Tỷ phú Thái “gặp khó” sau khi thâu tóm “ông lớn” bia Việt
(Dân trí) - Sau khi thâu tóm Sabeco, tỷ phú Thái lập tức gặp khó trong bối cảnh giá nguyên liệu và thuế tiêu thụ đặc biệt gia tăng. Lợi nhuận “ông lớn” bia Việt đã xuống đáy 12 quý trong 3 tháng cuối năm 2018, cổ phiếu liên tục mất giá trong gần 1 tháng nay.
Trong bối cảnh thị trường giao dịch giằng co, cổ phiếu SAB của Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) không hề có phiên tăng giá nào kể từ ngày 8/1 cho tới nay. Sáng nay (28/1), mã này tiếp tục mất 800 đồng tương ứng 0,3% còn 232.200 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu SAB diễn biến khá bất lợi trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2018 không mấy khả quan.
Trong quý cuối cùng của năm 2018, Sabeco đạt 10.406 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn trong kỳ lại tăng 2% lên mức 8.222 tỷ đồng do sự gia tăng của chi phí nguyên liệu và thuế tiêu thụ đặc biệt. Lợi nhuận gộp trong quý IV của Sabeco theo đó giảm 11% xuống mức 2.184 tỷ đồng.
Phần lãi từ liên doanh liên kết cũng giảm mạnh 37% xuống chỉ còn 87 tỷ đồng. Tiết giảm được chi phí quản lý 10% so cùng kỳ còn 350 tỷ đồng, song chi phí bán hàng của Sabeco trong kỳ vừa rồi lại tăng 7% lên mức 934 tỷ đồng. Lợi nhuận khác lao dốc 65% chỉ còn đạt 9 tỷ đồng trong quý IV.
Chính vì vậy, lãi ròng Sabeco đã giảm mạnh 26% so với cùng kỳ, chỉ còn đạt 863 tỷ đồng trong quý IV/2018, thấp nhất trong vòng 12 quý trở lại đây của “ông lớn” ngành bia.
Tuy vậy, tính chung trong cả năm 2018, doanh thu thuần của Sabeco vẫn tăng 5% so với 2017, đạt 35.948 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 11%, xuống 4.175 tỷ đồng và thấp nhất trong vòng 3 năm kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết.
Trong phiên giao dịch sáng nay, hai chỉ số chính diễn biến trái chiều. Trong khi VN-Index tăng nhẹ 2,12 điểm tương ứng 0,23% lên 911 điểm thì HNX-Index lại đánh mất 0,32 điểm tương ứng 0,31% còn 102,42 điểm.
Toàn thị trường ghi nhận 240 mã giảm giá, 34 mã giảm sàn so với 232 mã tăng, 24 mã tăng trần cho thấy sự giằng co vẫn tiếp diễn trong bối cảnh thanh khoản thu hẹp.
Có tổng cộng 64,86 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương ứng 976,65 tỷ đồng và 14,48 triệu cổ phiếu giao dịch trên HNX tương ứng 180,78 tỷ đồng. Toàn thị trường có 966 mã cổ phiếu không hề diễn ra giao dịch nào.
Sáng nay, VHM hồi phục mạnh, tăng 1.100 đồng tương ứng 1,4% lên 79.100 đồng và trở thành mã có đóng góp tích cực nhất đối với VN-Index. Mã này góp vào mức tăng chung cảu chỉ số tới 1,12 điểm.
Bên cạnh đó, VIC, MSN, POW, GAS, CTG, VNM… tăng giá của tác động tích cực đến diễn biến chỉ số chung. Ngược lại, TCB, SAB, ROS, VCB, HNG, VCI… giảm đã kìm hãm chỉ số bứt phá trong phiên.
Trên sàn HNX, chỉ số nhận được sự hỗ trợ từ PVS, NTP, VCG, DPC… nhưng lại chị tác động tiêu cực do giá của các mã ACB, DBC, DGC, NVB giảm.
Đưa ra chiến lược đầu tư trên thị trường cơ sở trong tuần mới, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, trong bối cảnh thị trường vẫn đang ở vùng trống thông tin và kỳ nghỉ Tết Âm lịch đang đến gần, trước mắt ít có khả năng xuất hiện xu hướng mới và chỉ số sẽ vẫn tiếp tục giao dịch tích lũy đi ngang trong những phiên tới.
Do đó, giai đoạn hiện tại sẽ thích hợp hơn để những nhà đầu tư trung – dài hạn tích lũy dần các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong năm 2019.
Nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị vẫn có thể tìm kiếm lợi nhuận bằng việc giao dịch “lướt sóng” trong biên độ hẹp, nhưng cần tuyệt đối tuân thủ kỷ luật đầu tư và tránh lạm dụng đòn bẩy.
Mai Chi