Cuộc chiến bán lẻ:
Tỷ phú Thái tung tiền, đại gia Việt quyết đấu
Đáng chú ý, Nguyễn Kim thế chân Thế Giới Di Động, dồn dập mở cửa hàng điện máy tại Big C. Trước đó, Thế Giới Di Động đã phải rút 22 cửa hàng ra khỏi hệ thống siêu thị BigC sau khi hệ thống siêu thị này lọt vào tay người Thái.
Big C và Metro đang đổi toàn bộ khi về tay chủ mới, trong khi đó các nhà bán lẻ trong nước như Hapro, Vinmart cũng đang tìm hướng đi riêng để tiếp tục giữ vững vị thế trên sân nhà. Thị trường bán lẻ trong năm 2016 không ồn ào các vụ mua bán sáp nhập nhưng vẫn cạnh tranh khốc liệt.
Thay đổi mô hình kinh doanh
Sau khi về tay người Thái, Big C đang trong quá trình thay đổi diện mạo. Theo đó, chiến lược mới của Central Group Việt Nam và Big C là tiếp tục đầu tư thêm các trung tâm thương mại mới và nâng cấp các siêu thị Big C hiện hữu, trở thành các trung tâm thương mại bán lẻ cao cấp. Đại gia Thái sẽ đầu tư khoảng 30 triệu đôla để nâng diện tích mặt bằng cho thuê của tập đoàn này lên gấp đôi so với diện tích cho thuê hiện có là 470.000 m2.
Đáng chú ý, Nguyễn Kim thế chân Thế Giới Di Động, dồn dập mở cửa hàng điện máy tại Big C. Trước đó, Thế Giới Di Động đã phải rút 22 cửa hàng ra khỏi hệ thống siêu thị BigC sau khi hệ thống siêu thị này lọt vào tay người Thái.
Cũng về tay người Thái, Metro trong thời gian qua đã thay đổi hình ảnh. Trong tương lai, TCC Group sẽ đổi tên thương hiệu Metro Việt Nam thành MM Mega Market và sẽ phát triển thương hiệu này thành chuỗi bán buôn tại thị trường Thái Lan. TCC Group sẽ tận dụng hai hệ thống phân phối ở Việt Nam (Metro) và ở Thái Lan (BigC) của mình để hỗ trợ đưa sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Thái Lan và ngược lại.
Metro Việt Nam hiện có 19 trung tâm bán sỉ hoạt động trên toàn quốc, 2 trung tâm trung chuyển, 2 trung tâm chuyên phân phối văn phòng phẩm tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung tâm phân phối rau quả lớn tại Lâm Đồng, trung tâm phân phối cá tươi tại Cần Thơ. Còn Big C Thái Lan có đến hơn 700 điểm kinh doanh, trong đó có 125 đại siêu thị,... TCC Group là một trong những nhà đầu tư Thái Lan lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến trên 1 tỷ USD.
Trong năm qua, Vingroup cũng chuyển mô hình kinh doanh ICT tại các cửa hàng công nghệ Vinpro sang tích hợp ICT và điện máy. Sau một năm rưỡi chạy theo mô hình mở hàng loạt cửa hàng công nghệ Vinpro+ tại các con đường sầm uất, tương tự như cách làm của Thế giới di động, FPT Shop hay Viễn Thông A..., Vinpro quyết định co lại để tập trung vào các Trung tâm điện máy Vinpro quy mô lớn trong hệ thống Vincom.
Hệ thống Trung tâm công nghệ - điện máy này chính thức trình làng vào tháng 3/2015 với 2 mô hình kinh doanh hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, VinPro là các trung tâm công nghệ - điện máy, tọa lạc tại tất cả các trung tâm thương mại thuộc hệ thống Vincom; VinPro là chuỗi cửa hàng công nghệ tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn.
Tham vọng trên sân nhà
Trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ mạnh thì doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải tìm hướng đi riêng. Gần đây, các nhà bán lẻ nội như Satra, Vingroup hay Saigon Co.op đã có những chiến lược phát triển riêng, khai thác thế mạnh để không ngừng mở rộng mạng lưới, hệ thống phân phối của mình.
Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng khốc liệt
Vingroup sau khi gây dựng được hệ thống Vinmart và Vinmart+ tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hà Nôi, đang tham vọng mở rộng kênh bán lẻ trên toàn quốc. Năm 2017, Vingroup dự kiến mở thêm khoảng 70-80 siêu thị Vinmart cùng khoảng 1.500 cửa hàng Vinmart+, đặc biệt là bắt đầu phát triển hệ thống TTTM về các huyện lỵ để tăng độ phủ của mạng lưới. Kế hoạch của 2017 là Vinmart và Vinmart+ phải có mặt được ít nhất 30 tỉnh thành.
Trước thông tin 7-Eleven sẽ mua chuỗi VinMart+ để đạt mục tiêu mở 1.000 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam trong 10 năm tới, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, khẳng định, không bán thương hiệu Việt dù có giá hời. Bán lẻ đang có mục tiêu trở thành ngành kinh doanh mũi nhọn thứ 2 của Tập đoàn.
Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng giám đốc Hapro, cho biết, trước khó khăn, thách thức của ngành kinh doanh bán lẻ như hiện nay thì Hapro đã đưa ra chiến lược kinh doanh như quy hoạch lại hệ thống bán lẻ khi phân thành 2 siêu thị phục vụ cho 2 đối tượng khác nhau.
Từng có thế mạnh về bán hàng truyền thống nhưng Hapro cũng phải chuyển hướng sang mô hình mới trong đó có online. Bên cạnh đó, theo hà Thanh, hướng đi riêng chuyển dịch sang thị trường ngách đó là về nông thôn.
Thế Giới Di Động cũng tham gia vào mảng phân phối bán lẻ với hệ thống Bách hóa Xanh. Tính đến cuối năm 2016, Bách hóa Xanh đang có tổng cộng 50 cửa hàng với doanh thu bán hàng trung bình trên 1 tỷ/cửa hàng và lượng khách trung bình 20 ngàn lượt/tháng. Mục tiêu rõ ràng của Bách hóa Xanh sẽ là doanh thu 2.500 tỷ, tăng 10 lần trong năm 2017 và sẵn sàng cho cuộc chơi lớn từ giữa 2018.
Ngoài việc trực tiếp đến siêu thị như thông thường, khách hàng có thể mua sắm thông qua website hoặc gọi điện đến tổng đài đặt mua, được giao hàng tận nhà miễn phí dưới 4 tiếng đến các địa chỉ trong bán kính 20km tính từ siêu thị gần nhất.
Lãnh đạo Saigon Co.op cho rằng để giải quyết khó khăn của mình, từ vài năm trước đơn vị này đã phải xác định hướng đi quan trọng là đa dạng mô hình hoạt động và hợp tác với các đơn vị nước ngoài để củng cố nội lực hơn nữa.
Theo: D.Anh
Vietnamnet