1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tỷ phú người Sán Dìu

Hiện nay, mỗi năm anh xuất chuồng khoảng 60 tấn lợn thương phẩm và 15 tấn cá thịt, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/năm.

"Làm gì cũng cần có sự đam mê bởi khi chuyên tâm vào một công việc nào đó thì chắc chắn có kết quả tốt…”- chủ trang trại chăn nuôi người dân tộc Sán Dìu Nguyễn Văn Báo ở thôn Giành Cũ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã tâm sự. Đó cũng chính là bí quyết để anh gây dựng thành công trang trại chăn nuôi lợn kết hợp với thả cá trị giá bạc tỷ trên vương quốc vải thiều này.
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên 
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Mặc dù được các anh cán bộ khuyến nông huyện giới thiệu trước nhưng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Nguyễn Văn Báo. Gần 4 ha mặt nước Hồ 39 (hồ Bắc Thái trước đây) được anh chia thành 6 ao thả cá và xây dựng 3 khu chuồng trại chăn nuôi lợn hiện đại. Anh Báo nói: "Tôi đấu thầu hồ của địa phương, rồi bỏ ra hơn 700 triệu đồng đắp bờ chia ao và xây dựng trang trại chăn nuôi”. So với nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thì có lẽ ít trang trại nào lại được quy hoạch bài bản như ở đây. Toàn bộ khu vực vòng ngoài là mương dẫn nước vừa làm nhiệm vụ điều hoà nước trong các ao vừa có tác dụng phòng sự lây lan của dịch bệnh cho đàn lợn từ bên ngoài vào. Các chuồng lợn đều được đánh số thứ tự và có bảng ghi chi tiết khối lượng thức ăn tiêu thụ hàng ngày đối với từng đàn lợn.

Sinh năm 1966, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Báo trở về địa phương lập nghiệp. Đất sản xuất nông nghiệp không nhiều, điều kiện canh tác không thuận lợi nên cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ ban đầu gặp không ít khó khăn. Thấy làm ruộng vất vả mà  không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh đói nghèo, anh bắt đầu xoay sang nghề khác. 

Ban đầu anh mua máy xát gạo thuê rồi rủ anh trai bán thịt lợn theo lời khuyên của một người bạn cũ. Thiếu vốn, khách hàng mua chịu nhiều, anh trai anh Báo không mặn mà với nghề này bèn bán chịu cho anh chiếc xe máy cũ để anh có phương tiện đi lại. Vậy là cứ một mình một ngựa, anh Báo đi khắp các xã trong khu vực mua lợn về thịt bán tại chợ quê. 

Theo nghề thịt lợn được vài năm có ít đồng vốn, anh mua đất ra khu vực trung tâm xã, mở cửa hàng kinh doanh vật tư phân bón. Thời hoàng kim của cây vải thiều cũng là thời điểm anh thu được nhiều lợi nhuận nhất từ kinh doanh vật tư phân bón, từ chỗ khó khăn gia đình anh đã có của ăn của để. Tới năm 2001-2002, vải thiều không còn được giá như trước nên nông dân mua phân bón ngày càng ít, nghề thịt lợn hiệu quả không cao như trước do có nhiều người làm. Trước tình hình đó, suy đi tính lại anh quyết định chuyển sang chăn nuôi lợn. 

Thời gian đầu anh Báo nuôi vài chục con lợn/lứa. Chưa nắm được kỹ thuật anh học hỏi cán bộ khuyến nông xã, học qua sách báo để chăn nuôi. Hiệu quả kinh tế từ nghề mới này đã khuyến khích anh Báo mở rộng quy mô chăn thả. Mọi người lo lỗ vốn anh quả quyết: "Các em cứ làm đi, giống và thức ăn anh đầu tư toàn bộ, lãi cùng hưởng lỗ mình anh chịu”. Được động viên kịp thời những người thân trong gia đình anh Báo nhất trí cùng anh đầu tư vào chăn nuôi. Một lứa, rồi hai, rồi ba lứa, lần nào cũng có lãi mặc dù chưa nhiều nhưng củng cố niềm tin của mọi người trong nghề mới này. 

Năm 2006, UBND xã có kế hoạch cho người dân đấu thầu diện tích mặt nước hồ 39 để phát triển sản xuất. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để mở rộng quy mô chăn nuôi nên anh Báo tham gia và trúng thầu với giá 110 triệu đồng, thời gian sử dụng 25 năm. Công tác quy hoạch vùng nuôi thả được anh triển khai ngay sau đó. Thiếu vốn anh huy động từ người thân, vay quỹ tín dụng nhân dân xã và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, kỹ thuật chăn nuôi anh tiếp tục bổ sung bằng việc đi tham quan nhiều mô hình trang trại trong vào ngoài tỉnh. Anh Báo tâm sự: "Chăn nuôi nhỏ thì dễ chứ tới vài trăm con/lứa không đơn giản chút nào, không hạch toán kỹ, không tiêm phòng đầy đủ lợn mắc dịch bệnh là lỗ vốn ngay”. 

Nhận thức rõ điều này nên từ khi xây dựng trang trại anh luôn chú ý tới những vấn đề này. Theo đó,  sau khi lợn nái thụ tinh được 90-95 ngày anh tiêm vắcxin phòng bệnh ecoli, dịch tả. Sau khi lợn đẻ anh tiếp tục tiêm vắcxin thương hàn, tụ huyết trùng... Đối với lợn giống mua ở ngoài về nuôi anh cũng tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Do vậy mấy năm qua, chưa năm nào đàn gia súc của gia đình anh bị dịch bệnh. Chất thải từ chăn nuôi làm thức ăn cho cá nên giảm đáng kể chi phí đầu vào cho loài vật nuôi này. Hiện nay, mỗi năm anh xuất chuồng khoảng 60 tấn lợn thương phẩm và 15 tấn cá thịt, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/năm. 

Nhờ năng động và dám nghĩ dám làm, từ hai bàn tay trắng anh Báo đã gây dựng lên trang trại chăn nuôi bạc tỷ trên vùng đất vải thiều. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh còn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với người dân trong khu vực, góp phần tạo thúc đẩy phong trào chăn nuôi trên địa bàn ngày càng phát triển. Mô hình nuôi lợn kết hợp với thả cá của vợ chồng anh Báo giờ đây đã nổi tiếng khắp vùng nhưng mấy ai biết được anh lại lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Ngoài lợi nhuận, hàng năm anh còn gải quyết công ăn việc làm cho cả chục lao động trong vùng.
 
Theo Hà Giang
Đại Đoàn Kết
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm