Tỷ giá VND/USD lại “dậy sóng”
(Dân trí) - Với mức tăng dần đều trong hai ngày qua, tỷ giá VND/USD hiện đã được các ngân hàng thương mại đẩy lên mức 21.185 đồng/1 USD. Theo ghi nhận từ thị trường, đây là đợt biến động mạnh nhất của tỷ giá trong hơn 3 tháng qua.
Tăng mạnh nhất trong hơn 3 tháng qua
Chiều nay 6/12, theo niêm yết của Vietcombank, giá USD giao dịch ở mức 21.140 đồng (mua vào) - 21.185 đồng (bán ra), tăng mỗi chiều 25 đồng và 35 đồng so với hôm qua.
Tương tự, tỷ giá tại SeABank cũng được ngân hàng này nâng lên mức 21.140 đồng - 21.185 đồng, tăng mạnh mỗi chiều 30 đồng và 35 đồng.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Tại Eximbank, USD hiện được niêm yết trên biểu giá của ngân hàng này ở mức 21.110 đồng - 21.170 đồng, chiều mua vào giữ nguyên còn chiều bán ra tăng 10 đồng.
Ảnh hưởng từ thị trường chính thức, giá USD tại “chợ đen” cũng tăng mạnh, một số cửa hàng thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội) niêm yết giao dịch ở mức 21.150 đồng - 21.200 đồng.
Với mức giao dịch này, giá USD hiện đã tăng mạnh nhất trong hơn 3 tháng qua. Tuần trước, tỷ giá cũng đã có những “cơn sóng” khá lớn và đặc biệt từ hôm qua đến nay, giá USD liên tục nhảy những bước mạnh hơn trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại. Và với mức giao dịch hiện nay, giá USD đã tăng khoản 70 đồng trong khoảng hai tuần.
Trong khi đó, giá USD trên thị trường thế giới lại hướng tới tuần giảm giá thứ 4 trước số liệu việc làm của Mỹ. Sáng nay, tại Tokyo, USD ổn định ở mức 1,3671 USD/EUR. Ngược lại, đồng Euro tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kiềm chế nới lỏng chính sách tiền tệ.
NHNN: Không có chuyện điều chỉnh tỷ giá
Tỷ giá VND/USD đang “một mình, một ngựa”, liệu “đợt sóng” này có phải để đón đầu đợt điều chỉnh tỷ giá vào cuối năm từ phía Ngân hàng Nhà nước?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, biến động tỷ giá trong hai ngày qua là hoàn toàn do yếu tố tâm lý, trong đó có sự kỳ vọng sau những báo cáo gần đây về ngoại hối và tiền tệ mới được công bố trên thị trường.
Xuất phát từ những diễn biến tích cực thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước khẳng định “không có cơ sở điều chỉnh tỷ giá và không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm 2013”.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian vừa qua, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng diễn ra khá ổn định, thấp hơn tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước là 21.100 VND. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối với số lượng lớn.
Với diễn biến hai ngày gần đây, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, cung cầu ngoại tệ vẫn ở mức cân bằng. Nhập siêu của Việt Nam 11 tháng ở mức rất thấp (96 triệu USD, tương đương với 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó tháng 11 Việt Nam xuất siêu 50 triệu USD.
Cùng với đó, cán cân vãng lai thặng dư từ đầu năm đến cuối quý II/2013 khoảng 7,2 tỷ USD tương đương 4% GDP và là mức thặng dư rất cao so với những năm trước đây. Dự báo cán cân thanh toán tổng thể cả năm có thể ở mức 2,5-3 tỷ USD.
Bên cạnh đó, doanh số giao dịch, trạng thái ngoại tệ và hoạt động mua bán của các tổ chức tín dụng diễn biến bình thường, thanh khoản thị trường tốt, không có gì đột biến, phản ánh đúng quan hệ cung cầu trên thị trường.
Liên quan tới điều hành về chính sách tỷ giá, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, trong năm 2014, chính sách tỷ giá cần linh hoạt hơn nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Cụ thể, cơ quan điều hành nên xác lập một ngang giá tiền tệ mới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới 2007-2008 đã xác lập một mặt bằng giá mới.
Dẫn số liệu về cán cân thanh toán quốc tế năm 2013 dự báo thặng dư khoảng 1,5-2 tỷ USD, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cán cân vãng lai thặng dư khoảng 6% GDP trong nửa đầu năm, là năm thứ 2 liên tiếp thặng dư sau nhiều năm tăng trưởng âm, nhờ vào thặng dư thương mại và kiều hối đạt khá.
Đặc biệt, vốn FDI tăng mạnh thể hiện việc tái lập niềm tin trong trung hạn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam. Điều này góp phần gia tăng nguồn cung ngoại tệ, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá.