Tỷ phú diệt virus McAfee: Phá sản, nghiện ngập, nghi can giết người

Từng sở hữu hơn 100 triệu USD, từng có trong tay cơ hội để trở thành một tỷ phú quyền lực của thế giới, thế nhưng John McAfee lại vứt bỏ tất cả để giờ đây ông trắng tay và bị cảnh sát săn lùng khi bị cho là nghi phạm chính của một vụ ám sát.

John McAfee, nhà sáng lập của McAfee - công ty phần mềm chống virut lớn nhất thế giới, được tập đoàn Intel mua lại vào tháng 8/2010 với giá 7,7 tỷ USD - chắc hẳn sẽ là một doanh nhân giàu có với tài sản nhiều tỷ USD, sánh vai được với những ông trùm công nghệ khổng lồ như Mark Zuckerberg và Larry Ellision.

Nhưng không! John McAfee không chỉ ném đi toàn bộ tài sản của mình mà giờ đây ông còn trở thành nghi can số 1 của vụ sát hại một người nước ngoài tên là Gregory Faull. Cảnh sát cũng khẳng định McAfee nghiện ma túy có tiếng.

John McAfee thành lập công ty phần mềm vào năm 1987. Đến đầu những năm 1990, McAfee đã nhanh chóng trở thành công ty phần mềm chống virut lớn nhất thế giới. Đến 1994, trong khi công ty mang tên mình phất lên như diều gặp gió thì John lại trở nên chán nản, ông từ chức CEO và bán toàn bộ cổ phần của mình để lấy 100 triệu USD.

Tại thời điểm đó, có thể việc bán cổ phần để bỏ túi hàng trăm triệu USD là một quyết định không đến nỗi tệ hại. Thế nhưng công việc kinh doanh của công ty McAfee sau đó vẫn tiếp tục bùng nổ với tốc độ chóng mặt, ngay cả sau khi bong bóng dotcom bị nổ vào đầu những năm 2000. Và nếu như John McAfee kiên trì nắm giữ cổ phần đến năm 2010, với thương vụ trị giá 7,7 tỷ USD thì ông đã có thể trở thành một tỷ phú giàu có và quyền lực.
 
Tỷ phú diệt virus McAfee: Phá sản, nghiện ngập, nghi can giết người
 
Sau khi rời công ty, McAfee lao vào mua sắm. Ông mua một khu biệt thự gần biển rộng 5 mẫu Anh ở Hawaii, một trực thăng cá nhân Cessna 10 chỗ, một nông trang rộng 157 mẫu tại New Mexico với một rạp phim mini 35 chỗ ngồi, nhiều tác phẩm nghệ thuật và hàng tá siêu xe. Ngoài ra McAfee cũng đổ 25 triệu tiền mặt để xây dựng một khu điền trang rộng đến 280 mẫu ở Colorado làm nơi sinh sống. Để mở rộng danh mục tiêu tiền ngoài bất động sản McAfee cũng đã đổ nhiều triệu USD mua cổ phiếu của tập đoàn tài chính Lehman Brothers. Sau khi Lehman Brothers tuyên bố phá sản vào tháng 10/2008 thì khoản đầu tư đó của McAfee tan thành mây khói. Lúc này ông nhận ra mình đã không còn tiền mặt!

Buộc lòng bán tài sản là một tình cảnh tồi tệ nhất của một đại triệu phú. Khu điền trang trị giá 25 triệu USD ở Colorado lúc này trượt giá chỉ còn 5,7 triệu USD. Trong khi đó, biệt thự Hawai chỉ còn giá 1,5 triệu USD. Và sau đó, John McAfee, người từng sở hữu hơn 100 triệu USD, người tuột mất cơ hội làm tỷ phú lừng danh thế giới chỉ còn lại 4 triệu USD.

4 triệu USD không phải là ít nhưng đối với một người từng có trong tay hàng trăm triệu USD thì số tiền này thật tồi tệ và không khác gì một cơn ác mộng. Vì thế đến năm 2009, McAfee quyết định rời đến định cư tại Belize. Ông mua một ngôi nhà gỗ trên sông và hẹn hò với cô gái 17 tuổi trong vùng.

Dẫu vậy khoảng thời gian sống ở Belize của McAfee không phải là thiên đường. Ông đã cố gắng thành lập một công ty dược phẩm nhưng cảnh sát địa phương lại ngờ rằng, ông vua dotcom một thời thực chất đang sản xuất các loại thuốc kích thích...

Khi cảnh sát đột nhập vào nhà riêng của ông vào tháng 5 vừa qua, họ phát hiện hàng vài chục khẩu súng và tống McAfee vào trại giam một đêm. 5 tháng trôi thật nhanh, và giờ đây, các nhà chức trách tại Belize tuyên bố John McAfee là nghi phạm chính trong một vụ ám sát người nước ngoài mang tên Gregory Faull và phát lệnh truy nã ông. Cảnh sát hiện vẫn chưa bắt được McAfee nhưng với tình cảnh hiện nay: thiếu hộ chiếu, thiếu nguồn lực... McAfee đang phải đối mặt với những thử thách quá lớn. Ông khẳng định ông không giết ai nhưng bỏ trốn là vì cảnh sát muốn... giết ông.

Không biết diễn biến cuộc đời của McAfee sẽ ra sao nhưng có một điều chắc chắn là đây là một trong những câu chuyện buồn nhất và gây hoang mang nhất về một người doanh nhân có đủ cơ hội để làm một tỷ phú thành danh của thế giới nhưng lại bỏ lỡ tất cả để trở thành tay trắng.
Theo Thái Anh
VEF/Business Insider