1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tỷ phú Soros - quyền lực giấu mặt thúc đẩy chính biến tại Ukraine?

(Dân trí) - Thông qua các tổ chức phi chính phủ, với danh nghĩa hoạt động vì dân chủ, nhân quyền, tỷ phú Mỹ George Soros từ năm 2011 đã “bơm” mạnh tiền tạo dựng được một mạng lưới những người ủng hộ tại Ukraine, sẵn sàng tham gia cuộc chính biến tại Kiev.

Trong cuộc phỏng vấn với hai hãng truyền thông lớn của Nga là đài phát thanh Tiếng nói nước Nga và kênh truyền hình RT mới đây, cựu nhân viên tình báo Mỹ Scott Rickard đã tiết lộ rằng, tỷ phú Mỹ George Soros cùng nhà đồng sáng lập trang thương mại điện tử Ebay Pierre Omidyar, đã rót hàng triệu USD vào Ukraine từ nhiều năm qua để “truyền bá dân chủ”. Ông Rickard còn cho biết chính Pierre Omidyar từng thừa nhận điều này năm 2011.

George Soros được cho là đã cùng chính phủ Mỹ lên kế hoạch chính biến tại Ukraine

Chuyên gia tình báo này khẳng định, Soros (sở hữu khối tài sản 23 tỷ USD theo thống kê của tạp chí Forbes) là người cực kỳ nổi tiếng về những hoạt động kiểu này. Tỷ phú này là người đứng đằng sau những phong trào chống chính phủ tại Nam Tư cũ, cộng hòa Séc & Slovakia cũ.

Với Ukraine, Soros cũng thực hiện chiêu bài tương tự, đó là tung tiền tài trợ cho các nhóm đối lập, biểu tình chống chính phủ, kích động bạo lực và sau đó đổ lỗi cho chính quyền đàn áp dân chúng, tạo cớ để cho sự can thiệp từ bên ngoài. Cùng tham gia hoạt động này với Soros còn có Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ của Mỹ, ông Rickard khẳng định.

Xâm nhập Ukraine từ hơn 20 năm trước

Theo mạng tin tức độc lập WND của Mỹ, tỷ phú Soros đã đặt nền móng cho sự can dự vào các vấn đề tại Ukraine ngay từ năm 1989, khi lập ra một quỹ từ thiện mang tên Quỹ phục hưng quốc tế của người Ukraine (hay IRF), chỉ 2 năm sau khi Ukraine trở thành một quốc gia độc lập.

Kể từ đó đến nay, nhà tài phiệt từng nổi tiếng với vụ tấn công ngân hàng trung ương Anh, thu lợi 1 tỷ USD chỉ sau một đêm bán khống lượng bảng Anh tương đương 10 tỷ USD năm 1992, đã rót hơn 100 triệu USD để hậu thuẫn cho các nhóm hoạt động tại Ukraine, hầu hết thông qua IRF và các Viện xã hội mở, tổ chức phi chính phủ truyền bá tư tưởng dân chủ.

Theo báo cáo thường niên năm 2012 của IRF, tổ chức này khẳng định: “IRF đã tài trợ 63 triệu hryvnia (tương đương 6,7 triệu USD vào thời điểm đó) cho các tổ chức xã hội dân sự - nhiều hơn bất kỳ tổ chức từ thiện nào hoạt động trong lĩnh vực này tại Ukraine”.

Cuộc chính biến tại Ukraine đã được lên kế hoạch từ 20 năm trước
Cuộc chính biến tại Ukraine đã được lên kế hoạch từ 20 năm trước

IRF, đóng trụ sở tại Kiev, không chỉ hỗ trợ cho hàng loạt tổ chức phi chính phủ, mà chính họ còn tổ chức những buổi hội thảo chuyên đề thường kỳ, và các khóa đào tạo cho các nhóm địa phương, liên quan đến các chủ đề như “mở cửa biên giới”, và chuyển hóa khu vực thông qua Liên minh châu Âu.

Một hội thảo như vậy từng được tổ chức ở Kiev tháng 5/2012, nhằm củng cố năng lực của các tổ chức phi chính phủ Ukraine trong việc hấp thụ sự hỗ trợ của EU.

Năm 2009, IRF đã tạo ra một mạng lưới các chuyên gia để giúp cải cách các chính phủ và phát triển một nhóm các chính trị gia được gọi là tiến bộ.

IRF đã bắt tay với các nhóm của chính phủ và Liên hợp quốc tại Crimea để triển khai một chương trình chung, có tên “Hỗ trợ triển khai chính phủ điện tử, dân chủ điện tử và thông tin hóa chính quyền địa phương tại Crimea”.

Một sáng kiến then chốt của tổ chức IRF của Soros đó là loại bỏ hàng rào thị thực giữa Ukraine và EU, trong khi tích hợp các chuyên gia Ukraine vào các nhóm EU.

IRF cũng có liên quan chặt chẽ tới những chiến dịch mà họ gọi là vận động vì nhân quyền, cổ vũ rất nhiều nhóm địa phương và triển khai các sáng kiến như chương trình “Trao quyền pháp lý cho người nghèo”.

IRF cũng điều hành một chương trình phát triển cái họ gọi là “những phóng viên có trách nhiệm xã hội” tại Ukraine. Trong khuôn khổ hoạt động tại địa phương của mình, IRF ủng hộ cho ít nhất một trong những nhóm chính hiện đang biểu tình tại Ukraine.

Tổ chức Spilna Sprava (Chính nghĩa chung), vốn là trung tâm dẫn dắt một số người biểu tình, từng nhận 3000 USD hỗ trợ từ IRF năm 2009. Những ngày vừa qua, tổ chức này liên tục xuất hiện trên mặt báo vì đã chiếm đóng nhiều tòa nhà chính phủ.

Trong khi đó, Viện xã hội mở của Soros năm 2012 từng triển khai một dự án có tên “Công lý cho thường dân: Ukraine”, nhằm giúp đỡ “những người dân thường khẳng định quyền của họ theo pháp luật”.

Cũng có liên hệ với Soros còn có Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế, vốn tự nhận mình là một trong những “đơn vị nghiên cứu độc lập hàng đầu của Ukraine trong việc phát triển và phân tích chính sách công”. Kể từ năm 2003 đến nay, trung tâm này đã là một phần của Hiệp hội chính sách vì một xã hội mở do Soros tài trợ.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên vị tỷ phú Mỹ thực hiện một chiến dịch truyền bá dân chủ. Thông qua những khoản tiền quyên góp từ thiện có tính chiến lược, Soros từng giúp hạ bệ chính quyền tại Ba Lan, lật đổ chính quyền Serbia của cựu Tổng thống Slobodan Milosevic, và hậu thuẫn cho “cách mạng hoa hồng” tại Gruzia.

Soros cũng tài trợ cho nhiều đảng đối lập tại Azerbaijan, Belarus, Croatia, Gruzia, và Macedonia, giúp họ lên nắm quyền hoặc trở thành những nhân vật nhiều ảnh hưởng. Tất cả các nước này đều từng là những đồng minh của Nga.

Tất nhiên Soros không làm việc một mình. Các khoản đầu tư của tỷ phú này thường dựa trên nền tảng là làn sóng bất mãn của những người có tư tưởng dân túy, hoặc được thực hiện cùng các chính phủ Mỹ và châu Âu và các tổ chức phi lợi nhuận.

Không số tiền nào có thể đơn thương độc mã hạ bệ một nhà lãnh đạo nổi tiếng nước ngoài. Nhưng một nhà lãnh đạo yếu thế có thể bị đẩy khỏi chính trường, và Soros thích tạo ra những cú xô đẩy đó cho các chính trị gia trên thế giới.

Thanh Tùng
Tổng hợp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm