Doanh nghiệp tuần qua:

Tỷ phú Vượng muốn trồng hoa; Cường "Đô La" cho công ty vay tiền

Mai Chi

(Dân trí) - Tuần vừa qua là cao điểm thông tin về kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết. Vingroup lập kỷ lục mới về doanh thu, Quốc Cường Gia Lai tăng lãi gấp 2,5 lần. Vinhomes muốn trồng hoa, trồng rau.

Ông Nguyễn Quốc Cường cho Quốc Cường Gia Lai vay 30 tỷ đồng

Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, cũng là quý đầu tiên ông Nguyễn Quốc Cường làm Tổng giám đốc (từ ngày 23/7).

Báo cáo cho thấy ông Cường cho công ty vay 30 tỷ đồng, tính đến ngày 30/9. Các kỳ kế toán trước đây, các thành viên khác trong gia đình ông Cường cho công ty vay tiền nhưng ông thì không. Quý III năm nay là quý đầu tiên công ty phát sinh giao dịch này với ông Cường.

Cũng tại ngày 30/9, bà Nguyễn Thị Như Loan - mẹ ông Cường - cho công ty vay 2 tỷ đồng. Bà Nguyễn Ngọc Huyền My - em gái ông Cường - cho công ty vay 50,7 tỷ đồng.

Cùng với đó, ông Lại Thế Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị và con gái Lại Thị Hoàng Yến, cũng cho công ty vay tổng cộng 53 tỷ đồng.

Quý đầu tiên ông Nguyễn Quốc Cường ngồi "ghế nóng", Quốc Cường Gia Lai báo cáo doanh thu gấp 2,6 lần cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế gấp 2,5 lần, đạt lần lượt 178 tỷ đồng và hơn 25 tỷ đồng.

Tỷ phú Vượng muốn trồng hoa; Cường Đô La cho công ty vay tiền - 1

Ông Nguyễn Quốc Cường cho công ty mượn tiền (Ảnh: Quang Anh).

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu QCG có chuỗi tăng mạnh 3 phiên liền, đóng cửa phiên cuối tuần tại 12.200 đồng, ghi nhận mức tăng gần 12% trong vòng một tuần qua và tăng gần 71% chỉ sau một tháng. Tính trong 3 tháng, QCG tăng giá hơn 78%, theo đó, tài sản của các cổ đông và nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này cũng tăng tương ứng. 

Bán hơn 44.000 ô tô VinFast, Vingroup lập kỷ lục mới về doanh thu

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 vừa được Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) phát hành, quý vừa rồi, doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mang về 62.850 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng mạnh 31% so với cùng kỳ, thiết lập một mức kỷ lục mới .

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong quý III, phần lớn doanh thu thuần của Vingroup vẫn đến từ mảng bất động sản.

Trong số gần 62.900 tỷ đồng doanh thu thuần quý III của tập đoàn thì doanh thu chuyển nhượng bất động sản đã đóng góp tới 38.929 tỷ đồng, tăng gần 29% so với cùng kỳ. Doanh thu cho thuê bất động sản đầu tư và cung cấp các dịch vụ liên quan giảm mạnh 98% còn 356 tỷ đồng. Doanh thu cung cấp dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan đạt 2.552 tỷ đồng, tăng hơn 7%.

Doanh thu hoạt động sản xuất ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, mang về cho Vingoup 14.082 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ.

Lãi sau thuế quý III đạt 2.015 tỷ đồng, tăng vọt 255% tương ứng gấp gần 3,6% cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 126.916 tỷ đồng, bằng 95% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái, lên mức 4.069 tỷ đồng.

Vinhomes của tỷ phú Vượng muốn trồng rau, trồng hoa, vệ sinh công nghiệp

Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông.

Hội đồng quản trị Vinhomes trình đại hội đồng cổ đông xem xét và thông qua việc bổ sung một số ngành nghề như trồng rau, đậu các loại và trồng hoa; trồng cây lâu năm khác; hoạt động của trụ sở văn phòng; vệ sinh công nghiệp và các công trình chuyên biệt; dịch vụ chăm sóc và duy trì cảnh quan.  Thời gian lấy ý kiến là từ ngày 23/10 đến 23/11.

