1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tỷ giá chịu áp lực, lãi suất ngân hàng có "leo thang"?

(Dân trí) - Theo nhận định của chuyên gia SSI, trong bối cảnh hiện tại của thị trường việc mở rộng nguồn thu, thay đổi cấu trúc khách hàng, quản lý chi phí hiệu quả… sẽ được ưu tiên lựa chọn thay vì tăng lãi suất cho vay. Trong khi đó, lãi suất huy động dự kiến vẫn sẽ được duy trì.

Câu chuyện thao túng tiền tệ không tác động đến thị trường hiện tại

Báo cáo tiền tệ vừa được công bố bởi các chuyên gia phân tích từ SSI Research cho thấy, tỷ giá USD/VND đang chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các diễn biến trên thị trường quốc tế.

Tỷ giá giao dịch USD/VND tháng qua dao động khá mạnh, kết thúc tháng tăng thêm 130 VND/USD ở chiều mua vào và 150 VND/USD ở chiều bán ra trên ngân hàng, lên mức 23.360/23.480; và tăng thêm 90VND/USD trên thị trường tự do lên mức 23.415/23.430.

Như vậy chỉ trong vòng 1 tháng, VND đã giảm giá 0,6% so với USD, một biến động tương đối lớn sau 4 tháng ổn định nhưng vẫn ít hơn sự mất giá của hầu hết các đồng tiền trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Philippines…, báo cáo của SSI cho biết.

Tỷ giá chịu áp lực, lãi suất ngân hàng có leo thang? - 1

Thị trường tiền tệ Việt Nam đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố từ thị trường thế giới

Trong tháng 5, tỷ giá trung tâm cũng tăng thêm 37 VND/USD, tương đương 0,16% so với tháng 4. Khác với diễn biến đi ngang trong gần 4 tháng đầu năm và bật tăng từ cuối tháng 4 đến nay của tỷ giá giao dịch, tỷ giá trung tâm đã liên tục tăng từ đầu năm, mức tăng tổng cộng là 1,05%, đảm bảo biên độ đủ rộng cho biến động tỷ giá.

Theo đánh giá của SSI, điều này thể hiện sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành tỷ giá khi thị trường chịu tác động bởi các yếu tố khó lường từ bên ngoài.

Một diễn biến đáng chú ý khác là việc Việt Nam lọt vào danh sách đối tác thương mại cần giám sát của Mỹ cùng với 8 quốc gia khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Ailen, Singapore, Malaysia nhưng hiện chưa có nước nào bị coi là thao túng tiền tệ.

Việc Mỹ hạ các tiêu chuẩn đã mở rộng danh sách các nước thuộc diện giám sát. Cụ thể, Mỹ hạ tiêu chí thặng dư cán cân thanh toán >2% GDP (thay vì 3% như trước đây) và tiêu chí mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6/12 tháng (thay vì 8/12 tháng như trước đây).

Ngoại trừ Trung Quốc chỉ chạm 1 tiêu chí, Việt Nam và 7 nước còn lại đều chạm 2 tiêu chí về thặng dư cán cân thương mại và cán cân thanh toán hiện thời. Song theo SSI, khả năng Việt Nam bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ trong lần rà soát tới là rất thấp do nguồn cung USD trong nước không còn dồi dào như trước dẫn đến khó có thể liên tục mua vào USD cho dự trữ ngoại hối.

“Thị trường tài chính tiền tệ vì vậy sẽ không bị tác động bởi câu chuyện thao túng tiền tệ, ít nhất là trong năm nay” - báo cáo của SSI nhận định.

Lãi suất sẽ ổn định

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá từ diễn biến quốc tế đang gia tăng, việc duy trì ổn định lãi suất trên liên ngân hàng để đảm bảo chênh lệch lãi suất VND-USD thực dương sẽ là yếu tố quan trọng để bình ổn thị trường ngoại hối. SSI cho rằng, nhiều khả năng lãi suất VND trên liên ngân hàng sẽ được giữ trong vùng 3,3-3,5%/năm để đảm bảo lớn hơn lãi suất USD khoảng 0,8-1%/năm.

Trong khi đó, trên thị trường 1, SSI vẫn giữ quan điểm lãi suất huy động ổn định ở mức hiện tại vì các ngân hàng thương mại cần đảm bảo đủ nguồn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh phải cạnh tranh với các kênh đầu từ khác đang phát triển nhanh (trái phiếu, chứng chỉ quỹ…) và nhu cầu gia tăng số dư huy động để đáp ứng lộ trình tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%.

Việc đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất tốt hơn sẽ là cơ sở để các ngân hàng có thể duy trì được mặt bằng lãi suất huy động hiện tại mà không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận.

Đối với lãi suất cho vay, mặc dù lãi suất huy động bắt đầu tăng và thiết lập mặt bằng mới gần 6 tháng nay nhưng lãi suất cho vay với sản xuất kinh doanh vẫn tương đối ổn định, chưa kể còn có một số gói vay ưu đãi với một số ngành nghề nhất định ở các ngân hàng lớn.

Kế hoạch lợi nhuận 2019 của 17 ngân hàng niêm yết chỉ tăng 18% so với 2018, thấp hơn nhiều mức tăng 31% của năm 2018 trong khi số ngân hàng đã đạt hoặc đặt mục tiêu chuẩn Basel II tăng lên cho thấy các ngân hàng đã chú trọng nhiều hơn đến tính bền vững thay vì chạy theo tăng trưởng ngắn hạn.

Theo đó, SSI cho rằng, việc mở rộng nguồn thu, thay đổi cấu trúc khách hàng, quản lý chi phí hiệu quả… sẽ được ưu tiên lựa chọn thay vì tăng lãi suất cho vay.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm