người bán và người mua lựa chọn. Do đó, để thay đổi tập quán mua bán giữa phía Việt Nam - Trung Quốc bằng việc chia đều hàng hóa ở các cửa khẩu là khó và nếu có thực hiện thì cũng cần có thời gian.

Còn về giải pháp lâu dài, Tổng cục Hải quan sẽ kiến nghị Bộ Công Thương, các bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng được các hiệp định thương mại đã ký, Việt Nam cần thêm nhiều thời gian do hàng hóa muốn xuất khẩu sang các nước tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU thì yêu cầu chất lượng rất khắt khe.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm