Từ vụ giết cháu vợ để lấy tiền bảo hiểm: Chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam
Việc giả chết trục lợi bảo hiểm cũng không phải là lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Tuy nhiên, giết người như vụ bí thư xã là nghi phạm giết cháu vợ nhằm trục lợi 18 tỷ đồng từ bảo hiểm mới xảy ra là thủ đoạn trục lợi “chưa từng có tiền lệ”.
Bí thư xã giết cháu vợ và tạo hiện trường giả nhằm trục lợi bảo hiểm (18 tỷ) là câu chuyện gây bức xúc dư luận trong những ngày gần đây.
Đại tá Hồ Văn Mười, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đánh giá, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra vụ án giết người để trục lợi bảo hiểm, dù trên thế giới đã xảy ra nhiều. Đối tượng Minh đã lên kế hoạch tỉ mỉ với mục đích sau khi mình giả chết, món nợ 10 tỷ đồng sẽ được xóa, còn số tiền bảo hiểm sẽ cho vợ con hưởng.
Những thủ đoạn trục lợi bảo hiểm "chưa từng có tiền lệ" tại Việt Nam
Cụ thể, theo điều tra ban đầu của Công an Đắk Nông, nghi phạm Đỗ Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà (Lâm Đồng) đang nợ số tiền 10 tỷ đồng. Đầu năm 2020, nghi phạm mua một gói bảo hiểm trị giá hơn 200 triệu đồng, nếu nghi can này chết gia đình sẽ được hưởng khoản tiền bảo hiểm khoảng 18 tỷ đồng.
Nhằm trục lợi số tiền bảo hiểm này đồng thời "xóa" khoản nợ 10 tỷ của mình, Minh đã ra tay sát hại nạn nhân là cháu vợ mình, rồi tạo hiện trường giả, sau đó bỏ trốn xuống tỉnh Bình Phước.
Đáng nói, trước khi sát hại cháu vợ và tạo hiện trường giả, đối tượng này từng đi đào trộm mộ với ý định tìm một xác chết thay thế mình. Đó là mộ của một người dân địa phương, mới mất cách đó 1 tuần. Tuy nhiên kế hoạch trộm mộ không thành vì lý do "quá mệt nên không thể đào tiếp được, dù đã đào đến nắp quan tài".
Giết người, giả chết đây là một trong số những thủ đoạn hy hữu và cũng là thủ đoạn trục lợi bảo hiểm chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
Được biết, trong lịch sử phát triển bảo hiểm tại Việt Nam đã từng có những vụ giả chết để lấy tiền bảo hiểm nhưng đều bị phát hiện.
Đơn cử như tại Kiên Giang, vụ bà L. nhận cháu Đ. làm con nuôi tại Kiên Giang rồi mua bảo hiểm cho Đ. Sau đó, bà T. làm biên bản giả tạo ra vụ con nuôi của bà bị chết đuối và đòi bảo hiểm chi trả tiền.
Nhận thấy có nhiều dấu hiện nghi vấn, phía bảo hiểm điều tra ra bà T. không có đứa con nào bị chết đuối, con nuôi của bà đã được thay tên, đổi họ và về sống với mẹ ruột.
Tương tự, ở Thanh Hoá cũng có một vụ người chồng là L. H. T. đến cơ quan công an trình báo vợ mình là L. T. H. bị chết do tai nạn giao thông. T. đã yêu cầu công ty nơi vợ mình làm việc trả tiền bảo hiểm đã đóng và chi trả đền bù bảo hiểm.
Tuy nhiên, phía bảo hiểm cùng cơ quan công an vào cuộc điều tra thì phát hiện thì phát hiện đây chỉ là một vụ giả chết để trục lợi bảo hiểm.
Còn nhớ, năm 2016, việc một phụ nữ 30 tuổi tự chặt chân, tay để đòi bảo hiểm vì nợ vài trăm triệu đồng cũng đã từng khiến dư luận đặc biệt chú ý.
Năm 2016, do áp lực nợ nần, Lý Thị N. (SN 1986, ngụ xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã nghĩ ra cách mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, sau đó thuê D. lên kế hoạch tạo ra một vụ tai nạn giả bằng cách chặt chân và tay mình với giá 50 triệu đồng.
Thủ đoạn trục lợi bảo hiểm kiểu "ớn lạnh" bằng cách tự hủy hoại tay, chân
Qua điều tra, công an phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn. Theo kết luận giám định thương tật, N. bị tổn hại 79% sức khỏe. Tuy nhiên, thương tích ở tay và chân cô này do vật sắc nhọn gây ra. Nhân viên y tế tham gia điều trị cho N. cũng nhận định, vết thương không giống do tai nạn tàu hỏa gây ra.
Điều đáng tiếc hơn cả đối với chị N. là cả bàn tay, bàn chân đều bị hoại tử phải tháo ra, chị phải chấp nhận tàn tật, cụt một bàn tay, một bàn chân.
Chẳng khác nào hành động "tự sát"
Đại diện Hiệp Hội hội Bảo hiểm cho biết, đến thời điểm hiện tại Hiệp hội chưa có con số thống kê chính thức nào về số vụ trục lợi và giá trị trục lợi bảo hiểm của thị trường bảo hiểm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc trục lợi bảo hiểm vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc giết người và tạo hiện trường giả để trục lợi bảo hiểm 18 tỷ đồng vừa qua là việc chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam và điều này cho thấy thủ đoạn trục lợi bảo hiểm ngày càng táo tợn và tinh vi.
Còn theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong giai đoạn từ năm 2008-2017, có trên 78.000 vụ trục lợi bảo hiểm với số tiền bị trục lợi khoảng 1.100 tỷ đồng, trung bình tổn thất 110 tỷ đồng/năm. Thị trường bảo hiểm nhân thọ có từ 6-28% số vụ yêu cầu bồi thường bảo hiểm là trục lợi, tùy từng doanh nghiệp bảo hiểm.
Hành vi trục lợi bảo hiểm rất đa dạng, trong đó hành vi tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm là thủ đoạn khó phát hiện nhất vì thủ phạm thường là người rất am hiểu về kỹ thuật nghiệm vụ bảo hiểm.
Ý đồ trục lợi của hình thức này thường nảy sinh từ khi chuẩn bị tham gia bảo hiểm và có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nên quy mô trục lợi thường lớn, số tiền gian lận, trục lợi rất cao và gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra của cơ quan chức năng khi tổn thất xảy ra.
Nhìn nhận về vấn đề này, một chuyên gia trong ngành thừa nhận, do sự hiểu biết về bảo hiểm của người dân còn nhiều hạn chế nên dẫn tới những sự việc đáng tiếc như trong thời gian vừa qua.
Theo vị chuyên gia này, nhìn từ việc Bí thư xã giả chết hay vụ tự hủy hoại bản thân nhằm trục lợi bảo hiểm cho thấy, kiến thức bảo hiểm nhân thọ của những cá nhân này còn hạn chế. Việc này đã thể hiện sự thiếu hiểu biết về vấn đề bảo hiểm nhân thọ của người Việt Nam. Chính vì lẽ đó tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam luôn lẹt đẹt, nằm gần như chót thế giới.
"Đặc biệt, việc giết người dùng kế "ve sầu lột xác" định lấy tiền bảo hiểm nhân thọ chẳng khác nào hành động "tự sát" bởi vì muốn được chi trả tiền đền bù, công ty bảo hiểm cần điều tra kỹ tai nạn trước khi chi trả. Tôi cũng xin nhắc lại, ngân hàng có thể phá sản, tổ chức tài chính nào đó có thể sập nhưng bảo hiểm nhân thọ tồn tại trên 400 năm qua mà vẫn không bị vấn đề gì thì chúng ta biết sự vận hành gắt gao và kiểm soát chặt chẽ đến dường nào của bảo hiểm nhân thọ", vị chuyên gia này khẳng định.
Theo Nhật Minh
Dân Việt