1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tư vấn vay làm đoạn La Sơn - Túy Loan: Bị đơn buộc phải trả hơn 300 tỷ đồng

Thảo Thu

(Dân trí) - Bản án sơ thẩm kết luận Công ty BT Cam Lộ - Túy Loan sẽ phải bồi thường 3% phí tư vấn vay làm cao tốc cho Công ty Triều Anh, sau hơn 8 năm ký Hợp đồng tư vấn.

Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan sau hơn 8 năm khởi công xây dựng được đưa vào khai thác vào tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, tranh chấp Hợp đồng tư vấn thu xếp vốn vay giữa Công ty BT và Công ty Triều Anh thì phải đến khi Tòa án Nhân dân quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đưa ra bản án sơ thẩm vào tháng 2 vừa qua mới có kết quả.

Vụ kiện này cũng được cho là hy hữu do dự án được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và khoản vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh thông qua Bộ Tài chính.

Sau nhiều năm tìm kiếm nguồn vốn vay để đủ điều kiện làm nhà đầu tư thực hiện, triển khai dự án nhưng không thành công và để tìm được vốn vay từ nước ngoài cho dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn cao tốc La Sơn - Túy Loan (nối Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng), Công ty TNHH Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan (sau đây gọi tắt là Công ty BT) đã ký Hợp đồng tư vấn đầu tư thu xếp vốn với bên thứ 3 là Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Triều Anh (sau đây gọi tắt là Công ty Triều Anh). Hợp đồng tư vấn đầu tư này được ký vào tháng 8/2013. Phía Công ty BT cam kết trả phí dịch vụ tư vấn cho Công ty Triều Anh là 3% trên tổng vốn được ngân hàng giải ngân.

Tuy nhiên, sau 2 đợt nhận giải ngân vào tháng 7/2015 và tháng 8/2015 với tổng số tiền 465 triệu USD (tương đương hơn 10.900 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại), đơn vị tư vấn là Công ty Triều Anh nhiều lần gửi văn bản đòi tiền phí tư vấn, Công ty BT không thanh toán nên bị kiện ra tòa.

Đòi tiền trong vô vọng

Từ trước năm 2013, Công ty BT tìm nguồn vốn vay nước ngoài để thực hiện dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan. Dự án này đã được Chính phủ và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, việc tìm nguồn vốn vay từ nước ngoài trong giai đoạn đó hết sức khó khăn. 

Sau khi hợp đồng tư vấn đầu tư được các bên ký kết thì lãnh đạo Ban quản lý (BQL) dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông Vận tải) đã nhiều lần làm việc với Công ty BT, Công ty Triều Anh và một ngân hàng Nhật Bản đầu mối là Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ, Ltd. (Ngân hàng BTMU) để thảo luận xoay quanh khoản vốn vay này, làm thế nào để nhanh chóng vay được vốn để Công ty BT đáp ứng đủ điều kiện mà được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, ký Hợp đồng BT với Nhà nước để thi công dự án cũng như làm các thủ tục để được Chính phủ bảo lãnh khoản vay theo yêu cầu của các ngân hàng nước ngoài cho vay.

Nội dung thảo luận được thể hiện qua email cũng như các lần làm việc trực tiếp tại trụ sở Ban QLDA Hồ Chí Minh.... Công ty Triều Anh đã cung cấp toàn bộ các email, tài liệu về quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện Hợp đồng tư vấn nêu trên cho tòa án.

Các cuộc họp, làm việc, giải trình cho việc vay vốn này đi đến thống nhất ngày 29/9/2014, Công ty BT và Ngân hàng BTMU là bên điều phối cho gói vay và các tổ chức tín dụng hợp vốn nước ngoài đã ký kết hợp đồng tín dụng khoản vay trị giá 510 triệu USD để thực hiện dự án BT đoạn La Sơn - Túy Loan đường Hồ Chí Minh.

Tư vấn vay làm đoạn La Sơn - Túy Loan: Bị đơn buộc phải trả hơn 300 tỷ đồng - 1

Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan sau hơn 8 năm khởi công xây dựng được đưa vào khai thác vào tháng 4 vừa rồi (Ảnh: Nam Anh).

Ông Lê Ngọc Ẩn, khi đó là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty BT, đã ký Hợp đồng tư vấn vốn vay với Công ty Triều Anh.

Tới ngày 25/8/2015, khoản vay Ngân hàng BTMU đã giải ngân được 465 triệu USD, thông qua 2 đợt (một đợt 75 triệu USD và một đợt 390 triệu USD). Lãi suất vay tối đa 3,5%/năm, thời hạn hoàn trả 12 năm bao gồm 3 năm ân hạn.

So với lãi suất trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường quốc tế giai đoạn 2012-2014 (khoảng 5%/năm) hay lãi suất cho vay USD của các ngân hàng trong nước giai đoạn này (dao động 5,5-6,5%/năm)... thì mức lãi suất kể trên rẻ hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, ở gói cho vay này, các tổ chức tín dụng Nhật Bản cũng không áp đặt, kiểm soát điều kiện nhà thầu và điều này được cho là mang lại lợi thế, lợi ích rất lớn cho nhà đầu tư của Công ty BT cũng như nhà thầu trong nước tham gia thực hiện dự án. 

Theo Hợp đồng tư vấn đầu tư, Công ty BT phải trả cho Công ty Triều Anh phí tư vấn tương đương hơn 311,6 tỷ đồng. Công ty Triều Anh nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Công ty BT thực hiện hợp đồng. Những văn bản này sau đó rơi vào im lặng, dẫn đến vụ việc đòi nợ kéo dài.

Vì sao Công ty BT lần lữa trong trả phí tư vấn?

Đại diện theo ủy quyền của Công ty BT cho rằng việc Công ty Triều Anh đòi tiền tư vấn là không có cơ sở, do cá nhân Lê Ngọc Ẩn đã... tự ký hợp đồng.

Thời điểm ký hợp đồng, ông Ẩn là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty BT. Nhưng công ty cho rằng ông vi phạm điều lệ, do phải thông qua HĐTV mà ông đã không thông qua. Các biên bản họp của từ năm 2015, 2016 cho thấy không có thành viên nào trong công ty biết ông Ấn ký hợp đồng này, theo Công ty BT.

Tại văn bản báo cáo với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc huy động vốn thực hiện đầu tư dự án không có phần chi phí trả cho việc môi giới vay vốn. Đại diện ủy quyền Công ty BT cho rằng việc ông Ẩn và Công ty Triều Anh ký hợp đồng là có sự cấu kết của các cá nhân, tạo dựng hợp đồng nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Ngoài ra, thời điểm ông Ẩn được ủy quyền bằng miệng từ các cá nhân đại diện các thành viên góp vốn của Công ty BT những năm 2008, 2009 là không có giá trị pháp lý, do 4 năm sau công ty mới chính thức thành lập (tháng 11/2012).

Việc thanh toán phí tư vấn theo hợp đồng không thực hiện cũng là do dự án Công ty BT thực hiện ngay từ đầu thể hiện là La Sơn - Túy Loan, còn tại hợp đồng ký kết giữa Công ty BT với Công ty Triều Anh lại thể hiện việc vay vốn đối với dự án Cam Lộ - Túy Loan. Điều này dẫn đến việc đòi phí tư vấn với dự án La Sơn - Túy Loan là không có căn cứ pháp luật.

Công ty BT cũng cho biết trong hồ sơ lưu trữ tại công ty không thể hiện có hợp đồng được lưu trữ, do vậy khi Công ty Triều Anh có văn bản đòi tiền công ty mới biết. "Ông Ẩn tự ký nên sẽ do cá nhân ông Ẩn tự chịu trách nhiệm với Công ty Triều Anh", đại diện theo ủy quyền của Công ty BT nêu quan điểm.

"Tôi báo cáo với các thành viên sáng lập nhưng không ai ý kiến gì"

Lời khai của ông Lê Ngọc Ẩn lại cho thấy các điểm mâu thuẫn với đại diện theo ủy quyền của Công ty BT.

Ông Ẩn cho biết tháng 8/2013 đã báo cáo HĐTV Công ty BT về các khoản vay, lãi suất cho vay và các điều kiện cho vay kèm theo của Ngân hàng BTMU và chi phí môi giới hoa hồng (phí tư vấn đầu tư) cho Công ty Triều Anh.

Trong lời khai của nguyên cán bộ Ngân hàng BTMU chi nhánh Hà Nội tham gia nhóm công tác đánh giá, thực hiện các trình tự, thủ tục cho vay và Phó tổng giám đốc Công ty Triều Anh là người trực tiếp cung cấp dịch vụ tư vấn cũng cho thấy ngoài ông Lê Ngọc Ẩn còn có bà Nguyễn Thị Việt Bình, Trợ lý Tổng giám đốc và Thư ký HĐTV Công ty BT. Bà Bình cũng là người có mặt trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng tư vấn đầu tư và thực hiện chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ cho hồ sơ vay vốn. 

"Ngoài ra, tôi còn báo cáo với ông Phạm Hồng Sơn - Tổng giám đốc ban QLDA đường Hồ Chí Minh - và được đồng ý", ông Ẩn nói trong lời khai trước tòa.

Về việc có sự thay đổi từ dự án Cam Lộ - Túy Loan sang La Sơn - Túy Loan thuộc dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh của Bộ Giao thông Vận tải, ông Ẩn cho biết mục đích ban đầu của Công ty BT là vay vốn cả đoạn để làm dự án Cam Lộ - Túy Loan, khoảng 1 tỷ USD. Trong đó, phân đoạn La Sơn - Túy Loan là một phần của cả dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - Túy Loan.  

"Thời điểm ký hợp đồng, Công ty BT chưa được cấp Giấy chứng nhận của Bộ Kế hoạch Đầu tư và chưa được ký Hợp đồng xây dựng chuyển giao chính thức từ phía Bộ Giao thông vận tải đối với dự án La Sơn - Túy Loan nên dự án có thể thay đổi", ông Ẩn khai.

Ông Ẩn cũng khẳng định để vay được vốn của Ngân hàng BTMU, các bên đều mất nhiều thời gian trao đổi qua lại và chuẩn bị tài liệu, hồ sơ pháp lý cần thiết và cùng nắm được tiến độ công việc.

Tư vấn vay làm đoạn La Sơn - Túy Loan: Bị đơn buộc phải trả hơn 300 tỷ đồng - 2

Cận cảnh cao tốc nối Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng (Ảnh: Nam Anh).

Tháng 9/2014, Công ty BT, Ngân hàng BTMU cũng có 4 buổi đàm phán về nội dung hợp đồng tín dụng, với sự tham gia của các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài chính, Tư pháp, từ đó ký kết hợp đồng tín dụng có bảo hiểm NEXI vào ngày 29/9/2014. Sau đó, Ngân hàng BTMU mới giải ngân khoản vay 465 triệu USD qua 2 đợt, vào tháng 7 và tháng 8/2015.

"Để đi đến ký kết cấp hợp đồng tín dụng có bảo hiểm NEXI, tất cả các thành viên sáng lập đều được biết về gói vay. Tôi có báo cáo với các thành viên sáng lập về phí tư vấn môi giới 3% này nhưng không ai có ý kiến gì", nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty BT trình bày.

Thỏa thuận phí môi giới 3% không trái quy định pháp luật

Đại diện viện Kiểm sát nhân dân quận Thanh Xuân, TP Hà Nội tham gia phiên tòa nêu quan điểm, thời điểm ký kết Hợp đồng tư vấn, ông Lê Ngọc Ẩn là người đại diện theo pháp luật của Công ty BT nên hợp đồng giữa công ty và Công ty Triều Anh là có hiệu lực pháp luật.

Về sự thay đổi giữa tên Cam Lộ - Túy Loan và La Sơn - Túy Loan, đại diện Viện Kiểm sát cho nhận định tên dự án có thể thay đổi theo thực tế, do có sự phân kỳ dự án bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên vẫn phù hợp thỏa thuận tại Hợp đồng giữa các bên. 

Ngoài ra, khoản vay đã được giải ngân lên tới 465 triệu USD là do có sự tư vấn, trao đổi, thúc đẩy từ phía Công ty Triều Anh nên yêu cầu thanh toán phí môi giới là hợp lý.

Phía Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân cũng cho rằng có cơ sở để khẳng định Công ty Triều Anh đã đứng ra thu xếp cho Công ty BT vay vốn ngân hàng BTMU để thực hiện với dự án La Sơn - Túy Loan thuộc dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh. 

Trước ý kiến ông Ẩn ký hợp đồng là hành vi chiếm đoạt tiền Nhà nước, có dấu hiệu vi phạm hình sự của đại diện theo ủy quyền của Công ty BT, tòa án cho biết tháng 9/2020, Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an đã có văn bản xác nhận đây là giao dịch dân sự giữa các bên, chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Ngoài ra, tòa án nhận định pháp luật không có quy định khống chế với mức phí tư của các công việc mà Công ty BT và Công ty Triều Anh thỏa thuận. Do vậy, phí tư vấn 3% là tự nguyện, không trái pháp luật.

Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện và buộc Công ty BT phải thanh toán 311,6 tỷ đồng cho Công ty Triều Anh.

Trước đó, tại đơn khởi kiện, Công ty Triều Anh có yêu cầu tính lãi chậm trả số tiền này. Song Công ty Triều Anh đã rút yêu cầu khởi kiện này tại phiên tòa. Phía tòa án thấy đây là sự tự nguyện và phù hợp nên đình chỉ.

Ngoài ra, Công ty BT còn phải chịu 419,6 triệu đồng tiền án phí.

Năm 2008, Bộ Giao thông Vận tải có chủ trương đầu tư đoạn Cam Lộ - Túy Loan theo hình thức BT, theo đề nghị của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Phó Thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý triển khai đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - Túy Loan theo hình thức BT, trước mắt thực hiện đoạn từ La Sơn (Huế) đi Túy Loan (Đà Nẵng) và khi hoàn thành Nhà nước sẽ dùng ngân sách để thanh toán lại cho nhà đầu tư nhưng không trả lãi. Sau khi có văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải giao cho Ban QLDA Hồ Chí Minh lập dự án đầu tư.

Do vốn thực hiện lớn nên Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tách thành 2 dự án phù hợp với phân kỳ đầu tư.

Luật sư Lương Tuấn Tú, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Triều Anh, nhận định, đây là hợp đồng có hiệu lực pháp luật, các bên phải có trách nhiệm thực hiện đúng thỏa thuận.

"Về việc Công ty BT cho rằng ông Ẩn khi ký hợp đồng với Công ty Triều Anh nhưng không thông qua HĐTV là không có cơ sở vì theo quy định tại Điều lệ của Công ty BT và Luật doanh nghiệp 2005 không quy định phải thông qua Hợp đồng tư vấn đầu tư này", ông Tú cho hay.