Uber, Grab không làm giảm tắc đường, thậm chí ngược lại

(Dân trí) - “Mục tiêu giảm lưu lượng xe trên đường, giảm tắc đường thì Uber, Grab không làm được thậm chí, đây là nguyên nhân gây tắc đường”.

PGS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải. (Ảnh: Hồng Vân)
PGS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải. (Ảnh: Hồng Vân)

Đó là nhận định của PGS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải tại cuộc hội thảo Xây dựng khung pháp lý cho dịch vụ công nghệ kết nối vận tải diễn ra chiều nay (29/11) tại Hà Nội.

“Chúng ta phải nhìn nhận thẳng vào vấn đề rằng đây chỉ là sự thay thế cho taxi truyền thống”, ông Sùa nói.

Theo đó, vị giáo sư này cho biết rất nhiều thành phố tại Việt Nam và trên thế giới nói không với Uber, Grab vì khuyết điểm đó. Thêm nữa, hai năm rồi nước ta mới xây khung pháp lý cho taxi công nghệ thì có quá chậm hay không?

Đồng tình với ông Sùa, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết ông hoàn toàn đồng ý rằng Uber, Grab không giúp giảm tải số lượng xe vì từ khi dịch vụ taxi công nghệ này bùng nổ, nhiều người đã mua xe để chạy Uber, Grab mà những dịch vụ này lại chỉ chạy một chiều.

Do đó, những dịch vụ taxi công nghệ này không làm giảm tắc đường, thậm chí còn làm tình trạng này trầm trọng hơn.

Bởi vậy, số lượng phương tiện vận tải tiếp tục gia tăng, đè nặng hạ tầng giao thông.

Để giải quyết vấn đề này, ông Phong cho rằng cần rà soát và tăng biện pháp phạt với những xe chạy 1 chiều như Grab, Uber. Bên cạnh đó cần có những chính sách khuyến khích và tạo sự kết nối để giảm tải các phương tiện lưu thông.

“Về lý thuyết, xe chạy 2 chiều thì có lợi hơn cho xã hội, cho nên theo tôi, nên bổ sung thêm những quy định như xe chạy 2 chiều đánh thuế ít hơn, xe chạy rỗng, 1 chiều như Grab, Uber hiện nay đánh thuế nhiều hơn. Với tinh thần đó, ngành vận tải chắc chắn đều cố gắng chạy 2 chiều và bỏ 1 chiều”, ông Phong nói.

TS. Nguyễn Minh Phong trả lời báo chí bên lề cuộc hội thảo chiều nay (29/11). (Ảnh: Hồng Vân)
TS. Nguyễn Minh Phong trả lời báo chí bên lề cuộc hội thảo chiều nay (29/11). (Ảnh: Hồng Vân)

Bên cạnh đó, ông Sùa cho biết, vai trò trọng tài của các cơ quan quản lý là rất quan trọng.

Lấy dẫn chứng, ông Sùa nói có điều bất hợp lý nhất là có một số đoạn đường taxi truyền thống bị cấm mà taxi công nghệ không bị cấm nên họ tối ưu được hành trình, tối ưu được giá cước cho nên khách hàng rất ủng hộ họ.

Tuy nhiên, đối với khung pháp lý, nếu đã cấm là phải cấm cả taxi truyền thống lẫn công nghệ. Vì vậy cho nên Uber, Grab cần có nhận diện thương hiệu để đảm bảo tính minh bạch, công khai và bình đẳng giữa các loại hình với nhau.

Vì nhận diện thương hiệu là ta chưa thống nhất nên chúng tôi hy vọng có 1 bộ pháp lý cho taxi công nghệ, tạm gọi là như vậy, và nó phải hài hòa với khung pháp lý của taxi truyền thống hiện nay.

Điều này cũng khiến các hãng taxi truyền thống phải tự đổi mới mình, các đơn vị có thẩm quyền liên quan cũng xây dựng được khung pháp lý hợp lý.

Về vấn đề quyền lợi của người vận chuyển và khách hàng, nhiều chuyên gia tại hội thảo cho biết, taxi truyền thống thì mua bảo hiểm cho hành khách và bảo hiểm tai nạn nhưng Uber và Grab thì nếu người vận chuyển không mua bảo hiểm rủi ro tai nạn thì hành khách có thể mất quyền lợi. Đó là điều chưa bình đẳng giữa hai loại hình dịch vụ này.

Theo đó, ông Phong gợi ý có hai hình thức để đảm bảo quyền lợi của hành khách khi sử dụng taxi công nghệ là buộc các xe tham gia đăng kiểm đầy đủ, thứ hai là buộc những lái xe công nghệ phải mua bảo hiểm cho người đi kèm.

“Với 2 quyền lợi này thì chắc chắn quyền lợi của hành khách sẽ được đảm bảo”, ông Phong cho hay.

Hồng Vân