1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: "Tôi không lo lắng về doanh số bán xe điện"

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Tỷ phú Phạm Nhật Vượng khẳng định sự phát triển của xe điện là tất yếu. Ông nêu không lo lắng về doanh số bán xe điện hiện tại và chia sẻ về kế hoạch mở rộng tại châu Á, Bloomberg dẫn lời.

"Tôi không lo lắng về doanh số bán xe điện"

Chia sẻ với Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup, cho biết ông không hề nản lòng trước nhu cầu xe điện toàn cầu chậm lại hay sự khởi đầu ảm đạm của VinFast khi thâm nhập vào thị trường Mỹ.

Ông cho biết VinFast dự kiến sẽ mở nhà máy tại Ấn Độ vào nửa đầu năm tới, sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch ban đầu. Đồng thời, công ty cũng sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy ở Indonesia trong vòng 2 tháng tới.

Các kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng vẫn được đưa ra trong bối cảnh hãng vẫn đang phải nỗ lực giành chỗ đứng trong thị trường xe điện đầy cạnh tranh.

Trong 3 tháng đầu năm nay, hãng đã giao được 9.689 chiếc ô tô điện, cách xa mục tiêu hàng năm là 100.000 chiếc. Năm 2023, VinFast đã bán được 34.855 xe nhưng phần lớn là cho các bên liên quan.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Tôi không lo lắng về doanh số bán xe điện - 1

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ với Bloomberg (Ảnh: Bloomberg)

Sau khi IPO trên thị trường chứng khoán Mỹ vào tháng 8 với giá cổ phiếu VFS tăng hơn 700% chỉ sau 2 tuần. Tuy nhiên đến nay, giá cổ phiếu VFS đã giảm hơn 90% so với mức đỉnh.

Dù vậy, ông Phạm Nhật Vượng gạt đi những lo ngại về việc nhu cầu xe điện trên toàn cầu đang suy giảm, một yếu tố đang ảnh hưởng đến những đối thủ lâu năm như Tesla, Volkswagen.

"Tôi không lo lắng về doanh số bán xe điện. Sự phát triển của xe điện là tất yếu", vị tỷ phú nhấn mạnh.

Không có kế hoạch thu hẹp quy mô hoạt động của nhà máy

VinFast đã ký một thỏa thuận với bang Tamil Nadu của Ấn Độ vào tháng 1 năm nay để đầu tư tới 2 tỷ USD vào quốc gia này, với mục tiêu tạo bước đột phá tại một trong những thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Nhà máy bắt đầu được xây dựng từ tháng 2 với số vốn ban đầu 500 triệu USD. Trong khi đó, việc sản xuất tại nhà máy ở Indonesia dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2025, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu là năm 2026. Cả 2 nhà máy sẽ có công suất sản xuất ban đầu là 50.000 xe/năm và có khả năng tăng lên 300.000 xe/năm, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường.

Tại Mỹ, VinFast bắt đầu giao xe cho các khách hàng vào năm ngoái. VinFast đang đối mặt với nhiều thách thức khi các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc cũng đang tăng cường xuất khẩu xe điện giá rẻ và Tesla đã giảm giá bán các sản phẩm, trong bối cảnh mối quan tâm đến xe điện ngày càng giảm.

Hiện tại, công ty vẫn đang xây dựng nhà máy ở Bắc Carolina, Mỹ. Năm ngoái, hãng từng công bố công suất ban đầu của nhà máy này là 150.000 xe/năm, bắt đầu sản xuất từ năm 2025.

Điều này khiến các nhà đầu tư đang lo ngại về chi phí của nhà máy trong bối cảnh lãi suất cao. Ông Vượng khẳng định VinFast không có kế hoạch giảm công suất hay thu hẹp quy mô hoạt động của nhà máy này.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Tôi không lo lắng về doanh số bán xe điện - 2

Dây chuyền sản xuất pin của nhà máy VinFast tại Hải Phòng (Ảnh: Bloomberg).

Theo báo cáo tài chính quý I/2024, VinFast có khoản nợ ròng khoảng 2,9 tỷ USD tính đến cuối tháng 3. Tiền và các khoản tương đương tiền ở mức 123,3 triệu USD. Công ty ước tính chi phí vốn trong năm 2024 sẽ khoảng 1-1,5 tỷ USD, được lấy từ nguồn vốn cổ phần hoặc vay nợ.

Ông Vượng cho biết công ty đang đàm phán với các nhà đầu tư tài chính và sẽ xem xét một đối tác trong ngành có thể giúp công ty phát triển. Tuy nhiên, Chủ tịch Vingroup khẳng định không muốn huy động vốn một cách "bất cẩn" và sẽ không chấp nhận lãi suất cao.

Ngoài các nhà máy sản xuất xe điện đang xây dựng, VinFast cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất pin tại Ấn Độ và đã thiết lập một liên doanh pin tại Việt Nam với Gotion, một ông lớn sản xuất pin của Trung Quốc.