Việc xin bổ sung ngành nghề kinh doanh của Vinhomes được đưa ra trong bối cảnh công ty cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III. Công ty này đạt 33.323 tỷ đồng lãi thuần và lãi sau thuế 8.980 tỷ đồng, lần lượt tăng 1,8% và giảm 16% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, Vinhomes đạt 20.600 tỷ đồng lãi hợp nhất, bằng 64% cùng kỳ. 

Bầu Đức: "Chết ở đâu đứng dậy ở đó"

Phát biểu tại một sự kiện diễn ra hôm 2/11 của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG), ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) trải lòng về chuyện từng thất bại với nông nghiệp và cũng "sống lại" nhờ nông nghiệp.

Ông Đức tóm gọn những thăng trầm bằng câu nói: "Từ giai đoạn đỉnh cao rồi xuống hố sâu, phát triển vực dậy cũng đều từ nông nghiệp. Đây là quá trình dài, phức tạp, không hề đơn giản".

Tỷ phú Vượng muốn trồng hoa; Cường Đô La cho công ty vay tiền - 2

Bầu Đức trải lòng về những thăng trầm với nông nghiệp (Ảnh: HAGL).

Bầu Đức nhắc lại năm 2016, tập đoàn mất thanh khoản, không tiền trả lãi, không tiền trả lương. Từ một công ty từ vực cao, Hoàng Anh Gia Lai rơi xuống vực thẳm. Nhìn lại, bầu Đức nói vẫn tự hào vì Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam dám tuyên bố mất thanh khoản. Lúc bấy giờ, tập đoàn nợ tới 32.000 tỷ đồng. Tham vọng đưa Hoàng Anh Gia Lai là tập đoàn nông nghiệp hàng đầu khu vực nhưng không thành.

"Lúc bấy giờ nhiều người nói ông Đức không biết quản trị, không biết quản lý. Mình là kẻ thua, chỉ biết gục đầu xuống, lặn sâu không nói gì", ông trải lòng về biến cố. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng trên thương trường, còn kinh doanh là còn thắng, còn kinh doanh là còn thua, rủi ro luôn hiện hữu.

Sau cú sốc về giá cao su năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai quyết định "chết ở đâu đứng lên ở đó", chuyển đổi từ con số 0. Tập đoàn lựa chọn lấy ngắn nuôi dài, trồng cây ngắn ngày lấy tiền như ớt, chuối, chanh dây. Trong đó, cây chuối đã cứu Hoàng Anh Gia Lai thoát khỏi cái khổ, cái khó. Từ không có gì, đến nay tập đoàn đầu tư đến 7.000 cây chuối, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về diện tích, chiếm thị phần ở Hàn Quốc, Nhật Bản...

Sau chuối, Hoàng Anh Gia Lai đã chuyển qua cây sầu riêng. Tập đoàn đến nay có 3 loại chủ lực trái cây là chuối, sầu riêng, bưởi. Ngoài ra, Tập đoàn còn nuôi heo, gà; đang nuôi cá tầm và cá hồi, chưa thu hoạch tạo dòng tiền, có thể có kết quả vài tháng nữa. 

"Vua cà phê" Trung Nguyên đứng thứ mấy về xuất khẩu?

Niên vụ 2023-2024 thị trường cà phê Việt Nam và thế giới chứng kiến cơn bão giá chưa từng có, lập kỷ lục cao nhất trong vòng hơn 30 năm qua. Điều này khiến sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm 12,7% về lượng nhưng tăng 33% về giá trị so với niên vụ trước đó.

Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong niên vụ này (kéo dài từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024), Việt Nam xuất khẩu 1,46 triệu tấn cà phê, kim ngạch đạt gần 5,43 tỷ USD, giảm 12,1% về lượng nhưng tăng 33,1% về giá trị so với niên vụ 2022-2023.

10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có kim ngạch trên 10 triệu USD trong giai đoạn trên là Vĩnh Hiệp, Intimex Group, Louis Dreyfus, Tuấn Lộc Commodities, Simexco Đắk Lắk, Nestlé Việt Nam, Intimex Mỹ Phước, Olam, Volcafe và Sucafina. Trong đó, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp dẫn đầu với kim ngạch đạt hơn 520 triệu USD.

Đáng chú ý, được mệnh danh là "vua cà phê" nhưng Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên - Nhà máy cà phê Sài Gòn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ đứng thứ 16 với kim ngạch đạt hơn 114 triệu USD.

Riêng về xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này đạt hơn 9,3 triệu USD, đứng thứ 4 về xuất khẩu. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm