1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tuyên truyền về sức khỏe cộng đồng: Bài học nhìn từ cuộc chiến chống Covid-19

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nhìn lại cả quá trình chống Covid-19 hiệu quả với sự phối hợp "ăn ý" từ nhà nước cùng người dân và giới truyền thông, nhiều lĩnh vực có thể rút ra được những bài học lớn.

Tuyên truyền góp phần làm nên thắng lợi cuộc chiến chống dịch Covid-19

Còn nhớ thời điểm hồi tháng 3 năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, mọi hoạt động như ngừng trệ, người dân vô cùng lo lắng. Chính phủ nhanh chóng vào cuộc, huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng các biện pháp để kiểm soát đại dịch này.

Đến thời điểm này, trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức căng thẳng tại nhiều quốc gia trên thế giới với những đợt bùng phát thứ 2 và thứ 3, Việt Nam đã gần như kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh.

Theo số liệu cập nhật mới trên trang Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), thế giới hiện ghi nhận 56.648.418 ca và 1.356.547 trường hợp tử vong do Covid-19 tại 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong khi đó tại Việt Nam, tính đến ngày 19/11 là ngày thứ 78 liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Sự thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam trong đó có một phần quan trọng là nhờ sử dụng hiệu quả các công vụ tuyên truyền và truyền thông đại chúng với sự phối hợp đồng bộ của các cấp các ngành, các địa phương.

Tại hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 do Ban Tuyên giáo, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức hồi tháng 6/2020, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Trong chiến dịch truyền thông không ngừng nghỉ về phòng chống đại dịch Covid-19, với quan điểm việc cung cấp thông tin phải đảm bảo "Kịp thời - Minh bạch - Chính xác và Tin cậy", Việt Nam đã huy động sức mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam, phát huy hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, huy động các lực lượng, các phương tiện, kết hợp truyền thống và hiện đại, sử dụng triệt để các hình thức tạo ra chiến dịch truyền thông với những dấu ấn thật sự ấn tượng.

Cùng với tuyên truyền, người dân cũng tham gia cài các ứng dụng di động như NCOVI và Bluezone do Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo sử dụng để thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe giúp chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình đại dịch và ứng phó kịp thời.

Khi Việt Nam bước sang trạng thái "bình thường mới", tỷ lệ tin bài liên quan đến dịch Covid-19 vẫn được các cơ quan báo, đài tiếp tục duy trì từ 28-40% tỷ lệ tin, bài về phục hồi, phát triển kinh tế nhưng không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Trong 5 tháng đầu năm 2020, trên không gian mạng Việt Nam có gần 17 triệu đề cập (dòng trạng thái, bình luận) liên quan tới tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khi chia sẻ trên Thông tấn xã Việt Nam đã đánh giá thành công chống dịch Covid-19 nhờ 3 yếu tố chính. Trong đó có yếu tố quan trọng đó là việc chia sẻ thông tin minh bạch và truyền thông thông điệp rõ ràng về nguy cơ dịch bệnh.

Tuyên truyền về sức khỏe cộng đồng: Bài học nhìn từ cuộc chiến chống Covid-19 - 1

Bài học từ cuộc chiến chống dịch Covid-19 đối với các vấn đề sức khỏe cộng đồng khác

Dù vẫn còn nhiều thách thức, song câu chuyện Việt Nam thành công một cách "ngoạn mục" trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 đến nay không chỉ ở trong nước mà cộng đồng quốc tế đã lên tiếng thừa nhận.

Từ bài học quý giá về truyền thông phòng chống đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là nguồn động viên để báo chí nói riêng, cả hệ thống truyền thông của nước ta nói chung trong công cuộc tuyên truyền các vấn đề sức khỏe cộng đồng khác.

Mặc dù vai trò việc tuyên truyền là rất lớn song thực tế hiện nay nhiều biện pháp nâng cao sức khỏe cộng đồng hiện tại đang được áp dụng thiếu đi việc sử dụng sức mạnh của truyền thông.

Một số chuyên gia đã chỉ ra rằng, hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe ở các tuyến vẫn còn một số trường hợp mang tính tự phát, chưa thống nhất, chưa lồng ghép, chưa phối hợp … nên hiệu quả và tác động xã hội của công tác truyền thông giáo dục sức khỏe chưa cao. Trong đó có vấn đề về sức khỏe cộng đồng khác như thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng…

Tại báo cáo về tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất tiêu thụ và thói quen sử dụng thực phẩm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở một số tỉnh thành Việt Nam, ThS. BS. Trần Khánh Vân, TS. BS. Trần Thúy Nga - Chủ nhiệm đề tài - đã chỉ ra rằng: Qua nghiên cứu ở các nước đang phát triển đã cho thấy tình trạng kinh tế xã hội, nghèo đói, trình độ học vấn thấp của cha mẹ, kiến thức của bà mẹ về dinh dưỡng, thu nhập gia đình, bệnh truyền nhiễm và nhà ở nghèo là yếu tố nguy cơ gây suy dinh dưỡng cho trẻ.

Cũng theo báo cáo của ThS. BS. Trần Khánh Vân, TS. BS. Trần Thúy Nga, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của nhóm trẻ học đường, trong đó tác động chủ yếu phải kể đến là tình trạng kinh tế, khẩu phần ăn cũng như thói quen ăn uống và hoạt động thể lực.

"Các hậu quả về sức khỏe như suy dinh dưỡng/ thừa cân béo phì có thể xảy ra do ảnh hưởng của một trong số những yếu tố trên hoặc có thể là kết quả của nhiều yếu tố cùng kết hợp gây nên", các chuyên gia trên cho biết. Nhóm chuyên gia này cũng chỉ ra các nguy cơ tương tự về vấn đề béo phì.

Do vậy, giải quyết tình trạng "Gánh nặng kép dinh dưỡng" đang hiện diện trên nhóm trẻ học đường, nhóm nghiên cứu đề tài đã chỉ ra rằng cần sự phối hợp của toàn thể cộng đồng, không phải là nhiệm vụ của riêng ngành y tế hay giáo dục.

Trong đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân cùng vai trò của các cơ quan truyền thông là vô cùng quan trọng.

Đưa ra nhiều khuyến nghị, ThS. BS. Trần Khánh Vân và TS. BS. Trần Thúy Nga cũng đề cập đến việc tăng cường truyền thông giáo dục tại các nhà trường về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng hợp lý phòng chống thừa cân béo phì trong đó tăng cường hoạt động thể lực, giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em cả ở trường và ở nhà. Giảm thiểu thời gian ngồi màn hình, không xem tivi, chơi game.... quá 2h/24h.