1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Túi tiền doanh nhân và “nước mắt từ thiện”

(Dân trí) - Hàng chục triệu người bị tụt lại trong quá trình phát triển nóng, những khoản tiền từ thiện, tài trợ không đúng cách đang tạo nên sự ỷ lại, thậm chí bị trục lợi. Trong khi đó mô hình doanh nghiệp xã hội được đánh giá cao nhưng khan hiếm vốn.

Những lớp người tụt lại

Tại báo cáo về doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng động (CSIP) và Hội đồng Anh Việt Nam phối hợp thực hiện, các nhà nghiên cứu đánh giá, Việt Nam đang phải trả giá cho một thời gian dài tăng trưởng nóng. Theo đó, không những Việt Nam phải giải quyết hàng loạt vấn đề xã hội cố hữu của một đất nước còn nghèo mà còn phải đối mặt với số lượng ngày càng nhiều các vấn đề mới nảy sinh.

Hội thảo về đầu tư xã hội (Ảnh: BD).

Hội thảo về đầu tư xã hội (Ảnh: BD).

Ước tính, số người nghèo tại Việt Nam có thể lên tới hơn 10 triệu người và khoảng 5 triệu người ở ngưỡng cận nghèo hoặc có nguy cơ tái nghèo. Trong khi đó, số người khuyết tật khoảng 6,7 triệu người, chiếm 7,8% dân số cả nước. Trong đó 69% số người khuyết tật đang ở độ tuổi lao động nhưng chỉ có 30% trong số này có việc làm và thu nhập ổn định.

Trên thực tế, nhiều chủ doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng người khuyết tật nhưng bản thân họ không biết phải bắt đầu từ đâu.

Ngoài ra, có những đối tượng khác cần giúp đỡ như người mãn hạn tù, người nhiễm HIV/AIDS cũng đang bị bỏ ngỏ.

Các tổ chức quốc tế cũng ước tính, hiện tại Việt Nam có khoảng 280.000 người chung sống với HIV/AIDS và hơn 40.000 người bị nhiễm mới mỗi năm. Chi phí mất việc và mất tay nghề đối với cả người lao động và doanh nghiệp là rất lớn.

Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều những vấn đề xã hội phát sinh hiện nay, như bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chăm sóc người cao tuổi, ngăn chặn bạo lực xã hội, y tế dự phòng, xử lý rác thải...

“Nước mắt từ thiện”


Trong việc giải quyết những vấn đề xã hội, mô hình doanh nghiệp xã hội được đánh giá cao hơn, hiệu quả thiết thực và bền vững hơn các tổ chức phi chính phủ (NGO), phi lợi nhuận và từ thiện.

Không ít dẫn chứng buồn về sự ỉ lại của những người “được” xếp vào diện nghèo, chờ mong sự hỗ trợ của địa phương và chính quyền. Và theo đó, sự hỗ trợ, viện trợ nhiều lúc lại trở thành phản tác dụng, khiến họ không có động cơ để tự lập, trong khi các NGO trở thành công cụ giải ngân một cách bị động cho các nguồn tài trợ. Hay có Quỹ được lập nên, kêu gọi sự quyên góp của cộng đồng nhưng lại bị trục lợi bởi các cá nhân, tổ chức đứng ra “từ thiện”, vô hình chung, nguồn tiền đổ về nơi “bất thiện”...

Tất nhiên những trường hợp trên chỉ là cá biệt, nhưng vấn đề được đặt ra là mang lại cho người nghèo, người cần giúp đỡ những chiếc cần câu chứ không phải con cá. Hỗ trợ bằng tiền không thể thiết thực bằng hỗ trợ phương thức làm ăn.

Doanh nghiệp xã hội mặc dù được đánh giá hoạt động có hiệu quả, tuy nhiên một thực tế là hầu hết lại đều rơi vào tình trạng thiếu vốn. Vốn đầu tư ban đầu đa phần là vốn tự đóng góp của các thành viên sáng lập với quy mô nhỏ.

Trong khi đó, do có đặc thù không vì mục tiêu lợi nhuận lại kinh doanh trên các thị trường có rủi ro cao, lợi suất tài chính thấp nên không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thương mại. Vì vậy, khả năng tiếp cận huy động các nguồn vốn đầu tư thương mại, kể cả nguồn vốn khởi sự hoặc vốn cho phát triển kinh doanh là rất hạn chế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng rất khó vay vốn ngân hàng vì không có tài sản, nhà xưởng thế chấp; lãi suất vay của ngân hàng lại cao hơn nhiều khả năng sinh lời của doanh nghiệp xã hội và thời gian hoàn vốn kéo dài hơn các dự án thông thường.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói, “Chúng tôi khuyến khích những doanh nghiệp kinh doanh sinh lợi dành một phần vốn đầu tư vào những doanh nghiệp xã hội dưới các khoản cho vay, trợ giúp hay mua cổ phần. Ngoài ra, điều kiện hiện nay cũng hoàn toàn có thể dành một phần ngân sách của Chính phủ cho các doanh nghiệp xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội”.

Qua đó, việc hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt sẽ không còn là những hành động mang tính hình thức, thậm chí chỉ phục vụ mục đích PR, đánh bóng tên tuổi cho cá nhân, tổ chức; hoặc những hành động có tâm nhưng sai phương pháp lại chỉ như muối bỏ bể và không mang lại ý nghĩa thiết thực.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm